Kiều bào đến với bà con vùng lũ Phú Thọ và Tuyên Quang

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
01/10/2024 | 16:00
Chuyên mục: Tin quê hương
0 bình luận
Kiều bào đến với bà con vùng lũ Phú Thọ và Tuyên Quang

Sự sẻ chia, thăm hỏi của những người Việt xa quê cũng mang lại nhiều tình cảm ấm áp với lãnh đạo và nhân dân địa phương.


Ngày 25.9.2024, đoàn từ thiện của các kiều bào trở về từ Nhật Bản và CHLB Đức đã trực tiếp đến với bà con bị ảnh hưởng bởi bão, lũ tại hai tỉnh Phú Thọ và Tuyên Quang. Chuyến đi mang theo biết bao tình cảm của những người Việt nơi xa xứ, sẻ chia với người dân trong nước, động viên tinh thần để bà con vượt qua khó khăn mất mát. 

Địa điểm đầu tiên đoàn dừng chân là xã Hùng Xuyên, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Cho đến bây giờ, những người dân vùng trung du này vẫn chưa quên được sự tàn phá của cơn bão số 3 (Yagi). Vào chiều và đêm ngày 7/9, cơn bão qua địa bàn huyện Đoan Hùng, gây thiệt hại về nhà cửa, công trình, trụ sở, giao thông, thuỷ lợi, cây cối, hoa màu của các xã trên địa bàn. Cũng ngay sau đó, hoàn lưu của cơn bão gây ra mưa to, có nơi mưa rất to; lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp với các hồ thuỷ điện Tuyên Quang, Thác Bà, Hoà Bình xả lũ làm cho mực nước các sông lên nhanh. Mực nước sông Lô, sông Chảy dâng rất nhanh làm ngập úng hầu hết các xã trên địa bàn huyện, đặc biệt tại 10 xã ven sông gây thiệt hại về tài sản, giao thông, thuỷ lợi, hoa màu của người dân trên địa bàn.

Ông Trần Tuấn Anh, Chủ tịch MTTQ huyện Đoan Hùng tiếp nhận 3 tấn gạo từ Hội người Việt tại Kansai, Nhật Bản

Và 60 triệu đồng từ Hội từ thiện Sen vàng Berlin, CHLB Đức

Hơn 2 tuần sau khi thiên tai đi qua, cuộc sống ở những làng quê yên ả có vẻ như đã phần nào trở lại bình thường. Nhưng trong rất nhiều ngôi nhà, thiệt hại do bão lũ đã làm tiêu tan tài sản của cả đời người nông dân gây dựng. Ông Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc VN huyện Đoan Hùng, cho biết: "Huyện Đoan Hùng bị ảnh hưởng rất nặng nề trong cơn bão Yagi. Rất may chúng tôi không có ảnh hưởng lớn về người, nhưng về diện tích cây cối, hoa màu, vật nuôi và các trang trại, các công trình hạ tầng bị hư hỏng rất nhiều.

Theo thống kê sơ bộ, tổng thiệt hại trên toàn bộ huyện ước tính 200 tỷ đồng. Trong hoạn nạn, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ, đặc biệt là cộng đồng người VN ở nước ngoài thì chúng tôi rất trân trọng, bởi đây là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần là cho dù chúng ta có ở phương trời nào thì đối với quê hương, Tổ quốc, đặc biệt trong những thời điểm khó khăn thì rất quan trọng. Xin được thay mặt cho nhân dân Đoan Hùng, đặc biệt là nhân dân vùng lũ, cảm ơn tấm lòng của cộng đồng người VN ở nước ngoài".

Trực tiếp đến thăm các hộ gia đình, mới thấy người dân đã phải trải qua những khó khăn đến thế nào. Những bức tường đến giờ vẫn còn ngấn nước, những mảnh sân bị sạt lở, những vườn rau xác xơ... Đoàn đã đến tận nơi thăm hỏi, động viên, ủng hộ gạo, nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập và trao tiền ủng hộ cho các hộ dân.

Nhận được những tình cảm và sẻ chia của đoàn, ông Nguyễn Văn Chiến, trưởng khu dân cư thôn Đông Dương, xã Đông Khê, huyện Đoan Hùng bày tỏ: "Cảm ơn các anh chị đã đến đây và trực tiếp nhìn thấy sự thiệt hại của bà con. Khi lũ về nhà đã bị ngập từ mét rưỡi đến 2 mét, và sau khi nước rút thì ảnh hưởng rất nhiều. Lúa  bị ngập, mất trắng, toàn bộ diện tích hoa màu và bưởi thì không cho thu hoạch năm nay. Đây là sự thiệt hại rất lớn cho mỗi gia đình và địa phương, cần thời gian rất lâu dài để có thể khắc phục được".

Bà Lê Thị Loan xúc động khi nhận món quà của đoàn

Còn bà Lê Thị Loan, thôn Đông Dương, xã Đông Khê, huyện Đoan Hùng thì xúc động nói: "Nhà tôi khi ấy ngập đến ngực, hoa màu mất hết. Đoàn đến động viên, chúng tôi rất cảm động. Với số tiền này, chúng tôi sẽ mua con giống, mua cây trồng, và những việc khác nữa...".

Tại những điểm đến tiếp theo trên vùng đất Tổ, hay tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, sự sẻ chia, thăm hỏi của những người Việt xa quê cũng mang lại nhiều tình cảm ấm áp với lãnh đạo và nhân dân địa phương. Những phần quà gồm tiền mặt, gạo, nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập... được trao tận tay người dân hay các thầy cô giáo, chất chứa bao nhiêu tình cảm, sự sẻ chia của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Thành viên của đoàn là những đại diện của Hiệp hội Xúc tiến hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, Hội Người Việt Nam vùng Kansai và Trường Việt ngữ Cây Tre (Nhật Bản), Hội từ thiện Sen Vàng Berlin (CHLB Đức), cùng Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Viện ứng dụng Công nghệ & Phát triển giáo dục và Công ty Educhain Việt Nam. Có những người đang trong chuyến công tác hoặc có công việc tại Việt Nam, nhưng cũng có những người như chị Lê Thương, Chủ tịch Hội người VN vùng Kansai, về Việt Nam vẻn vẹn 3 ngày chỉ để được đến tận nơi gặp bà con vùng lũ.

Chị Lê Thương tặng quà và động viên người dân vùng lũ

Chị Lê Thương tâm sự: "Biết được bà con miền Bắc phải gánh chịu hậu quả nặng nề của cơn bão Yagi, cộng đồng người VN tại Nhật Bản nói chung và vùng Kansai nói riêng đã rất tích cực có những hoạt động quyên góp để ủng hộ bà con nơi quê nhà. Chúng tôi đã hỗ trợ nhu yếu phẩm và tiền mặt để hỗ trợ bà con. Sự đóng góp của kiều bào là một phần rất nhỏ thôi, nhưng tôi tin rằng bà con ở các tỉnh bị thiên tai sẽ nhận được tình cảm ấm áp của đồng bào ta dù ở bất cứ nơi đâu và sớm vượt qua những khó khăn hiện tại. Ngoài việc hỗ trợ nhu yếu phẩm, chúng tôi mong muốn đến trực tiếp để có thể hỗ trợ những hoạt động khác để tái thiết cuộc sống khi cơn bão đi qua. Có thể là hỗ trợ về giáo dục, xúc tiến thương mại hoặc hỗ trợ bà con nông dân ổn định cuộc sống bình thường".

Chị Thu Trang (thứ 2 bên phải) đến thăm và tặng quà hộ dân vùng lũ

Còn chị Thu Trang, Hội từ thiện Sen vàng Berlin, CHLB Đức thì chia sẻ, chị thấy may mắn khi đang ở Việt Nam dịp này, để có cơ hội đến trao tận tay bà con những phần tiền mà các mạnh thường quân đã góp cùng Hội từ thiện Sen vàng Berlin hỗ trợ người dân trong nước. Tại Phú Thọ và Tuyên Quang, Hội từ thiện Sen vàng Berlin trao tặng 120 triệu đồng cho 60 hộ dân bị thiệt hại do mưa lũ.  "Tôi biết rằng nhiều hội đoàn của người Việt đã quyên góp để giúp đỡ đồng bào bị thiệt hại trong cơn bão. Đợt này tôi đang ở TPHCM nên đã thu xếp ra Bắc, cầm những đồng tiền mà bà con đã gửi gắm cho Hội từ thiện Sen vàng, chuyển tới bà con vùng lũ ở Phú Thọ, Tuyên Quang và sau đó sẽ lên Yến Bái và Lào Cai. Đến tận nơi thăm bà con, thấy còn nhiều khó khăn quá. Dù đồng tiền của chúng tôi rất nhỏ bé nhưng hy vọng sẽ giúp được một phần nhỏ khi cơn bão vừa qua đi. Tôi cũng nhận lại được nhiều tình cảm của bà con, đón chúng tôi rất nồng hậu và ấm áp. Chúng tôi luôn ghi nhớ những tình cảm ấy, và đó cũng tiếp thêm cho chúng tôi để tiếp tục những hoạt động thiện nguyện như thế này".

Tham gia hành trình lần này, anh Nguyễn Tuấn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội xúc tiến hợp tác kinh tế Nhật Bản – Việt Nam đã mang cậu con trai 9 tuổi cùng đồng hành. Anh tâm sự rằng, anh muốn để con thấy được quê hương mình còn nhiều khó khăn, đồng thời để con hiểu hơn tinh thần tương thân tương ái của người Việt. "Trước khi cơn bão đổ bộ Việt Nam, chúng tôi đã nắm được thông tin và đã chuẩn bị tinh thần sẽ làm các chương trình hỗ trợ. Vậy nên chúng tôi đã có những hoạt động ngay và nhanh, tự ứng kinh phí để gửi về khi nhận được những thông tin về thiệt hại đầu tiên. Tiếp sau đó, chúng tôi huy động quyên góp của bà con qua các kênh và các chương trình. Những việc này lan tỏa tình yêu thương, sự quan tâm đến nhau giữa những người đồng bào cùng chung dòng máu Việt. Đặc biệt, nó còn làm cho các thế hệ thứ 2 thứ 3 biết được tình đồng bào, và sẽ duy trì được sự hỗ trợ lẫn nhau trước những khó khăn của cuộc sống".

Các phần quà đoàn đã trao tại Phú Thọ:

- Cộng đồng người Việt Nam vùng Kansai/Nhật Bản cùng Trường Việt ngữ Cây tre: ủng hộ 3 tấn gạo;

- Hội từ thiện Sen Vàng Berlin, CHLB Đức: ủng hộ 60 triệu đồng cho 30 hộ dân.

- Hội Liên lạc với người VN ở nước ngoài: ủng hộ 4.000 cuốn vở, 2.000 cây bút viết;

- Viện ứng dụng Công nghệ & Phát triển giáo dục và Công ty Educhain Việt Nam: ủng hộ 2 tấn gạo và nhu yếu phẩm;

 Các phần quà đoàn đã trao tại Tuyên Quang:

- Trường Việt ngữ Cây tre tặng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn 20 triệu đồng;

- Hội từ thiện Sen Vàng Berlin, CHLB Đức: ủng hộ 60 triệu đồng cho 30 hộ dân;

- Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài tặng đồ dùng học tập cho học sinh trị giá 30.000.000 đồng;

- Hiệp hội Xúc tiến hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, Viện ứng dụng Công nghệ & Phát triển giáo dục và Công ty Educhain Việt Nam tặng 5 tấn gạo;

Nguồn: Viet-bao.de theo Bảo Trang VOV5

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan