KHÁCH VIỆT BỊ GÀI BẪY, LẤY CẮP Ở BARCELONA

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
05/11/2019 | 00:28
Chuyên mục: Cuộc sống cộng đồng
0 bình luận
KHÁCH VIỆT BỊ GÀI BẪY, LẤY CẮP Ở BARCELONA

Nhóm khách Việt Nam đã có chuyến du lịch nhớ đời ở Barcelona, Tây Ban Nha. Từ lâu, trộm cắp đã trở thành một trong những vấn đề nhức nhối của thành phố này.

Mới đây, Trần Tuấn Việt, một du khách Việt Nam, đã phải trải qua những giờ khốn khổ ở Barcelona vì tình trạng này. Người đi cùng Việt, anh M. đã mất tiền và giấy tờ vào 14h ngày 1/11, tức chỉ còn khoảng 2 giờ trước khi các cơ quan hành chính đóng cửa. Họ có chuyến bay trở lại Việt Nam một ngày sau đó.

Đừng cười trước những cảnh báo 

Trả lời Zing.vn, thành viên này cho biết đoàn của anh gồm những người đã đi nước ngoài khá nhiều lần nên không còn lạ lẫm với trò móc túi ở châu Âu. Khi gặp những tay trộm ở Italy, họ còn chê "giang hồ châu Âu nhạt quá".

Trong chuyến đi lần này, nhóm thuê một hướng dẫn viên tên Angelina. Ngay khi đến Barcelona, cô đã liên tục nhấn mạnh các thành viên "giữ gìn tư trang, tránh tiếp xúc với các cô gái xinh đẹp, trẻ em, người già, người nước ngoài, ăn xin, hỏi đường, nhờ chụp ảnh". 

Việt cho biết anh cùng bạn bè đã cười lớn trước lời dặn dò của hướng dẫn viên. Tuy nhiên, họ đã sớm trải nghiệm "nghệ thuật dàn cảnh" của những tay trộm ở Barcelona.

N, một thành viên trong đoàn, bắt chuyện với cô gái lạ khi họ đến tham quan nhà thờ Sagrada Famillia. Sau vài câu chào hỏi, cô này ngỏ ý muốn chụp ảnh chung với N. "Tay phải cô ta nhấn nút, tay trái vỗ vào mông N. May sao, Angelina chạy đến mắng té tát cô gái kia. Khi N kiểm tra lại nơi vừa bị đụng chạm, ví của cậu ấy đã bị kéo ra quá nửa", anh Việt chia sẻ.

Sau sự cố trên, nữ hướng dẫn viên chỉ cho nhóm khách Việt về những chiêu trò của dân móc túi Barcelona. Cô này cũng gợi ý nhóm nên đi ăn ở khu vực cách trung tâm khoảng 10 km để tránh trộm cắp. Dù đã rất cẩn thận, cả nhóm vẫn rơi vào bẫy.

"Sau khi trích xuất camera, chúng tôi phát hiện nhóm 4 người Đông Âu bước vào quán. Họ ngồi bàn trong, xem thực đơn, hỏi han rồi đi ra luôn. Tên thứ nhất cầm áo khoác phủ lên ghế anh M và gạt chiếc túi rơi xuống. Tên thứ 2 nhặt đồ, tên thứ 3 nói chuyện để đánh lạc hướng chủ quán. Tên cuối cùng làm nhiệm vụ cảnh giới. Màn kịch được thực hiện trong vỏn vẹn 5 phút", anh Việt kể lại màn dàn dựng của bọn trộm.

Sau khi phát hiện bị mất đồ, nhóm này đã nhanh chóng gọi cho Đại sứ quán Việt Nam ở Madrid cầu cứu. Phía Đại sứ quán cho biết sẽ đóng cửa trong 2 giờ nữa nhưng đồng ý thu xếp nhân viên ở lại tới 19h để hỗ trợ công dân. Tuy nhiên, người mất đồ cần xin giấy chứng nhận từ cảnh sát Barcelona.

Theo anh Việt, cảnh sát ở đây làm việc rất chậm và khả năng sử dụng tiếng Anh cũng không tốt. Ở đồn cảnh sát, hơn chục người nước ngoài gặp tình cảnh tương tự ngồi đợi giải quyết. "May mà Angelina xông vào trình bày lý do nên hồ sơ của anh M mới được ưu tiên giải quyết trước", anh Việt chia sẻ.

Du khách này cho biết anh rất ấn tượng với cách làm việc của Đại sứ quán Việt Nam. Theo lịch hẹn, người của Đại sứ quán sẽ chờ tới 19h. Tuy nhiên, nhóm này gặp nhiều sự cố nên đến 21h30 mới tới nơi. Họ vẫn được giải quyết thủ tục, cấp sổ thông hành để về nước đúng dự kiến.

"Tôi mới đi khoảng 20 nước, chuyện trộm cắp cũng chứng kiến nhiều nhưng đây là lần đầu dính bẫy", anh Việt chia sẻ với Zing.vn.

Sau sự cố vừa qua, du khách này cho biết việc đầu tiên cần làm khi bị mất cắp là liên hệ với Đại sứ quán ở nước sở tại. Trong trường hợp du lịch đến quốc gia mà nước ta chưa mở Đại sứ quán, bạn phải tìm cách sang nước gần nhất có Đại sứ quán để tìm sự giúp đỡ. "Cảnh sát châu Âu không mặn mà lắm mấy vụ trộm nhỏ lẻ này", anh nhận xét.

Quy tắc sống còn ở những "thủ phủ trộm cắp"

Năm 2018, The Guardian đăng tải bài viết về những quy tắc sống còn khi đi du lịch ở nơi nhiều trộm cắp như Barcelona. Ý kiến được lấy từ chính những người bản địa.

Margot, người sống ở phía bắc thành phố, khuyên du khách không để túi xách lên sàn quán cà phê hoặc nhà hàng. Bạn cần giữ đồ đạc luôn ở cạnh mình. Nếu cẩn thận hơn, du khách nên mua thêm móc gắn để treo túi vào bàn. Những người tốt bụng đề nghị phủi phân chim hộ cũng cần đặc biệt cảnh giác. Việc để ví ở túi sau là điều cấm kỵ.

Một số người cho rằng khách du lịch nên trang bị thêm thắt lưng giữ tiền. Ducksis gợi ý du khách sử dụng 2 ví, để tách đồ ít giá trị và tài sản lớn. Trả lời Guardian, một người đi nghỉ lễ cho biết đã chụp lại hết các giấy tờ cá nhân đề phòng trường hợp mất trộm.

"Bạn cần để mọi đồ đạc trong vali cho tới khi đến khách sạn. Sau khi nhận phòng, bạn có thể phân bố tiền mặt tiêu trong ngày. Nếu bị mất trộm, bạn cũng không lo hết sạch tiền", BoyoUK chia sẻ.

Hồi tháng 8, Lãnh sự quán Mỹ tại Barcelona đã phải ra cảnh báo công dân nước này về tình trạng gia tăng tội phạm bạo lực của thủ phủ Catalunya. Họ nhấn mạnh khách du lịch Mỹ không nên đeo trang sức, đồng hồ đắt tiền ở Barcelona. Thông báo được đưa ra vài ngày sau khi Đại sứ Afghanistan tại Tây Ban Nha bị một nhóm cướp trấn lột đồng hồ ngay trung tâm Barcelona.

Nhiều chuyên gia cho rằng sự kiện Barcelona đăng cai Olympic mùa hè 1992 là nguyên nhân khiến khách du lịch đổ xô tới đây. Điều này cũng dẫn tới thực trạng móc túi diễn ra ngày một nhiều.

Luật pháp lỏng lẻo cũng khiến các nhóm trộm cắp lộng hành hơn. Theo The Guardian, ăn cắp món đồ trị giá dưới 400 euro chỉ bị xét vào tội nhẹ (falta), không phải tội phạm (delito). Nếu bị bắt, kẻ trộm cũng chỉ chịu phạt 50 euro. Ngay cả khi tái phạm, kẻ trộm cũng không bị xử phạt cao hơn. Vì thế, chuyện kẻ trộm vừa bị bắt rồi lại lởn vởn trên phố vài giờ sau đó không hề hiếm ở Barcelona.

Nguồn: news.zing.vn - Anh Tú - (Ảnh bìa: Du khách Việt nhận được bài học về sự cảnh giác khi đi du lịch Barcelona. Ảnh: Trần Tuấn Việt).

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
< ...