Khả năng Italy thay thế Đức trở thành đầu tàu kinh tế châu Âu

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
05/04/2024 | 15:43
Chuyên mục: Sự kiện châu Âu
0 bình luận
Khả năng Italy thay thế Đức trở thành đầu tàu kinh tế châu Âu

Trong khi nền kinh tế Đức đang trì trệ thì Italy vẫn tiếp tục tăng trưởng sau đại dịch COVID-19.

Trong 25 năm qua, ông Mauro Congedo cùng anh trai và cha họ tìm kiếm và cải tạo các công trình kiến trúc nhỏ ở Salento - một bán đảo ở phía Đông Nam Italy.

Những căn hộ và nhà ở mà Congedo khôi phục giờ đây bất ngờ có người tìm mua từ Đức và Anh.

“Mọi thứ đang tốt đẹp trở lại”, kiến trúc sư ông Mauro Congedo (50 tuổi) nhận xét. Trong đại dịch COVID-19, hoạt động kinh doanh của ông gần như bế tắc. Nhưng theo ông, những gì xảy ra sau đó trong ngành công nghiệp Italy thật là "điên rồ”.

Congedo không phải người duy nhất phấn khởi về hồi phục kinh tế tại đất nước hình chiếc ủng.

Từ "cá biệt" thành dẫn đầu

Chính phủ Italy trong những năm trước đại dịch đã quen với việc công bố dự báo tăng trưởng thấp và xếp hạng nợ kém. Nhưng nay bức tranh đã thay đổi, quốc gia này nhanh chóng trở thành động lực tăng trưởng của châu Âu.

Trong quý vừa qua, kinh tế Italy tăng trưởng 0,6%, còn kinh tế Đức giảm 0,3% trong cùng kỳ. Ngoài dữ liệu của ba tháng ngắn ngủi này, các số liệu khác của nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu cũng rất ấn tượng.

Nhà kinh tế Jorg Kramer tại Commerzbank, nhận định với DW: “Nền kinh tế Italy đã tăng trưởng 3,8% kể từ năm 2019. Con số này gấp đôi kinh tế Pháp và gấp 5 lần kinh tế Đức".

Ở Đức, triển vọng thực sự có vẻ ảm đạm. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán mức tăng trưởng của Đức trong năm nay là 0,3%. Các chuyên gia hàng đầu tại Đức chỉ kỳ vọng mức tăng trưởng 0,1%. Mặt khác, OECD dự đoán kinh tế Italy dự kiến tăng trưởng 0,7% trong năm nay.

Thị trường chứng khoán Italy cũng hưởng lợi từ tâm trạng lạc quan. Chỉ số FTSE MIB, bao gồm 40 công ty lớn, đã tăng khoảng 28% trong năm ngoái, nhiều hơn bất kỳ chỉ số thị trường chứng khoán châu Âu nào khác. Và Italy đang trên đà phát triển hơn nữa.

Các yếu tố thúc đẩy

Theo DW, tăng trưởng của Italy chủ yếu dựa vào nợ mới. Trong khi khoản nợ mới của Italy trước đại dịch COVID-19 là 1,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thì nó đã tăng vọt trong những năm gần đây và cán mốc 8,3% GDP trong nửa đầu năm 2023.

Nợ tổng thể của Italy cũng đang tăng lên. Vào tháng 1, Ủy ban châu Âu ước tính con số này sẽ vượt 140% GDP trong năm nay và tiếp tục tăng vào năm 2025. Để so sánh, tỷ lệ nợ ở Đức là 66%, ở Pháp là gần 100%.

Để hỗ trợ nền kinh tế, kể từ cuối năm 2020, chính phủ Italy đã tài trợ cho nhiều biện pháp cải tạo nhà cửa khác nhau. Đối với một số biện pháp, chính phủ chịu khoảng 50% chi phí, những biện pháp khác thậm chí còn nhận được nhiều hơn.

Đáng chú ý nhất là phương pháp cải tạo "Superbonus 110" để tiết kiệm năng lượng. Thông qua chương trình này, bất kỳ ai cải tạo nhà hoặc căn hộ của họ để tiết kiệm năng lượng hơn sẽ được hoàn trả toàn bộ chi phí cộng thêm 10% thuộc chương trình giảm thuế. Ông Kramer cho biết đầu tư xây dựng đã tăng vọt và đóng góp cho 2/3 mức tăng trưởng mạnh mẽ gần đây.

Nhưng kiến trúc sư Congedo không quá hào hứng với chương trình “Superbonus 110”. Bởi ngoài lạm phát, “Superbonus 110”còn đẩy chi phí nguyên vật liệu và nhân công lên cao. Bên cạnh đó, ông nói: “Nếu nhà nước chi trả cho mọi thứ thì người dân sẽ không quan tâm nó tốn bao nhiêu tiền”. Ngoài ra, không ai kiểm soát giá cả. Các công ty xây đã nhiều lần yêu cầu ông điều chỉnh chi phí tăng lên. "Họ muốn tôi tính phí gấp đôi. Tôi không làm vậy. Cảm giác như ăn trộm", ông thú nhận.

Tuy nhiên, ông cho rằng tiền thưởng cho việc cải tạo các tòa nhà tiết kiệm năng lượng hơn nói chung là điều tốt. Theo ông, chủ sở hữu nên đóng góp vào chi phí chứ không chỉ nhận tất cả từ chính phủ.

Vào năm 2023, chương trình Superbonus chỉ còn chi trả tối đa 70% chi phí cải tạo và năm nay là 65%. Và các khoản miễn thuế do chương trình này mang lại sẽ làm giảm đáng kể nguồn thu của chính phủ Italy trong vài năm tới. Nhưng Rome vẫn đang nhận hàng tỷ USD chủ yếu từ Brussels. Italy là một trong những nước nhận nhiều nhất từ quỹ phục hồi COVID của EU.

Đến năm 2026, gần 200 tỷ euro (216 tỷ USD) sẽ được trả cho Italy dưới hình thức trợ cấp và cho vay.

Ông Kramer cho rằng Rome cần giảm thâm hụt ngân sách từ thời điểm này. Ông quan ngại kỳ tích tăng trưởng của Italy có thể sẽ kết thúc do không tận dụng thời gian để cải cách cơ cấu.

Về phần kiến trúc sư Congedo, ông quan ngại tàn dư của chương trình Superbonus 110 sẽ tồn tại lâu dài: “Giá rất cao và chúng tôi đã phải gánh nhiều khoản nợ”. May mắn thay, ông sẽ không sớm hết việc để làm. Hiện ông đang thực hiện 8 dự án cùng một lúc.

Nguồn: Viet-bao.de theo Hà Linh/Báo Tin tức (Theo DW)

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >