GIÁO SƯ ĐỨC & ´MỐI TÌNH´ THẾ KỶ VỚI VIỆT NAM
Vừa qua, tôi dự một buổi sinh hoạt thường kỳ nhưng “bất thường” của Hội Đức - Việt (DVG) tại Berlin. “Bất thường” ở chỗ người tham dự đông hơn dự tính, ngoài các thành viên đa số đều có tuổi thì có thêm cả những thanh niên gốc Việt. Đặc biệt hơn, diễn giả chính của buổi sinh hoạt lần này là GS. TS Wilfried Lulei.
Đến buổi họp từ sớm, tôi đã thấy khá đông người ra vào, còn “khổ chủ” thì đang lúi húi bên bàn diễn giả với chồng sách to tướng. Bà Lulei – vợ GS. Wilfried Lulei ra chào tôi ở cửa và cho biết chồng bà đến từ khá sớm. Hôm nay GS. Lulei giới thiệu cuốn sách “nóng bỏng tay” mà ông tiết lộ: “vừa ra lò sáng nay!”. Đó là cuốn “Lịch sử Việt Nam từ các Vua Hùng đến hiện tại” do Nhà xuất bản RegioSpecta (Berlin) phát hành bằng tiếng Đức.
Quen GS. Lulei hơn 20 năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được nghe ông “lên lớp giảng bài” suốt hơn tiếng rưỡi đồng hồ không nghỉ, không uống nước và cũng không chịu ngồi. Ông say sưa như đang nói trước sinh viên Đại học Tổng hợp Humboldt Berlin ngày nào. Điều đặc biệt hơn nữa mà ông Chủ tịch DVG Sigfried Sommer tiết lộ chính là ngày diễn ra buổi sinh hoạt cũng là ngày GS. Lulei kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của mình.
Việt Nam – quê hương thứ hai
Ngay những dòng đầu tiên trong Lời nói đầu cho cuốn sách, GS. Lulei đã viết “suốt nửa thế kỷ qua, Việt Nam đồng nghĩa với chiến tranh, đói nghèo. Đối với nhiều người (Đức) điều đó cũng đồng nghĩa với sự đoàn kết và giúp đỡ đối với một đất nước chậm phát triển và những người dân đang chịu nhiều gian khó. Đây cũng là suy nghĩ của đa phần người Đức hiện nay. Song song với đó là một bức tranh về mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng, những chuyến du lịch hấp dẫn và nhiều hàng hóa thú vị. Hơn 100.000 người Việt sinh sống ở Đức và quan hệ chính trị, kinh tế giữa hai nước phát triển tích cực. Nhiều người Đức cũng vì thế tiếp xúc nhiều hơn với Việt Nam và người Việt...”.
Mối quan tâm đến Việt Nam trong người Đức cũng khá lớn nhưng ông cho rằng những hiểu biết của họ “còn ít và hơi phiến diện”. Mặc dù giữa Việt Nam và Đức có khá nhiều điểm tương đồng nhưng thực tế “trong nhiều điều người Việt suy nghĩ khác do truyền thống lịch sử, kinh tế xã hội và văn hóa, cũng như những trải nghiệm cá nhân của họ. Biết và hiểu được điều đó góp phần khá quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước”, ông viết.
GS. Lulei sinh năm 1938, đã học chuyên ngành lịch sử, ngôn ngữ Đức và châu Á học tại Đại học Leipzig, bổ túc chuyên ngành Việt Nam học tại Đại học tổng hợp Hà Nội. Ông cũng là người sáng lập và nhiều năm là Chủ nhiệm bộ môn “Việt Nam học” tại Đại học Tổng hợp Humboldt (Berlin). Từ rất sớm, khi Việt Nam đang chìm đắm trong những ngày đầu của chiến tranh đầu thập niên 60 thế kỷ XX ông đã sang Hà Nội như một sự tình cờ. Và rồi “định mệnh” đã gắn bó ông hơn 50 năm với đất nước mà ông yêu mến và coi như quê hương thứ hai của mình.
Buổi sinh hoạt diễn ra đúng vào ngày GS. Lulei kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của mình. (Ảnh: Hà An)
Gặp Bác Hồ tại Hà Nội
Điều thú vị là khi ông đề đạt nguyện vọng được sang học tiếng Việt ở Hà Nội khá nhiều bạn bè đã ngạc nhiên vì khi đó chiến tranh đã bắt đầu leo thang ra miền Bắc Việt Nam. Nhưng rồi ông cũng thuyết phục được Chính phủ Cộng hòa dân chủ Đức cấp cho vé máy bay sang Hà Nội và được Chính phủ Việt nam Dân chủ Cộng hòa - dù khi đó đang dốc hết sức cho một cuộc chiến tranh đang đến rất gần nhưng cũng cấp cho ông học bổng hàng tháng là... 18 đồng. Số tiền này khi đó đã là một sự “xa xỉ” vì ông được ở trong ký túc xá dành cho sinh viên nước ngoài khang trang hơn nhiều so với sinh viên Việt Nam.
Nói vậy, nhưng mức học bổng ấy cũng không đủ cho những dự án của sinh viên Lulei tại Việt Nam. Ông kể, bản thân đã tìm cách “bươn chải” bằng việc... phạm luật, đó là nhờ gửi từ Berlin sang Hà Nội một chiếc xe đạp và bán lấy tiền. Hồi đó, ở Việt Nam, đi xe đạp cũng phải đăng ký và không được mua bán ngoài chợ đen. Vì vậy, ông thỏa thuận với người mua là thời gian đầu cả hai người cùng dùng chung chiếc xe này, cho đến khi không ai để ý nữa thì chuyển hẳn cho người mua. Cũng nhờ vậy mà ông vừa vẫn có xe đi học mà lại vẫn có tiền để theo đuổi đam mê nghiên cứu tiếng Việt và lịch sử Việt Nam.
Ban đầu ý định của ông là nghiên cứu lịch sử bốn ngàn năm của Việt Nam nhưng đúng lúc đó những diễn biến thời cuộc cuốn ông theo lịch sử cận và hiện đại của Việt Nam. Khi Mỹ leo thang chiến tranh ra miền Bắc, ông cũng hòa cùng dòng người biểu tình ở Hà Nội mang theo biểu ngữ “Đả đảo đế quốc Mỹ”, “bị” hay “được” chụp ảnh đăng lên báo. Nhưng “sự cố” đó như một cơ duyên lớn đã đưa ông đến gặp Bác Hồ vì khi đó ông là một trong hai sinh viên Đức nói tiếng Việt và có mặt ở Hà Nội. Kể đến đây GS. Lulei không khỏi xúc động và nói thêm “điều ngạc nhiên là Bác Hồ nói tiếng Đức khá tốt”.
Đến và quay trở lại để hiểu Việt Nam
Kể từ ngày còn là sinh viên và sau này trong suốt hơn năm mươi năm gắn bó với Việt Nam với tư cách là nhà khoa học, GS. thỉnh giảng, Phó Chủ tịch DVG, phiên dịch viên, thầy giáo của nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam theo học ở Humboldt…, ông liên tục di chuyển như con thoi giữa hai nước. Ông nói, ông đi và biết nhiều chỗ ở Việt Nam hơn ở Đức, nhất là qua những chuyến đi “điền dã” cùng GS. Phan Huy Lê và các nhà sử học Việt Nam. Những chuyến đi như thế giúp ông hiểu sâu sắc hơn cách suy nghĩ của người Việt và cũng giúp những đồng nghiệp, những học trò Việt Nam của ông hiểu hơn về tư duy của người Đức.
Hồi còn theo học ở Đại học Tổng hợp Humboldt cuối những năm 70 thế kỷ trước, tôi có nghe nói về GS. Lulei nhưng do học khác chuyên ngành nên chưa bao giờ tôi có vinh hạnh được gặp ông.
Cuối 1996, đầu 1997, khi sang Berlin công tác, tôi mới có dịp nhiều lần cùng GS. Lulei và bạn bè trong DVG trao đổi để tổ chức những hoạt động chung như Tết Âm lịch hàng năm ở Tòa thị chính Schöneberg hay những buổi nói chuyện, giới thiệu về Việt Nam cho bạn bè Đức và bà con Việt Nam ở Berlin. Tôi ấn tượng với sự say mê của ông với công việc, với đức tính giản dị, gần gũi dễ mến. Dù khi đó cũng đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn tâm nguyện và quyết tâm thực hiện bằng được ý định viết cuốn sách về lịch sử Việt Nam. Và đến hôm nay, ông xúc động chia sẻ rằng, “tâm nguyện cả đời của tôi với Việt Nam, rất may, đã được thực hiện đúng ngày tôi bước sang tuổi bát thập”.
Tâm huyết một đời người
Hơn 300 trang sách với nhiều luận cứ khoa học, nhiều bức ảnh về lịch sử, văn hóa sẽ giúp cho bạn bè Đức hiểu rõ hơn về Việt Nam, đất nước vừa gần, vừa xa với đa số bạn bè Đức. Nhưng GS. Lulei cũng thừa nhận gói ghém lịch sử hàng ngàn năm của một quốc gia vào vài trăm trang sách là một việc khó, nhiều khi là “nhiệm vụ bất khả thi” do rào cản ngôn ngữ khi nhiều thư tịch cổ của Việt Nam đã bị thất truyền hoặc nếu còn thì lại bằng chữ Hán Nôm trong khi ông không biết Trung văn.
Cá nhân tôi cho rằng dù có “khiêm tốn” so với những bộ sử thi đồ sộ nhưng những gì mà GS. Lulei đã làm cho Việt Nam và những trang sách mà ông dành cả tâm huyết cuộc đời để chắt lọc ra, thực sự rất đáng trân trọng. Không chỉ vậy, dù tuổi đã cao, hoàn cảnh đã thay đổi nhưng ông vẫn luôn dõi theo thời cuộc ở Việt Nam và trong những dòng cuối của cuốn sách “Qua Vadis Vietnam?” (Đi về đâu Việt Nam?) ông nhận định “30 năm sau Đổi mới, Chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam đã gặt hái được những kết quả tốt đẹp. Đổi mới đã làm thay đổi đất nước theo hướng tích cực, chính trị và kinh tế ổn định... Thế giới theo dõi lý thú bước phát triển của Việt Nam. Những thành tựu đạt được rất ấn tượng và được công nhận, nhưng cũng còn nhiều phải làm để đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại, dân chủ”.
Khép lại cuốn sách “Lịch sử Việt Nam từ Vua Hùng đến hiện tại”, GS. Lulei dự báo “Sự tự tin, tính lạc quan, khát vọng thành công cũng như tính thực tế, sự sáng tạo và tính bền bỉ của người Việt chính là những điều cho thấy họ sẽ thành công. Bạn bè và cả đối thủ thường hay nói “Ở Việt Nam không gì là không thể”. Tôi hiểu điều này theo hướng tích cực. Thăng long (rồng bay lên) không chỉ là một biểu tượng”.
Đáng quý biết bao khi thế giới càng ngày càng nhiều thay đổi với những bất trắc, khó lường nhưng ở nước Đức xa ngàn dặm vẫn có những người bạn cả một đời ân tình gắn bó với đất nước và con người Việt Nam ta.
Nguồn: Nguyễn Hữu Tráng - từ Berlin, CHLB Đức (Tác giả là Ủy viên thường vụ Hội hữu nghị Việt Nam - CHLB Đức) - Ảnh Hà An
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *