ĐỨC THỪA NHẬN NGUY CƠ SUY THOÁI KINH TẾ
Ngày 19/8, Ngân hàng Trung ương Cộng hòa Liên bang Đức (Bundesbank) cảnh báo nền kinh tế nước này có thể rơi vào suy thoái trong Quí III/2019.
Ngân hàng Trung ương Đức cảnh báo nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể rơi vào suy thoái trong quí này, làm gia tăng áp lực buộc các nhà hoạch định chính sách phải đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ.
Trong báo cáo hàng tháng công bố ngày 19/8, Bundesbank đánh giá tổng sản lượng kinh tế của nước này vẫn "ảm đạm" trong Quí III và "có thể tiếp tục giảm nhẹ". Xu thế sụt giảm này đã bước sang quí thứ 2 liên tiếp, đồng nghĩa với một cuộc suy thoái. Trước đó, trong giai đoạn từ tháng 4-6/2019, kinh tế Đức đã sụt giảm 0,1%.
Báo nêu rõ: "Lý do chính dẫn tới thực trạng này là việc ngành công nghiệp tiếp tục đi xuống. Trong khi tiêu dùng nội địa 'xa lánh' nền kinh tế, thị trường việc làm đã cho thấy những dấu hiệu yếu kém, tăng trưởng tiền lương giảm và niềm tin vào khu vực dịch vụ cũng giảm sút".
Dự đoán trên được đưa ra sau nhiều tuần Đức chứng kiến những tín hiệu thất vọng hơn dự kiến và lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm. Điều đó đồng thời kéo phần còn lại của khu vực đồng euro đi xuống và khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải cân nhắc bơm thêm các gói kích thích tiền tệ.
Bên cạnh đó, báo cáo chỉ ra rằng đợt giảm tốc mới nhất về tổng sản lượng của nền kinh tế Đức cũng xuất phát từ nhu cầu bên ngoài sụt giảm. Theo Bundesbank, xuất khẩu "đã giảm đáng kể" trong bối cảnh thị trường chuẩn bị ứng phó với kế hoạch ban đầu Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) vào cuối tháng 3/2019. Điều này đã thúc đẩy các công ty tăng cường tích trữ hàng hóa trong quí I.
Mới 1 tuần trước, Bloomberg dẫn kết quả thăm dò các chuyên gia kinh tế cho rằng tăng trưởng kinh tế Đức trong quí này sẽ đạt 0,2%. Tuy nhiên, kể từ đó hàng loạt "ông lớn" trong đó có Ngân hàng Deutsche đã hạ dự báo tăng trưởng của mình.
Giới phân tích quan ngại căng thẳng thương mại hiện nay trên thế giới sẽ tiếp tục kéo dài tình trạng suy thoái trong ngành chế tạo và cuối cùng sẽ lan sang khu vực dịch vụ. Chính phủ Đức báo hiệu rằng họ có thể sẵn sàng đẩy mạnh chi tiêu nếu khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn.
Trong diễn biến khác, số liệu thống kê chính thức đã điều chỉnh của Eurostat và được công bố ngày 19/8 cho thấy lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm xuống còn 1% trong tháng 7/2019, trượt xa mục tiêu của ECB đặt ra là chỉ dưới 2%.
Theo số liệu thống kê trên, giá cả tại 19 nước thành viên Eurozone cho thấy lạm phát đang giảm xuống 1% so với mức 1,3% trong tháng 6/2019 và mức 2,2% cùng kỳ năm ngoái. Hồi tháng trước, Chủ tịch ECB Mario Draghi dự báo những biện pháp kích thích mới có thể được đưa ra để ứng phó với tình trạng lạm phát thấp, trong bối cảnh những lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ gia tăng, sự yếu kém tại các thị trường mới nổi và khả năng xảy ra Brexit không có thỏa thuận.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế đang dự đoán về "một vụ nổ lớn" có thể xảy ra đối với ECB vào tháng 9 tới với khả năng cắt giảm lãi suất và thực hiện một số biện pháp khác. ECB tháng trước đã giữ nguyên lãi suất đối với các hoạt động tái cấp vốn cơ bản ở mức 0%, cao hơn mức cho vay cận biên là 0,25% và trên mức lãi suất tiền gửi là âm 0,4%. Tuy nhiên, ECB "bóng gió" rằng lãi suất có thể giảm hơn nữa, hoặc giữ ở mức hiện này ít nhất cho đến hết 6 tháng đầu năm 2020.
Nguồn: Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *