HÀNG GIẢ, HÀNG NHÁI TĂNG MẠNH, ´BỦA VÂY´ NGƯỜI TIÊU DÙNG

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
26/11/2019 | 23:49
Chuyên mục: Tin quê hương
0 bình luận
HÀNG GIẢ, HÀNG NHÁI TĂNG MẠNH, ´BỦA VÂY´ NGƯỜI TIÊU DÙNG

Năm 2019, số vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái, sở hữu trí tuệ tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Thông tin trên vừa được đưa ra tại Diễn đàn “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp” ngày 26/11, do Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức tại Hà Nội.

Tràn lan sản phẩm nhái thương hiệu ngoại Quyết đẩy lùi hàng lậu, hàng giả

Tăng mạnh các vụ vi phạm

Theo ông Hoàng Ánh Dương - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường - tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội, tác động tiêu cực tới đời sống người dân, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và môi trường đầu tư, du lịch.

"Các đối tượng vi phạm thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn và có sự tham gia của các đối tượng nước ngoài, được tổ chức ngày càng tinh vi, có sự câu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện công nghệ, kỹ thuật cao để đối phó các cơ quan chức năng", ông Dương nói về thủ đoạn của các đối tượng vi phạm.

Thống kê Tổng cục Quản lý thị trường cũng cho thấy, năm 2019, số vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái, SHTT tăng gấp 2.5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, 11 tháng đầu năm, cả nước phát hiện và xử lý 82.300 vụ vi phạm (năm 2018 phát hiện và xử lý 34.733 vụ vi phạm), thu nộp ngân sách nhà nước 430 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 107 vụ cho cơ quan công an xử lý.

Chế tài chưa đủ mạnh để ngăn chặn hàng giả

Năm 2019 nổi trội lên những vụ việc vi phạm về SHTT tăng nhanh, tính đến thời điểm này, đã kiểm tra và xử lý 6.597 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 19 tỷ đồng.

Ông Dương cảnh báo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường thường trà trộn cùng hàng thật, hàng có xuất xứ rõ ràng. Đối với hàng hóa giả mạo xuất xứ không có doanh nghiệp chủ thể quyền rõ ràng thì càng khó khăn, chẳng hạn như hàng nông sản, hàng hóa nguyên liệu, hàng hóa giả mạo doanh nghiệp, địa chỉ không có thật...

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, xuất phát từ tâm lý người tiêu dùng vẫn yêu chuộng hàng Việt Nam và các sản phẩm do các nước phát triển sản xuất, các đối tượng thường nhập hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ rồi gắn mác Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng.

“Vụ việc khoai tây Trung Quốc giả mạo khoai tây Đà Lạt vừa qua là một ví dụ”, ông Dương dẫn chứng. Ngoài khoai tây, những nông sản của Trung Quốc “đội lốt” nông sản Việt được bày bán trên thị trường cũng khá phổ biến như hành, tỏi, quýt, táo…

Hàng giả, hàng nhái tràn lan cũng khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Đại diện cho phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh – Giám đốc đối ngoại và truyền thông Công ty L'Oreál Việt Nam chia sẻ, L’Oreal bắt đầu việc chống hàng giả vào năm 2008 khi thị trường Thủ đô tràn ngập các cửa hàng mang bảng hiệu L’Oreal chính hãng chỉ trong vòng một năm sau khi L’Oreal chính thức đến Việt Nam với 3 thương hiệu đầu tiên: Lancome, LOreal Paris và Maybelline New York.

Với sự phát triển thương mại điện tử, năm 2015 hàng giả lại biến tướng sang hàng xách tay, bày bán công khai trên các trang mạng.

“Với L'Oreal tại Việt Nam hàng xách tay và hàng giả đến hơn 60%, quảng cáo hàng giả thậm chí xuất hiện công khai trên các trang báo mạng tin cậy" - bà Trinh cho biết.

Theo Thượng tá Đỗ Đức Tạo - Phó trưởng Phòng 11, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an), hàng giả, hàng nhái và hàng vi phạm SHTT luôn song hành.

Dù Điều 226 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 có quy định chi tiết về “quy mô thương mại”,“gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý” nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là “quy mô thương mại” và “tiêu chí, cách thức đánh giá, xác định mức thiệt hại gây ra cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý”.

Điều 12, Nghị định 99/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp cũng quy định về đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý, mức xử phạt cao nhất cho hành vi này là phạt tiền không quá 250 triệu đồng đối với giá trị hàng hóa vi phạm trên 300 triệu đồng (mà không quy định mức trị giá hàng hóa tối đa để xử lý hình sự nên dù trị giá hàng hóa vi phạm có thể lên đến hàng tỷ đồng hoặc nhiều hơn cơ quan chức năng vẫn có thể xử lý hành chính).

Việc thiếu những chế tài rõ ràng và mạnh tay đối với các hành vi vi phạm không đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm. Nhiều vi phạm vừa có thể xử lý bằng biện pháp hình sự vừa có thể xử lý bằng biện pháp hành chính. Và các cơ quan thực thi pháp luật lại thường chọn hình thức xử lý hành chính vì thủ tục và quy trình xử lý đơn giản hơn rất nhiều so với hình thức xử lý hình sự.

Theo ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, thách thức từ các hiệp định thương mại tự do ngày càng cao hơn, buộc các chủ thể tham gia phải tuân thủ quyền SHTT. Tuy nhiên, các chế tài xử phạt Việt Nam lại chưa đủ sức răn đe, chủ yếu thông qua biện pháp hành chính, việc tôn trọng quyền SHTT chưa được chặt chẽ.

Ông Sơn đề xuất, để thực thi hiệu quả quyền SHTT, cần tập trung giải pháp như nâng cao bảo vệ quyền SHTT, tăng cường nguồn nhân lực, xây dựng văn hoá SHTT…

Nguồn: VTC.vn theo thoibaonganhang.vn - Ảnh bìa: Thực phẩm chức năng là mặt hàng được làm giả nhiều. 

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
< ...