ĐỨC CHỈ CÓ BA THÁNG ĐỂ TỰ CỨU MÌNH KHỎI CUỘC KHỦNG HOẢNG KHÍ ĐỐT MÙA ĐÔNG
Đang là mùa hè nhưng Đức có rất ít thời gian để ngăn chặn tình trạng thiếu năng lượng vào mùa đông này. Đây là điều chưa từng có đối với một quốc gia phát triển.
Theo Bloomberg, phần lớn châu Âu đang cảm thấy căng thẳng do bị Nga giảm cung cấp khí đốt tự nhiên, tuy nhiên không quốc gia nào bị ảnh hưởng như Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực và có gần một nửa số ngôi nhà dùng khí đốt tự nhiên để sưởi ấm.
Chính quyền của Thủ tướng Olaf Scholz đã chậm chạp trong giải quyết tình trạng này. Gần đây, Đức mới chỉ đưa ra các mục tiêu cắt giảm nhu cầu sau khi thất bại trong đảm bảo nguồn cung thay thế.
Ông Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế Đức, cho biết: “Những thách thức mà chúng tôi đang đối mặt là rất lớn và chúng ảnh hưởng đến các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế và xã hội”.
Đức đứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế và phải hạn chế dùng năng lượng. Các nhà chức trách lo ngại về tình trạng bất ổn xã hội nếu thiếu hụt năng lượng vượt ngoài tầm kiểm soát. Giá điện ở Đức đã tăng kỷ lục vào tuần trước.
Ông Habeck thừa nhận rằng tình hình là nghiêm trọng và kêu gọi các công ty và người tiêu dùng tăng cường nỗ lực tiết kiệm. Bộ Kinh tế Đức đã cho phép hoạt động lại các nhà máy nhiệt điện than dù ảnh hưởng tới khí hậu và khuyến nghị người Đức lắp đặt vòi hoa sen tiết kiệm nước và giặt quần áo ở nhiệt độ thấp hơn.
Nếu các biện pháp tái cân bằng cung và cầu không thành công, Chính phủ Đức có thể ban bố tình trạng khẩn cấp về khí đốt. Khi đó, Đức sẽ kiểm soát phân phối và quyết định xem ai nhận được nhiên liệu và ai không.
Trong khi các hộ gia đình và cơ sở hạ tầng quan trọng như bệnh viện sẽ không bị cắt giảm năng lượng, nhưng nhiệt độ phòng sẽ không còn ở mức dễ chịu khi phải giảm sưởi ấm vào ban đêm, các tòa nhà công cộng phải tắt máy điều nhiệt.
Chi phí tăng lên sẽ tạo thêm áp lực cho người nghèo. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Cologne, đã có khoảng 1/4 người Đức rơi vào tình trạng nghèo năng lượng, có nghĩa là chi phí sưởi ấm và chiếu sáng ảnh hưởng đến khả năng trang trải các chi phí khác. Chính phủ Đức đang thực hiện các chương trình viện trợ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Những đợt lạnh giá trên khắp châu Âu và châu Á sẽ buộc các công ty năng lượng phải tranh giành nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng vốn đã eo hẹp. Tăng giá LNG trong tình huống đó có thể khiến các công ty phải tạm dừng các cơ sở cung cấp trong mùa đông này và làm giảm khoảng 17% nhu cầu LNG dành cho công nghiệp
Bà Penny Leake, một nhà phân tích tại công ty tư vấn Wood Mackenzie, nhận định: “Nếu nguồn khí đốt qua Nord Stream vẫn ở mức 20%, chúng ta đang tiến gần đến vùng nguy hiểm”.
Khi các cơ sở lưu trữ khí đốt chỉ đầy 68% và tốc độ tích trữ có thể giảm sau khi Nga cắt bớt khí đốt chuyển qua đường ống trên vào tuần trước, Đức có nguy cơ không đạt được mục tiêu tích đầy 95% vào ngày 1/11. Đức khó có thể đạt được mức đó trong 3 tháng tới nếu không có các biện pháp bổ sung.
Khu vực doanh nghiệp đã và đang phản ứng. Một cuộc khảo sát trên 3.500 công ty cho thấy 16% doanh nghiệp công nghiệp đang xem xét giảm sản xuất hoặc từ bỏ một số hoạt động vì khủng hoảng năng lượng.
BASF SE là một trong số đó. Tập đoàn hóa chất này có kế hoạch cắt giảm sản xuất khí amoniac - một thành phần quan trọng trong phân bón - sau khi chi phí tăng cao khiến hoạt động kinh doanh không có lãi.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính rằng Đức có nguy cơ mất 4,8% sản lượng kinh tế nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt. Ngân hàng Bundesbank đã ước tính mức thiệt hại tiềm tàng là 220 tỷ euro. Đây chắc chắn là một đòn giáng mạnh và không bao lâu, Đức có thể mất khả năng cạnh tranh.
Ông Michael Kretschmer, Thủ hiến bang Sachsen, cho biết: “Hệ thống kinh tế của chúng ta có nguy cơ sụp đổ. Nếu chúng ta không cẩn thận, nước Đức có thể bị phi công nghiệp hóa”.
Mặc dù đã trải qua nhiều tháng khủng hoảng, nhưng chính quyền Đức mới bắt đầu mục tiêu cắt giảm nhu cầu 20%. Khi ngày càng cấp bách, Đức đã nâng mục tiêu dự trữ khí đốt tối thiểu.
Đức hiện cần hỗ trợ vì nước này không tuân theo các hướng dẫn của Liên minh châu Âu về đa dạng hóa các nguồn năng lượng.
Trong khi các nước như Italy đã nhanh chóng đảm bảo các nguồn thay thế từ các quốc gia như Algeria và Qatar, thì Đức đang ở trong tình trạng khó khăn hơn nhiều do nhu cầu khí đốt cho hệ thống sưởi và công nghiệp ở mức cao, trong khi lưu trữ khí đốt lại thấp.
Đức đang phát triển cơ sở hạ tầng LNG, nhưng trạm nổi đầu tiên sẽ không kịp hoàn thành để tháo gỡ khó khăn trong năm nay.
Nguồn: Thùy Dương/Báo Tin tức
P/s: Người dân hãy đọc kỹ bài này và ngay lập tứ cùng chính phủ tiết kiệm: "Ông Habeck thừa nhận rằng tình hình là nghiêm trọng và kêu gọi các công ty và người tiêu dùng tăng cường nỗ lực tiết kiệm".
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *