HÀ NỘI: BÁO ĐỘNG ĐỎ DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI
Tình trạng dịch tả lợn Châu Phi đang rất báo động khi số lượng lợn tiêu hủy ngày càng nhiều và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có công văn đề nghị sở, ngành liên quan, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường bảo vệ môi trường trong phòng, chống dịch bệnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra trên gần 8.000 hộ chăn nuôi, chiếm gần 10% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội. Theo Chi cục Thú y và chăn nuôi, thời gian xét nghiệm dịch tả lợn mất từ 2 - 3 ngày mới có kết quả khiến việc phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh lây lan không hiệu quả.
Trong khi đó, việc phòng chống dịch còn gặp rất nhiều khó khăn do Thành phố có tổng đàn lợn đứng tốp đầu cả nước nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng trong dân còn chiếm tỷ lệ cao. Nhu cầu sử dụng thực phẩm có nguồn gốc động vật của người dân Thủ đô cao trong khi Thành phố mới tự cung tự cấp được 60%, số còn lại phải nhập ngoại tỉnh hoặc nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc sử dụng thức ăn tận dụng, dư thừa từ nhà hàng, bếp ăn tập thể, khách sạn còn phổ biến.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nguồn thức ăn dư thừa là một trong những yếu tố phải đề phòng cảnh giác cao. Bởi đây có thể là nguyên nhân làm cho dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trở lại trong khi đó việc quản lý thức ăn dư thừa từ nhà hàng, bếp ăn tập thể rất khó kiểm soát.
Từ tình hình trên, dự báo nguy cơ bệnh dịch tả lợn Châu Phi còn nhiều diễn biến phức tạp, kéo dài. Vì vậy, ngành thú y và chăn nuôi Hà Nội mong muốn Nhà nước cần có chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức, triển khai phòng chống dịch bệnh.
Ngoài ra, việc phát động phong trào hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn khỏe mạnh của nhân dân, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không “quay lưng lại” với thịt lợn, tiếp tục tiêu thụ, sử dụng thịt lợn an toàn để tháo gỡ khó khăn cho các hộ chăn nuôi, hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh là một yếu tố rất quan trọng mà ngành muốn hướng tới.
Từ đó, phối hợp với các tổ chức trong, ngoài nước và nhà khoa học đánh giá trực trạng diễn biến dịch bệnh, nguy cơ và mức độ ô nhiễm khi tiêu hủy số lượng lớn lợn bệnh để hướng dẫn địa phương các giải pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp hiệu quả hơn. Đặc biệt là việc xử lý, tiêu hủy lợn mắc bệnh đảm bảo ngăn chặn được virus phát sinh, phát tán không gây ô nhiễm môi trường sinh thái. Bởi khi lợn dịch không được tiêu hủy đúng mà vứt ra môi trường thì việc phát sinh, lây nhiễm quay trở lại sẽ càng làm dịch bệnh lây lan nhanh và bùng phát nghiêm trọng.
Nguồn: Lương Minh, Baocongluan.vn - Ảnh bìa Baodautu
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *