Dự thảo Điều lệ Liên Hiệp Hội Người Việt tại Cộng hòa Liên bang Đức

Đăng bởi:
06/11/2023 | 21:41
Chuyên mục: Sự kiện cộng đồng
0 bình luận
Dự thảo Điều lệ Liên Hiệp Hội Người Việt tại Cộng hòa Liên bang Đức

§1 Tên, trụ sở và năm hoạt động:

(1) Tên tiếng Đức: Vietnamesische Bundesvereinigung in Deutschland e.V. , viết tắt VBD.   

Tên tiếng Việt: Liên Hiệp Hội Người Việt tại Cộng hòa Liên bang Đức, gọi tắt là Liên hiệp, viết tắt VBD. 

(2) Trụ sở chính: Berlin.

Theo sự phát triển của Liên hiệp có thể có một số Văn phòng ở các địa phương tùy theo sự cần thiết và do Ban Chấp hành (BCH) quyết định.  (3) Năm hoạt động tính theo năm dương lịch.   

§2 Mục đích: 

Liêp hiệp là một tổ chức xã hội trong hệ thống chính trị - xã hội của Cộng hòa Liên bang Đức, tập hợp rộng rãi các hội đoàn của người Việt (không đăng ký hoặc có đăng  ký với chính quyền sở tại (e.V.)), các cá  nhân người Việt và gốc Việt không phân biệt quốc tịch, đang cư trú hợp pháp tại CHLB Đức. Liên hiệp hoạt động trên nguyên tắc phi lợi nhuận, có các mục đích và sứ mạng chủ yếu sau: 

(1) Phục vụ, bảo vệ và đại diện cho quyền lợi chính đáng của cộng đồng người Việt tại CHLB Đức trước các cơ quan công quyền Đức và Việt Nam và các tổ chức khác; góp phần xây dựng một Cộng đồng người Việt ngày càng vững mạnh, đoàn kết, phát triển, tiếp tục hội nhập thành công và có vai trò và vị thế ngày càng cao đối với hai quê hương Đức và Việt Nam; đóng góp tích cực vào việc vun đắp tình hữu nghị truyền thống và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa CHXHCN Việt Nam và CHLB Đức, vì hòa bình, hợp tác, tiến bộ xã hội và phát triển ở khu vực và trên thế giới.   

(2)  Đại diện chính thức cho Cộng đồng người Việt ở Đức, là  người phát ngôn chính thức trước truyền thông, các tổ chức, các cấp chính quyền Đức và Việt Nam về các vấn đề liên quan đến cộng đồng người Việt ở Đức.   

(3) Tăng cường hiểu biết giữa người Việt và người Đức thông qua trao đổi văn hóa, giáo dục và đào tạo, chăm sóc thanh thiếu niên, góp phần làm giàu có hơn nền văn hóa đa sắc tộc của CHLB Đức.  

2  (4) Tổ chức và điều phối các hoạt động hỗ trợ, quyên góp ở quy mô Liên bang nhằm ủng hộ người dân của hai nước trong trường hợp cần thiết. 

(5) Đóng vai trò cầu nối giữa cộng đồng người Việt ở Đức với hai nhà nước Đức và Việt Nam; Đóng góp ý kiến, chuyển tải tâm tư nguyện vọng của Cộng đồng đến các cơ quan có thẩm quyền của hai nước. 

(6) Xây dựng và thực hiện các dự án, bao gồm các dự án theo các chương trình tài trợ từ ngân sách của Liên bang và các bang tại CHLB Đức, cũng như của EU và các tổ chức và đối tác quốc tế khác, với các nội dung phù hợp tôn chỉ, mục đích của Liên hiệp.   

(7) Tổ chức, điều phối các hoạt động cộng đồng, đặc biệt là các hoạt động mang tính chất toàn Liên bang, trong các lĩnh vực, trong đó có giáo dục thế hệ trẻ, duy trì và phát triển ngôn ngữ, bản sắc văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.   

(8) Hỗ trợ các hoạt động kết nối doanh nghiệp, kinh tế, thương mại và đối ngoại, đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ giữa Việt Nam, Đức, các nước châu Âu cũng như các Liên đoàn người nước ngoài tại Đức; đặc biệt chú trọng đến việc thúc đẩy các hoạt động, ý tưởng phát triển, dự án của các chuyên gia, trí thức trẻ người Việt, gốc Việt tại CHLB Đức nhằm xây dựng một cộng đồng người Việt tại Đức hội nhập và phát triển bền vững, sâu rộng, có khả năng đóng góp tích cực cho sự phồn vinh CHLB Đức và sự phát triển năng động và bền vững của Việt Nam.   

§3 Tính chất phi lợi nhuận: 

(1) Theo nguyên tắc phi lợi nhuận, Liên hiệp hoạt động không vụ lợi, theo mục đích công ích và thiện nguyện, theo điều §§52 ff AO "Các mục đích ưu đãi về thuế" của Luật thuế (Abgabenordnung) CHLB Đức, không theo đuổi các mục đích kinh tế cá nhân.   

(2) Ngân sách và tài sản của Liên hiệp chỉ được phép sử dụng cho những mục đích quy định trong Điều lệ Liên hiệp, không được phép sử dụng để chi tiêu cho mục đích cá nhân. Không ai có thể được hưởng lợi bởi các khoản chi không phù hợp với mục đích của Liên hiệp hoặc bởi thù lao cao không tương xứng.

§4 Hội viên - hình thức, nghĩa vụ và quyền lợi:   

Tất cả các hội, đoàn, tổ chức và cá nhân gốc Việt cư trú hợp pháp tại CHLB Đức tán thành Điều lệ của Liên hiệp đều có thể nộp đơn trở thành Hội viên của Liên hiệp. 

Có các hình thức Hội viên sau: 

(1)  Hội viên  Tổ  chức (Korporative Mitglieder):  là các hội,  đoàn,  tổ  chức  của người Việt tại CHLB Đức, không đăng ký hoặc có đăng ký trong Sổ đăng ký hiệp hội của chính quyền sở tại (e.V.).   

(2)  Hội  viên  Cá  nhân  chính  thức  (Einzelmitglieder):  là  các  cá  nhân  gốc  Việt (vietnamesischstämmig), bao gồm các nhân sỹ, nhà hoạt  động  xã  hội tiêu biểu người Việt  tại  CHLB  Đức  cũng  như  các  cá  nhân  người  Việt khác  không  phải thành viên của các Hội viên Tổ chức.  Hội viên Cá nhân là các nhân sỹ, nhà hoạt động xã hội tiêu biểu được mời tham dự Đại hội và các sự kiện chính thức và có quyền bỏ phiếu.   

Các hội, đoàn, tổ chức và cá nhân nêu trên tán thành Điều lệ Liên hiệp đều có thể nộp đơn gia nhập Liên hiệp. Đơn gia nhập hội được gửi bằng văn bản đến Ban Hội viên xem xét và trình Ban Chấp hành chấp thuận với đa số trên 50 phần trăm Ủy viên BCH tán thành theo biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín tùy quyết định của BCH. Đại hội Đại biểu gần nhất sẽ xem xét những trường hợp khiếu nại.   

Thành viên chính thức có đăng ký của một Hội viên Tổ chức của Liên hiệp được tự động có quy chế Hội viên Cá nhân chính thức của Liên hiệp và có quyền bỏ phiếu nếu được Hội viên Tổ chức chọn cử đi đại diện cho Hội viên Tổ chức tham dự Đại hội hoặc các sự kiện chính thức của Liên hiệp.  (3) Hội viên Tài trợ (Fördermitglieder) là các tổ chức hoặc cá nhân không phân biệt nguồn gốc và quốc tịch, ủng hộ tài chính cho Liên hiệp, nhưng không có đủ tiêu chí và điều kiện tham gia các hoạt động của Liên hiệp như một hội viên chính thức.   

(4) Hội viên Danh dự (Ehrenmitglieder) là những tổ chức và cá nhân không phân biệt nguồn gốc và quốc tịch có đóng góp nổi bật cho sự phát triển và hoạt động của Liên hiệp nhưng không có đủ tiêu chí và điều kiện tham gia các hoạt động của Liên hiệp như một hội viên chính thức 

Danh hiệu Hội viên Danh dự và Hội viên Tài trợ do Ban Lãnh đạo/Ban Điều hành Liên hiệp ra quyết định công nhận trên cơ sở khuyến nghị của Ban Hội viên và được đa số trên 50% các thành viên BCH chấp thuận.   

Hội viên Danh dự và Hội viên Tài trợ không có quyền biểu quyết nhưng có thể được mời tham dự các hoạt động thích hợp của Liên hiệp, bao gồm các hoạt động thường xuyên và các kỳ Đại hội (trừ những phiên kín dành riêng cho Hội viên có quyền bỏ phiếu). Ban Chấp hành thông qua Quy chế chi tiết về quyền và nghĩa vụ của Hội viên Danh dự và Hội viên Tài trợ do Ban Hội viên soạn thảo.   

(5) Ban Hội viên báo cáo Đại hội Đại biểu gần nhất về việc kết nạp hoặc từ chối kết nạp hội viên mới cũng như các khiếu nại để Đại hội xem xét, quyết định.   

(6). Hội viên có trách nhiệm tuân thủ Điều lệ Liên hiệp, trong khả năng và năng lực của mình tham gia tích cực vào các hoạt động của Liên hiệp, đóng góp phần mình thực hiện các mục đích đề ra của Liên hiệp. 

(7) Hội viên có quyền tham gia các sự kiện và hoạt động chung của Liên hiệp, bao gồm Đại hội và các hội nghị, các dự án và chương trình được tài trợ vì mục đích cộng đồng phi vụ lợi cá nhân, và thụ hưởng các lợi ích chung do Liên hiệp mang lại cho Cộng đồng. Hội viên được Liên hiệp bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình tại CHLB Đức cũng như tại Việt Nam. 

(8) Hội viên có trách nhiệm và quyền khiếu nại bằng văn bản lên Ban Kiểm tra và các cơ quan của Liên hiệp, bao gồm cả Ban Chấp hành và Đại hội, nếu nhận thấy có những vi phạm nghiêm trọng Điều lệ của Liên hiệp. 

§5 Hội phí:   

(1) Hội viên Tổ chức và Hội viên Cá nhân có nghĩa vụ đóng hội phí. Mức hội phí của mỗi Hội viên Tổ chức cụ thể được tính theo quy mô thành viên của tổ chức; hội phí của Hội viên Cá nhân là một mức chung cho mỗi Hội viên. 

Mức hội phí được tính theo năm và hình thức đóng hội phí do Ban Chấp hành đề xuất trên cơ sở khuyến nghị của Ban Hội viên và do Đại hội Đại biểu quyết định. 

Các thành viên chính thức có đăng ký của các Hội viên Tổ chức không phải đóng hội phí Liên hiệp riêng. 

(2) Hội viên Tổ chức hoặc Hội viên Cá nhân trong trường hợp gặp khó khăn có thể đề nghị Ban Hội viên cho phép miễn, giảm hoặc hoãn đóng hội phí theo mức quy định của Liên hiệp, đồng thời được khuyến khích đóng tùy theo khả năng tài chính.   

Trong thời gian không đóng đầy đủ hội phí Hội viên vẫn được tham gia các hoạt động chung và thụ hưởng các lợi ích chung mà Liên hiệp mang lại cho Cộng đồng; được tham dự các cuộc họp, kể cả Đại hội, với tư cách dự thính, nhưng không có quyền bỏ phiếu nói chung.   

(3) Hội viên Danh dự và Hội viên Tài trợ không phải đóng hội phí. 

§6 Chấm dứt tư cách Hội viên: 

Tư cách Hội viên chấm dứt khi: 

(1) Hội viên tự rút lui. Trong trường hợp này Hội viên phải thông báo bằng văn bản gửi Ban Chấp hành trước ba tháng.   

(2) Hội viên bị khai trừ: Trên cơ sở kiến nghị của Ban Hội viên, Ban Điều hành có thể ra quyết định khai trừ một Hội viên khi vi phạm Điều lệ, hoặc gây ra những tổn hại đối với Liên hiệp, hoặc không đóng hội phí quá một năm. Hội viên bị khai trừ có quyền gửi khiếu nại bằng văn bản tới Ban Hội viên không chậm hơn hai tuần kể từ khi nhận được thông báo khai trừ. Trong vòng một tháng kể từ khi nhận được khiếu nại, Ban Chấp hành xem xét và ra quyết định về việc có phê chuẩn quyết định khai trừ hay không thông qua biểu quyết với đa số trên 50%, và báo cáo về việc khai trừ Hội viên ra Đại hội gần nhất.  Hội viên bị khai trừ có quyền được tiếp tục khiếu nại ra Ban Kiểm tra để xem xét, xử lý theo quy trình và thẩm quyền trách nhiệm của Ban Kiểm tra. 

(3) Hội viên vì một lý do bất khả kháng không còn khả năng tiếp tục tham gia Liên hiệp tự động chấm dứt tư cách hội viên (cá nhân lý do sức khỏe, từ trần, thay đổi  nơi  sinh  sống...,  hoặc  tổ  chức,  hội,  đoàn  giải  thể,  chấm  dứt  hoạt  động,...). Trong trường hợp này, Ban Hội viên kịp thời thông báo cho Ban Điều hành và sau đó báo cáo ra Đại hội gần nhất.   

(4) Tổ chức hoặc cá nhân kết thúc tư cách hội viên vẫn chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ cá nhân chưa hoàn thành và các khoản nợ về tài chính nếu có đối với Liên hiệp cũng như chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ pháp lý phát sinh khi còn là Hội viên mà chưa được thực hiện đầy đủ theo đúng pháp luật sở tại liên quan.

§7 Các cơ quan chủ chốt của Liên hiệp:   

- Đại hội Đại biểu toàn Liên bang (Bundeskongress). 
- Ban Chấp hành (Bundesvorstand).
- Ban Điều hành (Geschäftsführender Bundesvorstand).
- Ban Cố vấn (Beirat). - Ban Kiểm tra (Bundesprüfstelle).   

- Các Ban chuyên trách, trong đó có thể có các ban như Ban Hội viên, Ban Tài chính, Ban Dự án, Ban Đối ngoại, Ban Công tác Chính quyền, Ban Phụ nữ, Ban Đào tạo, Ban Văn hóa và Ngôn ngữ Việt, Ban Truyền thông, Ban Hỗ trợ Kinh doanh, Ban Hội nhập... và các ban khác, được Ban Chấp hành quyết định thành lập theo nhu cầu hoạt động và phát triển của Liên hiệp và thông báo Đại hội gần nhất.   

§8 Đại hội Đại biểu toàn Liên bang:   

(1) Thành phần tham dự bao gồm các đại biểu chính thức có quyền bỏ phiếu là toàn bộ Hội viên chính thức (các Hội viên Tổ chức cử đại biểu theo hạn ngạch cứ mỗi 10 thành viên của tổ chức được cử một đại biểu; các Hội viên Cá nhân);   Các đại biểu khách mời không có quyền bỏ phiếu bao gồm Ban Cố vấn, Hội viên Danh dự, Hội viên Tài trợ, Hội viên Dự thính và các khách mời khác theo quyết định của Ban Chấp hành trên cơ sở đề xuất của Ban Điều hành.   

(2) Đại hội Đại biểu là cơ quan quyền lực cao nhất của Liên hiệp, có các nhiệm vụ sau: 

- Thông qua Chương trình Nghị sự.
- Thông qua Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Ban Chấp hành. 
- Thông qua Báo cáo Tài chính. 
- Thông qua Báo cáo của Ban Hội viên.
- Thông qua Báo cáo của Ban Kiểm tra.
- Miễn nhiệm Ban Chấp hành nhiệm kỳ đã qua và Bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới.
- Miễn nhiệm Ban Kiểm tra nhiệm kỳ đã qua và Bầu Ban Kiểm tra nhiệm kỳ mới.
- Thông qua Chương trình Hành động và Kế hoạch Công tác của Liên hiệp nhiệm kỳ tiếp theo.
- Thông qua sửa đổi Điều lệ (nếu có).
- Xem xét và quyết định về các khiếu nại nếu có (về khai trừ thành viên, hoạt động của BCH, v..v.).  - Quy định chi tiết về mức hội phí và cách thức đóng hội phí.
- Quyết định các vấn đề khác trong Chương trình Nghị sự.
- Quyết định về việc giải thể Liên hiệp (nếu có đề xuất).
- Xem xét và quyết định về các vấn đề khác có thể được nêu ra tại Đại hội. 

(3) Trước khi tổ chức Đại hội ít nhất là ba tháng, Ban Chấp hành thành lập Ban Tổ chức và Tổ Thư ký để chuẩn bị tổ chức Đại hội và thông báo thời gian tổ chức Đại hội cho các Hội viên. Ban Tổ chức có thể tiến hành ít nhất một Hội nghị Trù bị.   

§9 Triệu tập Đại hội Đại biểu:   

(1) Đại hội Đại biểu thường kỳ tổ chức ba năm một lần. Ít nhất một tháng trước ngày họp Đại hội, các Thành viên Tổ chức của Liên hiệp tiến hành hiệp thương hoặc bỏ phiếu bầu và chính thức gửi danh sách bằng văn bản cho Ban Tổ chức cử Đại biểu chính thức tham dự Đại hội theo hạn ngạch được phân bổ (mỗi 10 thành viên được cử một đại biểu với một phiếu).   

Ít nhất hai tuần trước ngày họp Đại hội, Ban Tổ chức chính thức gửi giấy mời tham dự Đại hội tới các đại biểu đã đăng ký, kèm dự kiến Chương trình Nghị sự và dự thảo các văn kiện sẽ được thảo luận và thông qua tại Đại hội (nếu có) cho tất cả Đại biểu và khách mời. Đại biểu chính thức (có quyền bỏ phiếu) có thể đề nghị sửa đổi, bổ sung Chương trình Nghị sự hoặc góp ý bằng văn bản cho dự thảo các văn kiện theo yêu cầu của Ban Tổ chức, bằng cách gửi trước cho Ban Tổ chức hoặc nêu tại Đại hội.   

Khi đăng ký tại Đại hội, mỗi đại biểu chính thức có quyền bỏ phiếu sẽ được nhận một Thẻ Đại biểu do Ban Tổ chức phát hành để sử dụng khi bỏ phiếu hoặc biểu quyết trong thời gian Đại hội. 

Ban Chấp hành có thể cân nhắc một chế độ tham dự khác: Bên cạnh các Hội viên Cá nhân chính thức, tất cả các thành viên chính thức của Hội viên Tổ chức (các hội, đoàn tham gia Liên hiệp) đều được mời tham dự Đại hội, tuy nhiên chỉ một số lượng cụ thể được phân bổ theo hạn ngạch nêu trên, mười thành viên thì được một thành viên có quyền biểu quyết (được phát Thẻ biểu quyết riêng) và quyền bỏ phiếu. Hội viên Tổ chức sẽ gửi Ban Tổ chức danh sách tham dự trong đó chỉ rõ danh sách các thành viên là Đại biểu chính thức có quyền bỏ phiếu để nhận thẻ Đại biểu để sử dụng khi biểu quyết giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. 

Cách thức này cho phép đông đảo hơn các thành viên của Cộng đồng tham dự Đại hội.

(2) Đại hội Đại biểu bất thường được triệu tập khi Ban Chấp hành yêu cầu, hoặc có ít nhất trên 40% hội viên đề nghị bằng văn bản với Ban Chấp hành, trong đó nêu rõ mục đích và lý do.   

§10 Quyết định của Đại hội Đại biểu:   

(1) Đại hội do Chủ tịch đứng đầu Chủ tịch Đoàn hoặc một Phó Chủ tịch điều hành trong trường hợp Chủ tịch không tham dự được. Chủ tịch Đoàn bao gồm: Chủ tịch, Trưởng Ban Kiểm tra, Trưởng Ban Cố vấn, Trưởng Ban Tài chính và Trưởng Ban Hội viên. 

(2) Đại hội quyết định theo đa số phiếu đơn giản, tức là quyết định theo lựa chọn nào được nhiều nhất số phiếu ủng hộ trong số các lựa chọn, trừ trường hợp Điều lệ có quy định khác. Trường hợp kết quả biểu quyết hay bỏ phiếu ngang nhau thì lựa chọn của Chủ tịch có ý nghĩa quyết định. 

(3) Về nguyên tắc, nhóm các đại biểu đến từ một Hội viên Tổ chức nên có cùng một quan điểm thống nhất khi bỏ phiếu để phản ánh quan điểm chung của một tổ chức, hội, đoàn là Hội viên Tổ chức. 

(4) Việc sửa đổi Điều lệ phải được ít nhất 2/3 số đại biểu có mặt tán thành. Chỉ được phép sửa đổi Điều lệ khi việc này được công bố trong Chương trình Nghị sự.   

(5) Đại hội bầu ra Tổ Thư ký Đại hội gồm ba người để làm Biên bản. Biên bản phải thể hiện danh sách người tham dự, các đề nghị, các quyết định, kết quả biểu quyết đối với từng vấn đề. Biên bản phải có chữ ký của Chủ tịch Đoàn và Tổ Thư ký, được gửi cho toàn thể hội viên chính thức chậm nhất hai tuần sau Đại hội. Các khiếu nại phải được lập thành văn bản gửi cho Ban Chấp hành chậm nhất sáu tuần sau Đại hội. Ban Chấp hành giải quyết theo đa số đơn giản (einfache Mehrheit, tức phương án nào được số phiếu cao nhất thì được chọn, không kể phiếu trắng) chậm nhất ba tháng kể từ ngày nhận được khiếu nại. Trường hợp không giải quyết được, Ban Chấp  hành  trình ra Đại hội gần nhất hoặc triệu tập  Đại hội bất thường để quyết định.   

§11 Ban Chấp hành: 

(1) Ban Chấp hành có nhiệm kỳ ba năm là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Liên hiệp giữa các kỳ Đại hội. Nhiệm kỳ của Ban Chấp hành có thể được kéo dài cho đến khi Ban Chấp hành mới nhận nhiệm vụ hoặc theo quyết định của Đại hội hoặc Đại hội bất thường, nhưng không quá thêm 12 tháng.   

(2) Đại hội bầu trực tiếp bằng bỏ phiếu kín Ban Chấp hành gồm 40 người. Danh sách các ứng viên được Ban Tổ chức kiến nghị trên cơ sở tập hợp đề cử và ứng cử của các Hội viên có quyền bầu cử. Các Hội viên gửi danh sách đề cử và ứng cử cho Ban Tổ chức không muộn hơn hai tuần trước ngày khai mạc Đại hội. Ban Cố vấn cũng có quyền đề cử các ứng viên đủ tiêu chuẩn và xứng đáng theo thời hạn nêu trên. 

Danh sách ứng viên có thể được bổ sung ngay tại Đại hội thông qua đề cử hoặc tự ứng cử của các đại biểu có quyền bỏ phiếu. Danh sách ứng viên được Đại hội thông qua bằng cách giơ tay biểu quyết trên 50% đồng ý. Các ứng viên tham gia bầu cử trên cơ sở tự nguyện và hoàn toàn theo nguyện vọng cá nhân, có quyền rút không tham gia danh sách đề cử.   

Để tiến hành bầu cử, Đại hội Đại biểu bầu Ban Kiểm phiếu với năm thành viên. Danh sách ứng viên cho Ban Kiểm phiếu do Ban Tổ chức đề xuất và Đại hội có thể kiến nghị bổ sung, thay đổi, rút bỏ, hoặc các đại biểu tham dự có thể tự ứng cử. Thành viên Ban Kiểm phiếu không được nằm trong danh sách các ứng viên bầu Ban Chấp hành. Danh sách cuối cùng được Đại hội bỏ phiếu bằng biểu quyết giơ tay theo đa số trên 50%. Ban Kiểm phiếu có trách nhiệm chuẩn bị lá phiếu và thông báo quy định bỏ phiếu cũng như kiểm phiếu và chính thức công bố kết quả bầu cử. 

Thành viên trúng cử Ban Chấp hành là 40 ứng viên có số phiếu cao nhất từ trên xuống dưới. Trong trường hợp hai thành viên cuối cùng 40 và 41 bằng phiếu nhau, Đại hội sẽ bỏ phiếu vòng hai với riêng hai ứng viên đó. Nếu vòng hai vẫn chưa chọn được ứng viên trúng cử, 39 thành viên trúng cử Ban Chấp hành theo vòng bỏ phiếu thứ nhất sẽ tiến hành bỏ phiếu kín lựa chọn một trong hai ứng viên này. 

(3) Thành viên Ban Chấp hành phải là Hội viên; việc chấm dứt tư cách Hội viên cũng đồng thời  chấm dứt tư cách thành viên Ban Chấp hành. Thành viên Ban Chấp hành được phép tái cử. Thành viên Ban Chấp hành tiếp tục đảm nhận chức vụ sau khi kết thúc nhiệm kỳ cho đến khi bầu ra người kế nhiệm. 

(4) Trường hợp một thành viên rời khỏi Ban Chấp hành trước khi kết thúc nhiệm kỳ, các thành viên còn lại của Ban Chấp hành được bầu bổ sung thành viên mới từ các Hội viên cho đến khi Đại hội Đại biểu gần nhất bầu Ban Chấp hành mới. 

§13 Phương thức làm việc và ra quyết định của Ban Chấp hành: 

(1) Định kỳ sáu tháng một lần, Ban Chấp hành tổ chức họp toàn thể Ban Chấp hành để nghe Ban Điều hành báo cáo tình hình hoạt động của Liên hiệp và xử lý các vấn đề nảy sinh thuộc thẩm quyền.   

Ban Chấp hành có thể họp các phiên bất thường khi Chủ tịch hoặc từ ba trở lên các thành viên Ban Điều hành đề nghị, hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của Ban Kiểm tra, hoặc theo nhu cầu của công việc. 

(2) Ban Chấp hành có các hình thức làm việc linh hoạt, có thể họp trực tiếp, có thể qua hình thức trực tuyến  (video), điện thoại hay với sự trợ giúp kỹ thuật khác, hoặc kết hợp các phương thức này để đảm bảo tối đa sự tham gia của các Ủy viên Ban Chấp hành. Ban Chấp hành cũng có thể lấy ý kiến theo thủ tục xoay vòng (Umlaufverfahren) qua bưu điện hoặc thư điện tử (E-Mail). Việc lấy ý kiến xoay vòng chỉ có hiệu lực sau khi các thành viên của Ban Chấp hành có thời gian phản hồi trong vòng 3 ngày. Sau 3 ngày, việc biểu quyết các ý kiến sẽ dựa theo số thành viên Ban chấp hành có phản hồi trong khung thời gian đã quy định. 

(3) Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch, trong trường hợp Chủ tịch không tham dự được, triệu  tập  họp  hoặc chủ trì lấy ý kiến. Ban Chấp hành có thể ra  quyết định (beschlussfähig) khi có sự tham dự của ít nhất 25 thành viên dưới bất cứ hình thức nào. 

(4)  Ban Chấp hành ra quyết định theo đa số đơn giản (einfache Mehrheit, tức phương án nào được số phiếu cao nhất thì được chọn, không kể  phiếu trắng). Trường hợp biểu quyết ngang nhau thì quyết định theo biểu quyết của Chủ tịch. 

(5) Quyết định của Ban Chấp hành phải được lập thành biên bản, có chữ ký của Tổ Thư ký phiên làm việc, và người chủ trì (Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch thay mặt trong trường hợp Chủ tịch không tham dự được). 

(6) Nếu một thành viên của Ban Chấp hành vắng mặt không tham dự từ ba cuộc họp của Ban Chấp hành trở lên mà không có lý do chính đáng và đã có nhắc nhở của Chủ tịch (bằng văn bản hoặc qua các  phương tiện thông tin  như email, tin nhắn,…), thì sẽ tự động bị khai trừ khỏi Ban Chấp hành. Ban Chấp hành sẽ tiến hành lựa chọn thành viên bổ sung theo quy định tại Điều §11 (4).

§14 Chủ tịch Liên hiệp và Ban Điều hành: 

(1) Ban chấp hành Liên hiệp có một Chủ tịch hoặc 2 Đồng chủ tịch với trách nhiệm và quyền hạn như nhau. 

(2) Sau khi được Đại hội bầu ra, Ban Chấp hành tiến hành bầu Ban lãnh đạo bao gồm Chủ tịch hay 2 Đồng chủ tịch và 7 Phó Chủ tịch, trong đó có một Phó Chủ tịch thường trực, thông qua bỏ phiếu kín ít nhất ba lần trên danh sách ứng viên do Ban Chấp hành thống nhất dựa trên đề cử và tự ứng cử. Lần một bầu Chủ tịch hay 2 Đồng chủ tịch là một hay 2 ứng viên có phiếu cao nhất nhưng phải quá bán, nếu không quá bán bầu lại (Stichwahl); lần 2 bầu Phó Chủ tịch thường trực tương tự như bầu Chủ tịch; lần 3 bầu 6 Phó Chủ tịch, 6 ứng viên có số phiếu cao nhất từ trên xuống dưới sẽ trúng cử Phó Chủ tịch. Trong trường hợp ứng viên số 6 và số 7 có số phiếu bằng nhau thì sẽ tiến hành bầu lại cho 2 ứng viên này, nếu vẫn bằng số phiếu thì tiến hành bốc thăm. 

Danh sách 7 Phó Chủ tịch được xếp theo thứ tự quyền lực thay thế khi Chủ tịch hay 2 Đồng chủ tịch không có mặt hoặc trong trường hợp Chủ tịch hay 2 Đồng chủ tịch có sự cố không đủ điều kiện thực thi trách nhiệm và quyền hạn của mình, hoặc Phó Chủ tịch kế tiếp không đủ điều kiện thực thi trách nhiệm và quyền hạn thì nhiệm vụ này tiếp tục được chuyển cho Phó Chủ tịch kế tiếp sau đó. 

Trong trường hợp Chủ tịch hay 2 Đồng chủ tịch hoặc một Phó Chủ tịch mất năng lực thực thi nhiệm vụ vì điều kiện bất khả kháng (bị kỷ luật, chấm dứt tư cách Hội viên, hoặc từ chức), Ban Chấp hành tiến hành bầu cử bổ sung theo quy trình lựa chọn Ban lãnh đạo như trên, đồng thời lựa chọn bổ sung thành viên Ban Chấp hành như quy định tại Điều §11.4. 

(3) Chủ tịch hay 2 Đồng chủ tịch có quyền hạn và trách nhiệm lựa chọn và kiến nghị  Ban  Chấp  hành  phê  chuẩn  9  Ủy  viên  của  Ban  Điều  hành  (der Geschäftsführende Bundesvorstand) do Chủ tịch hay 2 Đồng chủ tịch đứng đầu (trong số này có thể bao gồm một hoặc nhiều hơn các Phó Chủ tịch trong ban lãnh đạo nêu trên), và thông qua Quy chế hoạt động cụ thể cho Ban Điều hành.   

(4) Ban Điều hành là cơ quan thực thi thường trực của Ban Chấp hành, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các quyết định của Đại hội, các quyết định của Ban Chấp hành và thực hiện các công việc khác theo quy định của Điều lệ. 

Chủ tịch hay 2 Đồng chủ tịch, 7 Phó Chủ tịch Ban Chấp hành, 9 Ủy viên Ban Điều hành, (tổng cộng tối đa là 18 người), đăng ký chính thức là đại diện pháp luật của Liên hiệp theo §26 Bộ Luật Dân sự (BGB), đồng đại diện cho Liên hiệp tại tòa án và ngoài tòa án.  

Các Phó Chủ tịch Ban Chấp hành và các Ủy viên Ban  Điều hành có thể kiêm nhiệm làm Trưởng Ban một số Ban quan trọng do Chủ tịch hay 2 Đồng chủ tịch đề xuất và trình Ban Chấp hành ra quyết định bổ nhiệm.   

(5) Trường hợp một thành viên rời khỏi Ban Điều hành trước khi kết thúc nhiệm kỳ thì Chủ tịch hay 2 Đồng chủ tịch lựa chọn người kế nhiệm từ thành viên Ban Chấp hành để trình Ban Chấp hành thông qua. 

(6) Chủ tịch hay 2 Đồng chủ tịch chịu trách nhiệm chung trước Ban Chấp hành và Đại hội về toàn bộ hoạt động của các cơ quan và bộ máy của Liên hiệp.   

(7) Sau khi Ban Chấp hành phê chuẩn, Chủ tịch hay 2 Đồng chủ tịch phân công trách nhiệm cụ thể, bằng văn bản, cho Phó Chủ tịch thường trực và 6 Phó Chủ tịch khác, và thông báo rộng rãi trong Liên hiệp và ra công chúng.   

(8) Các Phó Chủ tịch chịu trách nhiệm trước Chủ tịch hay 2 Đồng chủ tịch và Ban Chấp hành cũng như trước Đại hội về những lĩnh vực và nhiệm vụ được Chủ tịch giao phó và Ban Chấp hành phê chuẩn. 

(9) Chủ tịch hay 2 Đồng chủ tịch có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, giám sát hoạt động của các Phó Chủ tịch, có quyền ủy quyền cho Phó Chủ tịch Thường trực hoặc các Phó Chủ tịch khác thay mặt Chủ tịch thực thi các nhiệm vụ của Chủ tịch hoặc đại diện chính thức cho Liên hiệp trong các trường hợp cần thiết.   

(10) Chủ tịch hay 2 Đồng chủ tịch có trách nhiệm và quyền hạn chỉ đạo trực tiếp Giám đốc Điều hành và Văn phòng của Liên hiệp trong việc triển khai các hoạt động của Liên hiệp. Chủ tịch có thể ủy quyền một số quyền hạn quản lý, chỉ đạo Giám đốc Điều hành và Văn phòng Liên hiệp cho các Phó Chủ tịch, các Ủy viên Ban Chấp hành, hoặc các Ủy viên Ban Điều hành theo yêu cầu công việc.  Chủ tịch hay 2 Đồng chủ tịch là người ký Hợp đồng Lao động và các quy chế liên quan trách nhiệm của Giám đốc Điều hành và bộ máy Văn phòng Liên hiệp giúp việc cho Giám đốc Điều hành. 

(11) Chủ tịch hay 2 Đồng chủ tịch, các Phó Chủ tịch có thể triệu tập các cuộc họp thường kỳ hàng tháng hoặc hàng quý, và các cuộc họp bất thường của Ban Điều hành với Giám đốc Điều hành và Văn phòng Liên hiệp khi cần thiết. 

(12) Khi biểu quyết hoặc bỏ phiếu trong Ban Điều hành, nguyên tắc đa số đơn giản được áp dụng. Nếu số phiếu ngang bằng nhau, lá phiếu của Chủ tịch hay 2 Đồng chủ tịch có giá trị quyết định.

§15 Chủ tịch Danh dự do Đại hội, hoặc giữa các kỳ Đại hội do Ban Chấp hành đề xuất, tham gia vào Ban Cố vấn, nhằm phát huy sự đóng góp của Chủ tịch mãn nhiệm, còn năng lực, uy tín và tự nguyện mong muốn tiếp tục cống hiến, hoặc những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn.   

§16 Ban Kiểm tra: 

(1) Ban Chấp hành bầu ra Ban Kiểm tra, bao gồm bảy  Ủy viên. Các ứng viên không được nằm trong Ban Chấp hành. Danh sách ứng viên có thể được dựa trên kiến nghị của Ban Kiểm tra vừa hết nhiệm kỳ và/hoặc trên danh sách các ứng viên có số phiếu cao tiếp theo 40 vị trúng cử Ban Chấp hành, hoặc theo đề cử và ứng cử tại phiên họp đầu tiên của Ban Chấp hành mới được bầu.   

Ban Kiểm tra được bầu thông qua bỏ phiếu kín và lấy bảy người có số phiếu cao nhất từ trên xuống dưới. Ứng viên có phiếu cao nhất sẽ là Trưởng Ban Kiểm tra. Ban Kiểm tra có nhiệm kỳ ba năm. Thành viên Ban kiểm tra tiếp tục đảm nhận chức vụ sau khi kết thúc nhiệm kỳ cho đến khi bầu ra người kế nhiệm. 

(2) Trường hợp một hay nhiều hơn thành viên rời khỏi Ban Kiểm tra trước khi kết thúc nhiệm kỳ, các thành viên còn lại của Ban Kiểm tra đề xuất danh sách ứng viên mới từ các hội viên, trình Ban Chấp hành bầu bổ sung.   

(3) Ban Kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các hoạt động của Ban Chấp hành, bao gồm cả Ban Điều hành, trong đó có việc thực hiện, chấp hành Điều lệ, Nghị quyết, Quyết định của Đại hội; xem xét, giải quyết đơn, thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong nội bộ Liên hiệp, đưa ra các khuyến nghị tới Ban Chấp hành hoặc Đại hội xử lý.   

Ban Kiểm tra cũng xem xét Báo cáo Tài chính của Ban Tài chính và giám sát việc sử dụng tài chính của Liên hiệp. 

Ban Kiểm tra có quyền yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong bộ máy tổ chức của Liên hiệp cung cấp đầy đủ thông tin và tài liệu cần thiết và phù hợp thẩm quyền và trách nhiệm của Ban Kiểm tra và các cơ quan, đơn vị liên quan. 

Hoạt động của Ban Kiểm tra có tính chuyên nghiệp cao, với tinh thần minh bạch, vô tư, khách quan, mang tính xây dựng và vì lợi ích chung của Cộng đồng và Liên hiệp, không gây cản trở cho hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị trong cơ cấu tổ chức của Liên hiệp, cũng như các hội, đoàn và cá nhân thành viên của Liên hiệp.  

(4) Ban Kiểm tra có quyền và trách nhiệm tham dự các buổi họp của Ban Chấp hành, có báo cáo  tại  phiên họp hàng năm của Ban Chấp hành  và có Báo cáo Nhiệm kỳ về công tác Kiểm tra tại Đại hội.   

(5) Mọi khiếu nại liên quan hoạt động của Ban Kiểm tra có thể được gửi tới Ban Chấp hành và đưa ra thảo luận, xem xét tại các phiên họp của Ban Chấp hành, có sự tham dự của Ban Kiểm tra. Nếu các vấn đề nảy sinh không giải quyết ổn thỏa thì Ban Chấp hành hoặc Ban Kiểm tra có thể yêu cầu triệu tập Đại hội bất thường để xử lý. 

§17 Trụ sở làm việc và Giám đốc Điều hành (Geschfätsführer):   

(1) Liên hiệp có Trụ sở làm việc và bộ máy giúp việc hành chính là Văn phòng Liên hiệp, với một Giám đốc Điều hành quản lý và triển khai cụ thể các công việc hàng ngày của Liên hiệp theo đúng các Chương trình Hành động và Nghị quyết, Quyết định của Đại hội.   

(2) Giám đốc Điều hành do Ban Điều hành tuyển chọn và đề xuất để Chủ tịch ký quyết định đề bạt, chịu trách nhiệm thực hiện và báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ của mình trước Ban Điều hành.   

(3) Giám đốc Điều hành chịu trách nhiệm tổ chức tuyển chọn nhân sự cho Văn phòng Hiệp hội, với số lượng nhân viên tùy theo khả năng tài chính của Liên hiệp và yêu cầu khối lượng công việc, nhưng không ít hơn ba nhân sự, trong đó có một kế toán chuyên nghiệp.   

(4) Văn phòng và Trụ sở Liên hiệp là nơi đặt cơ quan ngôn luận chính thức của Liên hiệp dưới hình thức một trang chủ trên internet, một trang Facebook, một tờ báo mạng hoặc báo in định kỳ, hoặc bản  tin  thường kỳ qua mạng hoặc in bản cứng, và các hình thức linh hoạt khác tùy theo khả năng và nhu cầu của Liên hiệp. 

(5) Văn phòng chịu trách nhiệm làm công tác thư ký cho các cuộc họp và phiên làm việc của Ban Điều hành và Ban Chấp hành. 

(6) Giám đốc Điều hành soạn thảo Quy chế làm việc của Văn phòng và các bản miêu tả công việc của nhân viên Văn phòng cùng mức lương và phúc lợi xã hội theo quy định chung của luật pháp Đức liên quan, trao đổi với Ban Tài chính của Liên hiệp và đứng ra trình Ban Điều hành quyết định phê duyệt và thực hiện.

§18 Ban Cố vấn (Beirat):   

Ban Cố vấn do Ban Chấp hành thành lập có một Trưởng ban và các thành viên tham gia với tư cách cá nhân và tự nguyện, thiện nguyện, trong đó có thể có các Chủ tịch Danh dự, các Hội viên Danh dự, Hội viên Tài trợ, các nhân sỹ trí thức, cá nhân tiêu biểu thuộc các tầng lớp, đại diện từ các tổ chức, cơ quan có vai trò hỗ trợ hoạt động của Liên hiệp. Thành viên của Ban Chấp hành và các cơ quan của Liên hiệp không tham gia Ban Cố vấn. 

Ban Cố vấn được mời tham dự một số hoạt động quan trọng của Liên hiệp, bao gồm các phiên họp của Ban Chấp hành nếu cần sự đóng góp trí tuệ của Ban Cố vấn, các Đại hội, và các sự kiện Cộng đồng. Ban Cố vấn cũng có thể chủ động đóng góp ý kiến tư vấn cho Liên hiệp tham khảo thông qua văn bản. 

§19 Các Chương trình và Dự án:   

(1) Mọi chương trình, dự án liên quan đến lợi ích của người Việt Nam ở Đức, có thể được đề xuất bởi mọi Hội viên – là hội, đoàn hoặc hội viên cá nhân, mọi thành viên của Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra, các Ban chuyên ngành của Liên hiệp, Giám đốc Điều hành và Văn phòng Liên hiệp, Ban Cố vấn, v..v. và do Ban Điều hành chịu trách nhiệm chỉ đạo và trực tiếp xây dựng, thông qua và tổ chức thực hiện, có thể qua các cơ quan chức năng của Liên hiệp như các Ban chuyên ngành, bao gồm cả việc vận  động tài chính và đăng ký nhận tài trợ từ ngân sách của Chính quyền Liên bang và các bang, các địa phương các cấp của CHLB Đức, các tổ chức quốc tế, và các nước khác, tuân thủ đúng các quy định luật pháp của sở tại.  Ban Điều hành thường kỳ báo cáo Ban Chấp hành về tình hình và tiến độ thực hiện các dự án, chương trình hoạt động của Liên hiệp. 

(2) Khi triển khai dự án, Ban Điều hành chịu trách nhiệm lập Ban Điều hành Dự án, đề bạt Geschäftsführer hoặc Projektleiter, theo đúng quy định và thủ tục hiện hành.   

§20 Tài chính và thù lao:   

(1) Nguồn thu tài chính của Liên hiệp bao gồm: Hội phí, tài trợ, quyên góp, kinh phí cấp cho các dự án từ ngân sách nhà nước hoặc các nguồn hợp pháp khác, hoặc các hoạt động có thu khác của Liên hiệp theo đúng luật định,  và các đóng góp bằng hiện vật khác (bất động sản, xe cộ, trụ sở, hàng hóa, dịch vụ, v..v.).   

(2) Mọi hoạt động của Liên hiệp về nguyên tắc là lao động công ích, thiện nguyện, vì vậy các cán bộ chuyên trách của Liên hiệp cũng như các Hội viên là hội, đoàn hoặc cá nhân tham gia không được trả thù lao từ nguồn tài chính của Liên hiệp.  Chủ tịch hay 2 Đồng chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Trưởng các ban chuyên ngành,.. làm việc theo tinh thần thiện nguyện, không nhận lương hay thù lao. 

(3) Trong trường hợp cần trả thù lao như thuê Giám đốc Điều hành và cán bộ Văn phòng của Trụ sở Liên hiệp, các cán bộ dự án thì áp dụng Điều §3, Điểm 26a Luật thuế thu nhập (EstG), và do Ban Điều hành quyết định, kể cả nội dung và điều kiện hợp đồng làm việc.   

(4) Ủy viên Ban Chấp hành, Lãnh đạo và thành viên các Ban chuyên ngành của Liên hiệp, nếu thực hiện những công việc không thuộc chức năng chung của Liên hiệp và vị trí trong Liên hiệp, có thể được nhận thù lao (Vergütung, Aufwandsentschädigung) tùy thuộc trình độ chuyên môn và yêu cầu công việc, như Giám đốc điều hành dự án, lãnh đạo một tổ công tác, trực tiếp thực hiện dự án, hoặc bảo trợ chăm sóc nhóm thanh thiếu niên, tư vấn chuyên đề, tổ chức hội thảo...   

Ban Lãnh đạo/Ban Điều hành/Giám đốc Điều hành có thể ký hợp đồng làm việc (Dienstvertrag) với các cá nhân cụ thể liên quan, theo hình thức trả khoán chung công việc (Pauschal) hoặc tiền lương, tùy theo các quy định pháp luật hiện hành.   

§21 Khen thưởng và Kỷ luật:   

(1) Để động viên và tri ân các tập thể và cá nhân có đóng góp tích cực cho quá trình hội nhập của cộng đồng người Việt vào xã hội Đức, giữ gìn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc, đóng góp cho quê hương Việt Nam và CHLB Đức, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam và Đức, và có đóng góp cho sự phát triển và thành công của Hiệp hội, Hiệp hội sẽ có các hình thức khen thưởng hoặc đề nghị các cơ quan, tổ chức của CHLB Đức, Việt Nam, các nước Châu Âu, các nước và tổ chức quốc tế khác khen thưởng, tặng thưởng cho các tập thể, cá nhân nói trên.   

(2) Ban Điều hành Liên hiệp hội quy định cụ thể thủ tục, tiêu chuẩn và hình thức khen thưởng.   

(3) Tùy thuộc vào mức độ vi phạm Điều lệ và quy định pháp luật, trên cơ sở kiến nghị của Ban Điều hành, Ban Chấp hành sẽ có những hình thức khiển trách, cảnh

cáo, truất quyền đại biểu, quyền bầu cử của hội viên, miễn nhiệm các chức vụ trong Hiệp hội, khai trừ tạm thời hoặc vĩnh viễn khỏi Liên hiệp hội. 

(4) Các hội viên và thành viên của các cơ quan của Liên hiệp hội tuân thủ các nguyên tắc ứng xử và bảo mật những vấn đề còn đang thảo luận nội bộ, không được phép tiết lộ ra bên ngoài, bao gồm cả trên các mạng xã hội, trước khi có quyết định chính thức thông qua các quy trình ra chính sách minh bạch và hợp pháp của Liên hiệp hội. Ban Chấp hành ra quy định cụ thể về Quy tắc ứng xử và Quy trình thảo luận và ra quyết định trong nội bộ Liên hiệp, phù hợp với luật pháp liên quan của CHLB Đức. 

Việc vi phạm nguyên tắc này được coi là một trong các vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Liên hiệp hội, đặc biệt trong trường hợp dẫn tới mất đoàn kết hoặc ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh và uy tín của Liên hiệp hội, và phải chịu hình thức kỷ luật cao nhất.   

(5) Ban Chấp hành quy định cụ thể về việc kỷ luật.   

§22 Thủ tục giải thể:   

(1) Việc giải thế Liên hiệp hội phải được quyết định bởi Đại hội Đại biểu được triệu tập cho mục đích này. Quyết định giải thể cần được ít nhất 2/3 số đại biểu có mặt biểu quyết tán thành.   

(2) Đại hội sẽ bầu ra Ủy ban Lâm thời gồm 5 thành viên để thực hiện nhiệm vụ giải thể.   

(3) Đại hội ra nghị quyết xử lý tài sản của Liên hiệp hội sau khi giải quyết tất cả các khoản nợ của Liên hiệp hội.   

§22 Điều khoản cuối cùng: 

Điều lệ này của Liên Hiệp Hội Người Việt tại CHLB Đức được Đại hội thành lập Liên hiệp thông qua ngày... tháng... năm 2023 tại Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức.   

Điều lệ có thể được sửa đổi, bổ sung theo nghị quyết của Đại hội Đại biểu toàn Liên bang của Liên Hiệp Hội Người Việt tại CHLB Đức. 

Bản Điều lệ này đã được đăng ký tại Tòa… CHLB  Đức theo số... ngày... tháng... năm 2023

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >