‘Hạt ngọc’ Việt Nam: Các nước chi vài tỷ USD gom mua, Thái Lan đua trồng

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
28/08/2024 | 14:19
Chuyên mục: Tin quê hương
0 bình luận
‘Hạt ngọc’ Việt Nam: Các nước chi vài tỷ USD gom mua, Thái Lan đua trồng

Từ một nước phải nhập khẩu, Việt Nam lọt top 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, thu về vài tỷ USD mỗi năm. Giống lúa của nước ta nổi trội nên nông dân Thái Lan và Campuchia đua nhau trồng.

Giá bán ngày càng cao

Những ngày này, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục ở mức cao nhất thế giới, đạt 579 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của đối thủ cạnh tranh Thái Lan 11 USD/tấn, hơn hàng của Pakistan 40 USD/tấn.

Gạo 25% tấm xuất khẩu của nước ta cũng cao hơn hàng Thái Lan và Pakistan lần lượt là 27 USD/tấn và 41 USD/tấn.

Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, giá trị ước đạt 4,6 tỷ USD - lập kỷ lục lịch sử kể từ năm 1989 đến nay. Giá gạo Việt Nam có thời điểm đạt 663 USD/tấn, cao nhất trong top các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Các doanh nghiệp thừa nhận, một thời gian dài gạo Việt Nam luôn bị gắn với hình ảnh chất lượng thấp, bán giá rẻ. Nhưng nay, gạo Việt đang có giá đắt đỏ nhất nhờ chất lượng gạo được cải thiện; có những loại gạo ngon không kém, thậm chí vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh, trong đó có gạo Thái Lan.

Việt Nam đang thực hiện trồng lúa giảm phát thải trên quy mô lớn. Ảnh: Hồ Hoàng Hải

Tại một số thị trường, giá gạo xuất khẩu trung bình của nước ta cao chót vót, như ở Brunei lên tới 959 USD/tấn, Mỹ đạt 868 USD/tấn, Hà Lan đạt 857 USD/tấn, Ukraine đạt 847 USD/tấn, Iraq đạt 836 USD/tấn, Thổ Nhĩ Kỳ đạt 831 USD/tấn...

Cuối năm ngoái, một số công ty xuất khẩu gạo sang Đức với giá lên tới 1.800 USD/tấn, sang Nhật Bản giá 1.200 USD/tấn.

“Gạo Việt không chỉ bán cho nước nghèo mà dần tiến vào thị trường cao cấp như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu,... Những túi gạo in thương hiệu Vietnam Rice tự tin hiện diện trên quầy kệ của các chuỗi siêu thị lớn toàn cầu. Hạt gạo Việt Nam được vinh danh trong nhóm gạo ngon nhất thế giới, vào thực đơn của chính khách, là sự lựa chọn của các đầu bếp nổi tiếng”, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho hay. Việt Nam trở thành cường quốc lúa gạo trên thế giới, xuất khẩu gạo mang về vài tỷ USD/năm.

Thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 8 năm nay, nước ta đã xuất khẩu 5,7 triệu tấn gạo, thu về gần 3,59 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo chỉ tăng nhẹ 6,5% về lượng nhưng giá trị tăng mạnh 24,7%.

Ngành lúa gạo đặt mục tiêu xuất khẩu “hạt ngọc” của Việt Nam sẽ cán đích 5 tỷ USD trong năm nay, không chỉ bởi nhờ giá cao mà nhiều thị trường còn gia tăng số lượng mua.

Ví như Indonesia, trong các đợt mở thầu cuối năm ngoái và đầu năm nay, gói thầu doanh nghiệp Việt trúng luôn áp đảo so với đối thủ Thái Lan. Lần chuẩn bị mở thầu gói gạo 350.000 tấn tới đây, Indonesia cũng mong muốn có thể mua gạo từ Việt Nam.

Thái Lan, Campuchia đua nhau trồng giống lúa Việt

Nói về thành công của ngành lúa gạo Việt Nam, bà Nguyễn Thị Trà My – Tổng giám đốc Tập đoàn PAN – cho rằng, nước ta có hệ thống thuỷ lợi dày đặc với đủ loại hình, quy mô cho mọi vùng sinh thái nên việc tưới tiêu lúa được đảm bảo, góp phần ổn định năng suất và chất lượng hạt gạo.

Bên cạnh đó, chiến lược chọn tạo giống lúa của Việt Nam theo mô hình kết hợp giữa năng suất cao nhưng có thời gian sinh trưởng ngắn hoặc cực ngắn (90-110 ngày) và chất lượng cao đã đem đến thành công cho ngành hàng này, giúp hạt gạo Việt khẳng định vị thế trên “bản đồ lúa gạo” thế giới.

Bà cho biết, ở ĐBSCL, các giống lúa có thời gian sinh trưởng chỉ 90-105 ngày, năng suất đạt 7-8 tấn/ha và chất lượng tốt. Đây cũng là các giống lúa chủ lực phục vụ xuất khẩu. Nhờ vậy, nâng chất lượng gạo xuất khẩu lên mặt bằng mới.

Nhờ đặc tính vượt trội của các giống lúa Việt, lãnh đạo Tập đoàn PAN thông tin nông dân Thái Lan đã chuyển sang sử dụng giống Jasmine 85 của nước ta. Hay nông dân Campuchia cũng ưa chuộng các giống gạo thơm của Việt Nam nên chọn trồng rất nhiều.

Đầu năm nay, chủ tịch Liên đoàn Lúa gạo Campuchia thừa nhận: “Năm 2023, nông dân chúng tôi đã chuyển đổi sản xuất từ các giống lúa địa phương sang những giống lúa thơm đặc sản, nổi tiếng của Việt Nam như OM 5451, ST và Đài Thơm 8 vì hiệu quả kinh tế cao hơn”. 

Nước ta có những giống lúa kháng rầy nâu của Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế IRRI. Giống ST25 của ông Hồ Quang Cua hai lần đạt giải Gạo ngon nhất thế giới. Giống lúa Đài Thơm 8 nổi tiếng được nông dân cả nước ưa chuộng, đóng góp hơn 30% lượng gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam…

Cuối năm nay, PAN sẽ ra mắt giống lúa mới được cải tiến với những đặc tính vượt trội hơn nữa về độ chịu hạn, chịu mặn và cho chất lượng gạo thơm ngon, phù hợp với cả điều kiện khí hậu 3 miền Bắc – Trung – Nam, đặc biệt là vụ Hè Thu khắc nghiệt phía Bắc, bà Trà My tiết lộ.

Không chỉ vượt qua “lời nguyền” gạo Việt Nam chất lượng thấp và giá rẻ, những vùng thí điểm theo đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” đã cho thu hoạch những vụ đầu tiên. 

Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới làm lúa giảm phát thải quy mô lớn. Thế nên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng ở đề án này không đơn thuần là khoanh vùng trồng lúa chất lượng cao mà là điểm khởi đầu cho cuộc cách mạng mới trong sản xuất để chứng minh cách Việt Nam tạo ra hạt gạo là minh bạch, trách nhiệm.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam cũng chỉ rõ, con đường lúa gạo không chỉ dừng ở hạt gạo. Đích đến là chúng ta bán gói sản phẩm từ gạo. Hình ảnh hạt gạo không chỉ nằm ở độ dài, độ tròn, độ ngọt, độ thơm, mà còn ở việc cộng đồng những người làm ra và trao gửi hạt gạo đến tay người tiêu dùng. Hình ảnh đó dần sẽ trở thành thương hiệu “Gạo Việt Nam”.

Nguồn: Viet-bao.de theo Vietnam.vn từ Vietnamnet.vn Ảnh bìa Trần Công Đạt: Giá gạo Việt xuất khẩu vượt Thái Lan và Pakistan. 

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
< ...