KINH TẾ ĐỨC NĂM 2017 ĐẠT TẦM CAO NHẤT KỂ TỪ KHI TÁI THỐNG NHẤT

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
11/01/2018 | 23:28
Chuyên mục: Tin nước Đức
0 bình luận
KINH TẾ ĐỨC NĂM 2017 ĐẠT TẦM CAO NHẤT KỂ TỪ KHI TÁI THỐNG NHẤT

Hôm nay (11.01.2018), các nguồn tin Đức đã đồng loạt công bố các số liệu của Tổng cục Thống kê Liên bang về kinh tế Đức 2017. Năm 2017 kinh tế của CHLB Đức đã tăng trưởng mạnh nhất kể từ 2011.

Tổng sản phẩm quốc nội (Bruttoinlandsprodukt/BIP) đạt mức tăng trưởng ngoạn mục: 2,2 %. Bội thu ngân sách (tức là tổng số thu lớn hơn tổng số chi) của năm 2017 đạt 38,4 tỉ Euro. Đây là con số bội thu ngân sách lớn nhất kể từ lúc tái thống nhất đất nước năm 1990.

Người đứng đầu của tập đoàn Deutschland UniCredit, ông Andreas Rees, cho biết, nền kinh tế Đức đã liên tục đạt được kết quả này đến kết quả khác, mặc dù trải qua các sự kiện bất ổn định như Brexit hoặc các chính sách bất thường của Tổng thống Mỹ Trump. Động lực chính của sự phát triển này là sức tiêu thụ tăng lên, sự bùng nổ trong xuất khẩu và đầu tư của các doanh nghiệp.

Chính phủ Liên bang và các viện nghiên cứu có chung đánh giá năm 2018 cũng sẽ là năm tiếp tục sự phát triển tích cực của 2017. Số lao động có việc làm đạt kỷ lục và mức tăng lương thực sự sẽ thúc đẩy sức mua của người tiêu dùng, trong khi sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới sẽ hứa hẹn môi trường thuận lợi cho ngành xuất khẩu của Đức.

Tuy nhiên, phải nói đến một thực tế là, đối với 17 triệu người đi làm hưởng lương hiện nay, do mức lạm phát cao trong năm qua, túi tiền của họ cũng chẳng tăng được là bao. Theo con số của viện nghiên cứu kinh tế WSI, mức tăng lương trung bình của 2017 là 2,4 %. Nếu trừ đi 1,8 % lạm phát, mức tăng thu nhập thực tế chỉ còn lại 0,6 %. Theo ông Thorsten Schulten, chuyên gia của viện WSI, mức tăng lương trung bình đối với lao động trong khu vực công ích và khách sạn có nhỉnh hơn chút ít, khoảng 2,7 %.

Trong năm nay, ngành xây dựng tiếp tục hưởng lợi từ lãi suất thấp và lượng đầu tư cao. Tuy nhiên, cũng phải tính đến những rủi ro có thể cản trở sự thăng hoa, chẳng hạn, xung đột giữa Triều Tiên và Mỹ, hoặc bùng nổ chiến sự vùng Trung Đông. Ông Stefan Bielmeier, nhà kinh tế hàng đầu của DZ-Bank chia sẻ, nợ công cao của Trung Quốc cũng là mối quan ngại. Riêng trong EU, các cuộc đàm phán về Brexit còn chưa biết đi về đâu, lại còn những xung đột ở Katalonien (Tây Ban Nha) nữa./.

Tin: BTT LH (tổng hợp) (Ảnh bìa: Inernet)

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >