Năm 1989 lần đầu tiên được đi Úc một nước tư bản tôi đã hơi ngỡ ngàng vì họ sử dụng thẻ nhiều hơn tiền mặt. Đến khi sang các nước Bắc Âu thấy mình „nhà quê“ khi lôi tiền mặt ra trả. Cách đây mấy năm rộ lên tin Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sắp ngừng phát hành tiền giấy và hạn chế dùng tiền mặt. Nghe cũng có vẻ hoang mang. Nhưng ngay ở nơi mà ECB đóng trụ sở là nước Đức thì tình hình vẫn chẳng có gì thay đổi cả.
Theo công ty tư vấn Barkow Consulting thì trong 20 giao dịch mới có 1 giao dịch bằng thẻ tín dụng, còn lại dân Đức thích nhất là thanh toán bằng tiền mặt (đến 82%),tỷ lệ này đến tháng 2/2018 còn 74%. Bình quân mỗi người dân Đức giữ ở nhà 2200 euro và ECB còn cho biết bình quân dân Đức „thủ“ trong ví 103 euro, gồm 6 euro tiền xu. Trong các nhà hàng, quầy thực phẩm v.v. thì tỷ lệ trả tiền mặt ở Đức cao gấp đôi so với bình quân ở Châu Âu; chỉ ¼ người dân cho rằng giao dịch qua thẻ an toàn hơn. Nhiều hàng quán ở Đức thậm chí còn không nhận trả bằng thẻ mà ghi rõ „cash only“ (chỉ tiền mặt), thậm chí mười năm trước những cửa hàng điện máy lớn như Saturn hay MediaMarkt còn không thanh toán bằng thẻ tín dụng (Kreditkarte) mà chỉ chấp nhận thẻ EC (Geldkarte). Theo một thống kê thì từ 2010 đến 2016 bình quân đầu người tỷ lệ các thanh toán bằng thẻ ở Đức chỉ tăng 7%, đưa Đức vào diện nước trung thành với tiền mặt, chỉ đứng sau có Bồ Đào nha, Áo, Italia và Tây Ban nha. Ông Carl-Ludwig Thiele trong Ban lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Đức phải thốt lên „tình yêu của người dân Đức đối với tiền mặt chẳng thay đổi mặc cho những tiến bộ khoa học mới nhất“. Cũng chính vì vậy nên thời gian qua chỉ đồng mệnh giá 500 euro hầu như biến mất còn Ngân hàng Trung ương Đức vẫn phải đưa vào lưu thông số lượng lớn tiền mặt, từ 2009 đến cuối năm 2017 từ 348 tỷ lên đến 635 tỷ euro.
Theo một điều tra dư luận cuối năm 2017, 17,1% người Đức luôn có bên mình khoản tiền mặt từ 300 đến 1000 euro, 7% nói họ để ở nhà hơn 1000 euro và 1,8% thậm chí hơn 10.000 € (đa phần những người từ 50 đến 59 tuổi, chủ yếu người Đông Đức). Tính đến giữa năm 2016 số tiền dân Đức giữ ở nhà lên đến 13 tỷ euro, trong đó 220 triệu tiền xu. Ngạc nhiên hơn nữa là mặc dù đồng tiền D-Mark của Tây Đức đã được thay bằng đồng Euro (€) năm 2000, nhưng đến nay vẫn có khoảng 13 tỷ DM được giữ trong „dân gian“.
Về lý do vì sao có tình trạng như vậy có nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Bản chất người Đức là tiết kiệm và luôn muốn kiểm soát chi tiêu để không bị rơi vào khốn khó khi về già hay khi không có tiền. Vì thế câu nói quen thuộc của người Việt „tiền liền với ruột“ có lẽ cũng đúng với người Đức. Việc thanh toán bằng tiền mặt giúp cho người tiêu dùng biết được mình có bao nhiêu trong ví và tiêu bao nhiêu, thay vì thanh toán bằng thẻ không kiểm soát được. Ở Đức cũng vì thế nên không thể xẩy ra khủng hoảng tài chính do phát hành thẻ và chi tiêu vô tội vạ như ở Mỹ những năm trước.
Dân tộc Đức trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới với những hậu quả vô cùng khủng khiếp đối với cả dân tộc và từng người dân. Vì thế nên tạo ra tâm lý „lo xa“ của người dân là phòng khi „bất trắc“ họ luôn có tiền mặt để sử dụng mà không lo sợ ngân hàng đổ vỡ, phá sản hay thiếu tiền mặt.
Số tiền gửi ngân hàng ở Đức sở dĩ không cao và người dân vẫn có thói quen giữ tiền mặt ở nhà còn là do chính sách lãi suất tiền gửi thấp được duy trì trong nhiều năm đã khiến cho việc gửi tiền tiết kiệm lấy lãi không còn hấp dẫn người dân. Thậm chí có thời gian lãi suất ngân hàng còn xuống âm (-).
Do bản tính thận trọng lại đề cao bí mật cá nhân nên điều lo sợ nhất của dân Đức là lộ các thông tin nhân thân và không tin tưởng vào tính bảo mật của các giao dịch thẻ, giao dịch trực tuyến. Điều này đặt trong tổng thế chung của hạ tầng mạng mà nhiều nhà phân tích cho rằng trong nền kinh tế số (Digitalisierung) còn gọi là Công nghiệp 4.0 Đức còn đang ở giai đoạn „nước đang phát triển“.
Hiện nay giao dịch thương mại trực tuyến trên mạng đang trở thành xu thế phát triển mạnh mẽ nên người Đức nhất là người trẻ cũng sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử nhiều hơn. Ở tất cả các cửa hàng đều có thể thanh toán bằng các loại thẻ, nhưng nếu là những giao dịch nhỏ thì dân Đức vẫn thích trả tiền mặt hơn. Đồng 50€ được dùng phổ biến nhất, còn các đồng tiền mệnh giá cao hơn hầu như biến mất ở các cửa hàng ăn, siêu thị.
Ông con trai tôi khi xem trên TV Việt Nam thấy quảng cáo SamsungPay cứ suýt soa mãi giá mà ở Đức cũng có những hình thức như vậy thế nào con cũng phải thử một cái. Còn tôi thì vẫn cứ „tân cổ giao duyên“ vừa có thẻ nhưng vẫn cứ phải có…103€ trong ví mới đủ tự tin đi ra ngoài đường.
Nguồn: Nguyễn Hữu Tráng Blog
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *