Hội nghị thượng đỉnh về Ukraine mở đường cho đối thoại hòa bình với Nga
Ngày 16/6, hàng chục quốc gia tham dự hội nghị quốc tế mang tính bước ngoặt về hòa bình cho Ukraine nhất trí Ukraine nên đối thoại với Nga để chấm dứt xung đột, trong khi ủng hộ mạnh sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, kết thúc hội nghị thượng đỉnh về Ukraine, thông cáo chung đã được đưa ra, trong đó đa số các quốc gia tham dự nhất trí về lập trường và các bước tiếp theo hướng tới tiến trình hòa bình trong tương lai. Có 80 trong tổng số hơn 90 nước tham dự đã ủng hộ tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị diễn ra ngày 15-16/6 tại Thụy Sĩ.
Thông cáo chung nêu rõ các bên tin rằng việc đạt được hòa bình cần có sự tham gia và đối thoại giữa tất cả các bên, đồng thời tái khẳng định cam kết về "sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia”. Thông cáo cũng hối thúc việc trao đổi những người bị bắt giữ và hồi hương những trẻ em bị trục xuất.
Một số quốc gia trong khối BRICS, cùng vài quốc gia khác, đã không ký vào tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine tại Thụy Sĩ. Danh sách các quốc gia đã ký tuyên bố chung đã được ban tổ chức hiển thị trên màn hình của trung tâm báo chí tại khu nghỉ dưỡng Buergenstock, nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh. Các nước Armenia, Bahrain, Brazil, Tòa thánh Vatican, Ấn Độ, Indonesia, Libya, Mexico, Saudi Arabia, Slovakia, Nam Phi, Thụy Sĩ, Thái Lan và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) không ký tuyên bố chung.
Phát biểu sau hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết hội nghị đã đưa hòa bình đến gần hơn với Ukraine, nhưng hòa bình thực sự sẽ không đạt được trong một bước đi, mà con đường đó sẽ đòi hỏi sự kiên nhẫn và quyết tâm.
Về phần mình, Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd đánh giá thông cáo chung từ hội nghị thượng đỉnh Bürgenstock là một tín hiệu mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế về hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Theo bà, kết quả của hội nghị thượng đỉnh ở Bürgenstock đánh dấu bước đi quan trọng đầu tiên trên con đường đầy thử thách hướng tới nền hòa bình công bằng và lâu dài tại Ukraine.
Trước đó, quá trình thảo luận tập trung vào 3 chủ đề gồm an toàn hạt nhân, an ninh lương thực và khía cạnh nhân đạo trong cuộc xung đột ở Ukraine. Các chủ đề này được đánh giá giúp xây dựng lòng tin giữa các bên trong cuộc xung đột. Hơn nữa, đây là những vấn đề có tầm quan trọng lớn đối với nhiều quốc gia.
Trong 2 ngày qua, các quốc gia đã tham gia thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp khả thi. Bản thông cáo chung được phần lớn các quốc gia tham gia ủng hộ. Nội dung phản ánh mong muốn của các quốc gia trong việc đóng góp cho tiến trình hòa bình ở Ukraine. Các lập trường được đưa ra trong 3 lĩnh vực thảo luận tạo ra cơ sở tin cậy và nhắc tới nhu cầu cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan tới cuộc xung đột.
Theo đánh giá, đây là lần đầu tiên Thụy Sĩ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh có quy mô như vậy. Sự tham gia rộng rãi từ mọi khu vực trên thế giới là biểu hiện của lòng tin cho Thụy Sĩ và có được là nhờ mạng lưới ngoại giao của nước này. Tổng thống Amherd nhấn mạnh Thụy Sĩ sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực trong các bước tiếp theo.
Bên cạnh đó, bà Amherd và Ngoại trưởng nước này Ignazio Cassis ca ngợi sự hợp tác với các quốc gia tham gia và bày tỏ lòng cảm ơn đối với các đối tác quốc tế và tất cả những người đã đóng góp vào sự kiện diễn ra suôn sẻ.
Nguồn: Viet-bao.de theo Anh Hiển (TTXVN)
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *