GS NGUYỄN ĐĂNG HƯNG: GIẤC MƠ VIỆT NAM TÔI

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
20/01/2022 | 21:40
Chuyên mục: Văn thơ
0 bình luận
GS NGUYỄN ĐĂNG HƯNG: GIẤC MƠ VIỆT NAM TÔI

Lời tựa: Một buổi sáng đẹp trời vào giữa tháng 4 năm 2020, GS. Nguyễn Đăng Hưng ngỏ ý muốn tôi giới thiệu cuốn sách mới của anh. Tôi quen biết anh từ nhiều năm, tôi hiểu được lòng anh khi anh ngỏ ý với tôi. Tôi biết anh không muốn tôi từ chối, anh cũng biết tôi không bao giờ từ chối anh điều gì. Nhưng tôi vẫn có chút lưỡng lự.

Đó là vì “kích thước” của con người của anh, tuy anh luôn khiêm tốn. Có thi hào nào đó đã nói: “Con chim sẻ sẽ chẳng bao giờ hiểu được lòng con đại bàng”, và đối với tôi, anh Hưng là một con đại bàng dũng mãnh, một con đại bàng tài ba và đạo đức... Do “kích thước” của anh như vậy mà tôi mới lưỡng lự.

Sách của anh Hưng giống anh ấy như đúc. Khẳng khái, trung trực, mạnh lời tuy không bao giờ ác ý. Ấm áp, dịu dàng tuy không bao giờ tránh đối mặt trực tiếp với thực tế đôi khi phũ phàng. Thẳng thắn và khát khao với sự thật nhưng lại luôn để chỗ thật rộng rãi cho sự khoan dung. Nhưng bạn đọc đừng lầm, con người này cũng giống như bao nhân vật vĩ đại khác: Người duy nhất mà họ không tha thứ khi mắc lầm lỗi là chính bản thân họ. Họ cầu tiến không ngừng, họ đi tìm cốt lõi của mỗi việc y như một cuộc phiêu lưu đi về gốc rễ. Họ đầy khí phách nhưng lại dễ dãi với tất cả những ý tưởng xuất phát từ trái tim. Họ nhân ái đến tột độ và rất chân tình. Anh Hưng là thế đó. Thành thử, sách của anh không viết cho người yếu vía, sợ sự thật, những người ba phải cầu cạnh, những tâm hồn mông lung… 

Khi bạn đọc cuốn sách này, bạn như ngồi cạnh một hòn núi lửa đang phun trào. Óc khoa học minh sáng của tác giả sẽ lôi cuốn bạn đi trong khi lửa tim của nhà khoa học sẽ đốt trụi bạn. Một cuộc phiêu lưu thích thú giữa những tình cảm sôi sục không nguôi nhưng luôn toát lên tinh thần phục vụ, xây dựng, tạo sự tiến bộ không ngừng và không mệt mỏi.

Bạn trăn trở và khát khao với nền giáo dục nước nhà ư? Bạn muốn tất cả thế hệ con em có được một hệ thống đào tạo cả con người lẫn kiến thức một cách bài bản ư? Bạn muốn nước Việt và dân tộc Việt của chúng ta sớm lên cấp bậc ưu tú ư? Chẳng khó quá, chẳng chông gai quá. Bạn hãy mau chóng đọc và hấp thụ những nhận xét sâu sắc của tác giả và những kiến nghị vô cùng tích cực của anh. 

Nếu bạn còn do dự ? Bạn hãy mở một trang bất kỳ của sách, bạn sẽ bị lòng yêu nước của anh vồ lấy bạn rồi lôi cuốn bạn trong cơn lốc của tình yêu khoa học quyện với tương lai của thế hệ trẻ. Một bằng chứng phải không? Suốt cuộc đời của anh, anh đã từng từ chối mọi chức vị có khả năng giữ anh xa quê hương quá lâu. Anh như bị ám ảnh bởi nỗi niềm của người không được nhận cơ hội phục vụ quê hương xứ sở. Hễ không có ích cho sự tiến bộ của khoa học nói chung, anh sẽ không nhận. Nên giữa những lựa chọn nghề nghiệp và chức vị, anh đã không để cho tiếng sáo dụ dỗ của nước người mến chuộng anh lôi cuốn. 

Tất nhiên, một con người với “kích thước” như thế không dễ có được một con đường êm ái thoai thoải…mà chỉ có thể gặp rất nhiều sự chống đối ngầm có, công khai có. Bạn đọc nào mà chú ý hơn đến tâm trạng của anh thì có thể sẽ bị sốc nếu bạn tham khảo sách đến cùng: Đó là nền giáo dục nước nhà còn bảo thủ lắm và có lẽ chỉ đóng góp một phần nhỏ vào cái được gọi là giáo dục. Có nghĩa là con đường tiến lên còn xa lắm. 

Thử hỏi có con chim sẻ nào đủ bản lĩnh để đi theo con đại bàng? Chắc tôi không cần phải viết thêm về tài năng khoa học xuất chúng của anh, để chỉ nói lên rằng, nếu anh không tha thiết đến khắc khoải với dân tộc và nước Việt Nam thì có lẽ nhiều quốc gia đã tìm cách giữ anh ở lại nước người vĩnh viễn.

GS. Nguyễn Đăng Hưng cũng là một Việt kiều, và anh khẳng định rằng: “Việt kiều nào cũng ít nhiều giống ông ở lòng trăn trở với quê hương”. Tôi xin đồng tình với anh. Hơn 300.000 nhà khoa học Việt Nam được đánh giá cao đang công tác và sinh hoạt khắp năm châu. Giá mà mà họ cùng nhau về nước nhỉ, tốt biết bao! Họ đã được đào tạo bài bản và đã thu thập bao nhiêu kinh nghiệm từ nước ngoài…Thế nhưng, chính tôi cũng đã từng viết cách đây hơn 15 năm, chưa bao giờ nước Việt chúng ta đã thực sự muốn xây dựng một đất nước mới chung quanh họ, hoạ may có lúc tặng họ chút chức vị, cho họ vài ba công việc, nhưng chỉ đến đó mà thôi. Khó, khó thật, tôi nhìn nhận. 

GS. Nguyễn Đăng Hưng đã chế ra hệ thống “du học tại chỗ”, vừa là một công cuộc đào tạo rộng rãi và cũng vừa là cách để tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước. Để làm việc quá mới mẻ này, anh đã không ngần ngại chiến đấu can trường trong nhiều năm với nhiều nền giáo dục, đẩy lui những định kiến và vượt qua những thái độ bảo thủ. GS. Nguyễn Đăng Hưng đã “sản xuất” ra hơn ba trăm thạc sĩ chân chính, hàng trăm tiến sĩ với đẳng cấp quốc tế. Những nhân tài này đã lan tỏa và sinh hoạt khắp năm châu. Nay, GS đã được trông thấy 5 thế hệ học trò đang đóng góp nhiệt tình cho đất nước và cho nền khoa học nói chung. Mãn nguyện thay, GS. Hưng nhỉ!

Nhưng trên hết, sách của anh vẫn trao cho chúng ta một thông điệp tích cực: Đó là đất nước luôn luôn có những trí thức và chí sĩ đẳng cấp cao như GS. Nguyễn Đăng Hưng, họ sẵn sàng xắn tay vào việc phục hưng. Sách của anh là một cẩm nang, là một di sản vô cùng quý báu. Một văn bản dẫn đường. Bạn đọc nào may mắn có cuốn sách này trên tay sẽ hiểu thấu được đâu là những việc phải làm để đất nước hùng mạnh và tiến bộ về giáo dục và khoa học. Và rồi, anh sẽ không đơn độc đâu, hậu duệ của anh và hàng triệu người đều cùng chung mong mỏi và hoài bão và sẽ hướng những bước đi theo gương sáng của anh…

GS. KS. HS. Phan Văn Trường - Cuối tháng 4, năm 2020

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan