KINH TẾ ĐỨC CÓ NGUY CƠ RƠI VÀO SUY THOÁI
Trang baotintuc.vn đưa tin: Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ngày 12/10 thừa nhận nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023 do hậu quả từ những tác động của cuộc chiến kinh tế giữa Nga với phương Tây.
Phát biểu với báo giới tại Berlin, ông Habeck cho biết kinh tế Đức sẽ giảm 0,4% trong năm tới thay vì tăng trưởng 2,5% như dự báo vào mùa Xuân. Trong khi dự báo tăng trưởng năm 2022 cũng được điều chỉnh giảm xuống còn 1,4%, thay vì mức 2,2% theo dự báo trước đó.
Người đứng đầu Bộ Kinh tế Đức lưu ý rằng tình hình có thể còn tội tệ hơn nếu chính phủ quyết định không hành động gì. Chính trị gia thuộc đảng Xanh đã chỉ ra các dự báo đưa ra từ mùa Xuân cho thấy kinh tế có thể suy thoái từ 3-9% trong trường hợp Nga ngừng cung cấp khí đốt. Ông Habeck thừa nhận mức độ nghiêm trọng của tình hình: “Chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, một cuộc khủng hoảng đang dần chuyển thành một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội”.
Ông Habeck cho biết nếu không thông qua gói cứu trợ khí đốt trị giá 200 tỷ euro (tương đương 198 tỷ USD) vừa qua, thiệt hại trong năm 2023 sẽ còn tồi tệ hơn nhiều. Bên cạnh đó, ông Habeck nhấn mạnh với nỗ lực của chính phủ, nguồn năng lượng chiến lược của Đức hiện đã được dự trữ tốt ở mức 95% công suất. Như vậy, tính đến nay, Đức gần như đã đạt được các mục tiêu về tăng dự trữ năng lượng cho mùa Đông.
Theo số liệu thống kê của cơ quan điều phối cơ sở hạ tầng khí đốt của châu Âu (EIG), Đức đã tăng dự trữ khí đốt lên 94,67% tổng công suất, đáp dứng các mục tiêu do Bộ Kinh tế Đức đặt ra, lấp đầy ít nhất 95% công suất trước ngày 1/11.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, với 95% công suất, lượng khí đốt dự trữ nói chung chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu của quốc gia trong 2 tháng mùa Đông lạnh giá nhất. Cơ quan Mạng lưới Liên bang (BNA) đã liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiết kiệm năng lượng để đảm bảo rằng lượng dự trữ vẫn ở mức cao. Theo BNA, ngay cả dự trữ đầy đủ cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trung bình của quốc gia.
Nguồn: Phương Hoa (TTXVN)
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *