Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 khai mạc trọng thể tại Hà Nội
Sáng 15/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội), Quốc hội Việt Nam phối hợp với Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) đã tổ chức trọng thể Lễ Khai mạc Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 với chủ đề: “Vai trò của Giới Trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững, thông qua Chuyển đổi Số và Đổi mới Sáng tạo."
Đồng chủ trì Lễ khai mạc ngoài Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ, Chủ tịch IPU Duarte Pacheco; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Tổng Thư ký IPU Martin Chungong còn có Chủ tịch Diễn đàn Nghị sỹ Trẻ IPU Dan Carden, Hạ nghị sĩ, Vương quốc Anh; Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn; bà Emma Tangi Muteka - Nghị sỹ Namibia, thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sỹ Trẻ IPU; đại diện Ban Thư ký IPU.
Tham dự Lễ khai mạc có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể.
Dự Hội nghị còn có các lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Quốc hội Việt Nam, hơn 300 nghị sỹ trẻ và đại biểu đến từ hơn 70 Nghị viện thành viên IPU và đại diện của các tổ chức quốc tế; 124 thành viên Nhóm đại biểu Quốc hội Trẻ Việt Nam; 20 thanh niên trẻ tiêu biểu của Việt Nam; 20 đại biểu Hội đồng Nhân dân trẻ cấp tỉnh; đại diện các Hội Hữu nghị Việt Nam với các nước; các Đại sứ, đại diện Đại sứ quán, lãnh sự quán, cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài và tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Việt Nam đề xuất sáng kiến và rất vinh dự, tự hào được IPU chọn là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9.
Tiếp nối thành công của Đại hội đồng IPU-132 (năm 2015), Hội nghị APPF lần thứ 26 (năm 2018) và Đại Hội đồng AIPA lần thứ 41 (năm 2020), việc Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần này tiếp tục khẳng định sự tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm của Việt Nam trong IPU; đồng thời cho thấy sự ưu tiên, quan tâm đặc biệt của Việt Nam đối với thanh niên và các vấn đề chung toàn cầu của giới trẻ hiện nay.
Sau 37 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, từ năm 1986, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện và có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam đã đạt được kỳ tích trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, là điểm sáng trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ và Chương trình Nghị sự Phát triển Bền vững SDGs đến năm 2030 của Liên hợp quốc, đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tăng trưởng kinh tế đạt mức cao khoảng 6%/năm. Quy mô GDP năm 2022 theo giá hiện hành đứng thứ 38 trên thế giới, nếu tính theo sức mua tương đương (PPP), theo IMF, xếp thứ 10 châu Á và đứng thứ 24 trên thế giới.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 của Việt Nam đạt gần 735 tỷ USD, nằm trong Top 20 quốc gia có kim ngạch ngoại thương lớn nhất toàn cầu. Việt Nam cũng rất thành công trong thu hút FDI, đến nay đã có hơn 37.000 dự án đầu tư nước ngoài từ 143 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng số vốn đăng ký gần 450 tỷ USD.
Trong thông điệp gửi tới Hội nghị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết trong giai đoạn mới, Việt Nam tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, da dạng hóa, đa phương hóa, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Chủ tịch nước tin tưởng rằng Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác cùng nghị viện các nước để biến các khuyến nghị, nghị quyết của Liên minh Nghị viện Thế giới nói chung và của Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu nói riêng thành hành động cụ thể, qua đó đóng góp thiết thực, hiệu quả vào hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trong khu vực và trên thế giới.
Nguồn: Thanh Bình (tổng hợp)
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *