KẾ HOẠCH GIẢI THOÁT HAI NGHÌN TÙ CHÍNH TRỊ TẠI NHÀ LAO THỪA THIÊN - HUẾ NĂM 1961 - Nguyễn Thiện Tường

Đăng bởi:
20/06/2024 | 23:05
Chuyên mục: Kỷ niệm
0 bình luận
KẾ HOẠCH GIẢI THOÁT HAI NGHÌN TÙ CHÍNH TRỊ TẠI NHÀ LAO THỪA THIÊN - HUẾ NĂM 1961 - Nguyễn Thiện Tường

Lời tác giả: Nhân sắp đến ngày TBLS, viết lại một kế hoạch của người chính ủy đầu tiên của Trung đoàn 95

Sau năm 1954, đại gia đình chúng tôi chia đôi theo đất nước. Nhiều người được phân công những nhiệm vụ hoàn toàn mới lạ.

Bác Sáu (Nguyễn Thiện Tụng) bàn giao vai trò hiệu trưởng trường trung học Lê Khiết cho thầy Lê Trí Viễn, chuyển sang làm đại diện Việt Minh miền Trung trung bộ, sau đó chuyển sang Ủy ban Liên hiệp quốc tế kiểm soát đình chiến.

Nhiều người khác và mẹ tôi  tham gia binh vận Đức Phổ với những đóng góp và hy sinh trong thầm lặng sau này.

Dì cả Xuân Lan dự kiến bố trí ở lại miền nam cùng với một người cậu - ông Nguyễn Đức Thống- hoạt động hợp pháp để đấu tranh thống nhất đất nước. Tuy nhiên, thời cuộc có nhiều chuyển biến bất lợi. Kế hoạch thay đổi. Dì Xuân Lan đi tập kết cùng với cả gia đình. Nhiều người đi tập kết ra Miền Bắc. Ông Nguyễn Đức Thống rút vào bí mật.

Đại gia đình chúng tôi cũng đã linh cảm không thể có hai năm để thống nhất, vì vậy bác Sáu Tụng đã thúc giục mẹ tôi lên đường tập kết nhưng vì mới sinh tôi nên không thể đi được.

Không phải hai năm mà hai mươi năm với biết bao xương máu đã đổ mới có được ngày hôm nay.

Sau khi thống nhất Tổ quốc (1975), gia đình chúng tôi nhận được giấy báo hy sinh và công nhận liệt sĩ của ủy ban thống nhất của chính phủ đối với ông Nguyễn Đức Thống.

Nhưng những hoạt động và cái chết cũng như mộ phần của ông vẫn là điều bí ẩn (thậm chí do thiếu thông tin, có người còn cho ông là " chiêu hồi"). 

Năm 1996, sau nhiều khó khăn, đặc biệt nhờ sự can thiệp của nguyên thủ tướng Phạm Văn Đồng để tiếp cận  nhiều tài liệu, sự giúp đỡ của thường vụ tỉnh ủy Quảng Ngãi và những đồng đội của ông như đại tá tình báo Nguyễn Minh Vân, ông Kiều Hoàng... cũng như những người khác, đại gia đình chúng tôi đã biết được những hy sinh và cống hiến thầm lặng của ông.

Kết hợp với nhiều tài liệu khác và ký ức do các ông Lê Văn Đức, Trương Dương Tấn, Nguyễn Minh Hoàn... cung cấp cũng như những ký ức của gia đình, tôi đã viết một dự thảo về cuộc đời và sự nghiệp của ông dưới tiêu đề: CÁI CHẾT THẦM LẶNG CỦA MỘT NHÀ TÌNH BÁO. Hy vọng trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chuyển thể thành một tiểu thuyết.

Quả thật, cuộc đời của ông là một cuốn tiểu thuyết, vì yêu nước nên dấn thân trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình địa chủ, học Quốc học và Pellerin Huế. Đỗ Thành Chung và ra làm Thông phán từ những năm 20 của thế kỷ trước. Giác ngộ cách mạng, bỏ quan và bán hết ruộng đất để đi buôn nhưng thực chất là để làm cách mạng.

Ông đã cùng với ông ngoại tôi mở công ty nước mắm Thanh Tân ở Mỹ Á để làm nơi liên kết cách mạng.

Ngoài ra, với vai trò thương gia, ông đi khắp đó đây để vận động cách mạng. Năm 1944, ông thành lập  trại bò ở Ba Tơ, làm nơi trú chân và tập võ nghệ cho nhiều người, sau này là du kích Ba Tơ như  ông Lê Văn Đức, Nguyễn Chánh, Phạm Kiệt...

Sau khi CM Tháng Tám thành công, ông là chính ủy trung đoàn 95, một trong số ít những trung đoàn chính quy đầu tiên của miền trung.

Khi thành lập văn phòng chính phủ Nam trung bộ, cụ Phạm Văn Đồng đã chuyển ông về làm chánh văn phòng (cùng với dì Xuân Hồng là thư ký văn phòng).

Sau đó ông được điều về làm giám đốc công ty Việt Thắng, một công ty sản xuất với quy mô lớn cho quân đội và nhân dân của miền Trung trung bộ và sau này là giám đốc quốc doanh Trung trung bộ.

Sau hiệp định Geneve, ông được cử ở lại MN để đấu tranh hợp pháp cho thống nhất nước nhà và trước mắt là tổ chức giao thương kinh tế giữa khu 5 và miền Bắc.

Thời cuộc diễn biến, ông đã trở thành lãnh đạo đường dây liên lạc từ Quảng Trị đến Tây Nguyên, chỉ đạo thực hiện chống đi phu, di dân...

Trong các năm sau 1954, địch tổ chức đánh phá rất khốc liệt. Hàng nghìn chính trị phạm bị bắt về trung tâm cải huấn ty công an Thừa Thiên Huế. Đây cũng là cái lò để ép "chuyển hướng" và nhiều phản bội cũng nẩy sinh từ đây.

Đến năm 1958, ông bị địch theo dõi và bắt về Quy Nhơn nhưng được đưa ngay ra Huế (theo tôi đây là một kế hoạch được sắp đặt để ông có cơ hội xâm nhập vào nhà lao TT - Huế).

Từ đây, ông đã chuyển sang một hoạt động khác. Ông đã từng gặp Ngô Đình Nhu, trong đó có lần cùng với ông Mười Hương (Trần Quốc Hương, là 2 trong 5 người mà Ngô Đình Nhu đã gặp tại Huế năm 1958)

Ông đã tìm cách xâm nhập và làm việc cho cơ quan đặc biệt của Ngô Đình Nhu, là người mà địch cử chiêu hồi ông Mười Hương ngay sau khi bị đưa ra Huế. Ông đã viết cho Ngô Đình Nhu một bản kế hoạch phát triển kinh tế miền Nam. Tôi rất ấn tượng với một đề xuất của ông mà thời nào cũng đúng : tranh thủ ngoại viện và lành mạnh hóa chi tiêu.

Từ vị trí này ông đã luôn đề nghị giao thương Nam Bắc và bàn bạc thống nhất đất nước trong hòa bình. Ngoài ra, ông đã tổ chức được đường dây liên lạc với "Đảng bộ bên ngoài", thông tin qua lại cũng như trong nội bộ nhà tù, trong nhà tù với bên ngoài. Trong nhà tù, ông đã cùng với các đồng chí lãnh đạo chi bộ nhà tù, thực hiện các chủ trương của Đảng; giúp cho ông Mười Hương nhiều việc, đặc biệt là đã lên kế hoạch cho việc phá nhà tù, giải phóng hàng nghìn tù chính trị.

Đến năm 1961, những hoạt động của ông bị địch phát hiện, bị chúng " kỷ luật tại ty tòa". Nhiều cán bộ cao cấp trong tù bị chuyển đi nơi khác như Chín Hầm...

Riêng ông bị chúng biệt giam, cấm cố và dụ hàng. Nhưng ông đã khẳng khái trả lời Ngô Đình Nhu khi được đề nghị bố trí một công tác phù hợp để sinh sống : cám ơn nhưng tôi không thể làm vậy vì nó sẽ ảnh hưởng đến thanh danh của tôi.

Sau một cuộc họp của tất cả tỉnh trưởng Miền Trung tại Quảng Ngãi, ông đã bị chúng đưa về Bình Định và thủ tiêu tại nhà tù Quy Nhơn với quyết định "tùy nghi  xử lý"  cùng lý do nếu để ông còn sống và liên lạc hoặc thoát ra được bên ngoài thì sẽ rất nguy hiểm vì ông đã biết được rất nhiều bí mật của chúng. Có thể vì thế mà nhiều đồng chí đã không còn  biết tin tức về ông, thậm chí nghi ngờ. Tuy nhiên, những hoạt động của ông trong thời gian này là rất dũng cảm và hiệu quả.

Đáng chú ý, trong quá trình thu thập tư liệu, chúng tôi cũng tìm thấy những đề nghị của ông với Ngô Đình Nhu về một quá trình thống nhất đất nước trong hòa bình. Theo ông, nếu không thống nhất đất nước thì chiến tranh chắc chắn sẽ xảy ra và sẽ xảy ra ở Miền Nam.

Về hai điều này, Ngô Đình Nhu đã trả lời:

1. Về thống nhất đất nước cả hai miền đều đã cử đại diện để gặp gỡ. Nhưng vấn đề thống nhất đất nước không phải do miền Bắc hay miền Nam nhưng do Nga và Mỹ.

Về điều này, hy vọng lịch sử sau này sẽ giải mã. Tuy nhiên, chúng ta đã vượt ra khỏi gọng kiềm đó (nếu có). Dân tộc Việt Nam đã chiến thắng.

2. Chiến tranh sẽ xảy ra và xảy ra ở miền nam (một nhận định từ năm 1958 của một người tù! ). Ngô Đình Nhu đã hỏi lại ông: Tại sao anh biết hay anh dọa tôi? Thật dũng cảm.

CHLB Đức 18.01.2022 - Nguyễn Thiện Tường

Dưới đây chúng tôi xin công bố hai tài liệu của đại tá tình báo Nguyễn Minh Vân:

1. Trích báo cáo năm 1967 lên Cục nghiên cứu Bộ tổng tham mưu (tiền thân Tổng cục 2) sau khi ông thoát được ra miền bắc.
2. Xác nhận năm 2002 về một số  hoạt động trong tù của ông Nguyễn Đức Thống, có thông qua ông Mười Hương (Trần Quốc Hương)...

Nguồn: Viet-bao.de theo Nguyễn Thiện Tường. Ảnh bìa: Tác giả (Bên phải) chụp với một cựu đại tá công an

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan