KÝ SỰ THÁNG TƯ - NHỮNG NGÀY LỊCH SỬ KHÔNG THỂ NÀO QUÊN.

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
20/04/2023 | 19:45
Chuyên mục: Văn thơ
0 bình luận
KÝ SỰ THÁNG TƯ - NHỮNG NGÀY LỊCH SỬ KHÔNG THỂ NÀO QUÊN.

Những ngày mùa xuân năm 1975 là những ngày lịch sử không thể nào quên.

Lúc đó tôi vào tuổi 20, đang là sinh viên của trường đại học Minh Đức và Văn Khoa Sài Gòn. Vô tình là nhân chứng nhỏ bé của một thời lịch sử. Ký sự tháng Tư là những hồi ức về những tháng ngày này, xin được giới thiệu cùng bạn bè.

1.

Sau hiệp định Paris 1973, con đường hòa bình cho dân tộc không như kỳ vọng của nhân dân ta. Nó vẫn mịt mờ như khói sương.
Thỉnh thoảng vào cuối tuần, trên đường Lê Lợi Sài Gòn, xuấy hiện một số xe có sơn trên nắp cappo hay hai bên xe số 4, tượng trưng cho lực lượng quân sự 4 bên.

Nhiều phong trào đấu tranh công khai cho hòa bình đã xuất hiện trở lại.

Các khẩu hiệu như  "Yankee go home " đã được thay thế bằng những cánh chim hòa bình. Thỉnh thoảng chúng tôi  thấy một số nhà sư và bà Ngô Bá Thành  biểu tình ngồi trước "hạ nghị viện"

2.

Những ngày đầu năm 1975, tôi vẫn hàng ngày đi trên đường Thống Nhất để đến trường đại học văn khoa Sài Gòn. Thống Nhất chính là nỗi mong chờ của hàng triệu người Việt ở cả hai miền. Sau này khi ra miền Bắc học tôi thấy từ Thống Nhất được sử dụng ở nhiều nơi : xe đạp Thống Nhất, công viên Thống Nhất, nông trường Thống Nhất...

Tuy nhiên, hai từ đó lúc đấy xa vời vợi. Sinh viên chúng tôi bị đè nặng bởi sự lo lắng vì lệnh giảm tuổi được "hoãn dịch". Một số anh em ra bưng,số khác phải về quê tránh bị ra quân trường.

"Giã từ em yêu
Khung trời đại học
Con đường Duy Tân
Cây dài bóng mát"

(Phạm Duy)

Những ca từ của Phạm Duy không mang tính thơ mộng mà là nỗi ám ảnh của thanh niên thế hệ chúng tôi, thế hệ "hát trên những xác người".

Những thông tin về sự "thất thủ" của Ban Mê Thuột vào ngày 11.03.1975 dù chính quyền Sài Gòn cố bưng bít nó. Một ký giả Pháp bị bắn chết ngay tại sân Nha cảnh sát Sài Gòn khi ông bị triệu tập đến để yêu cầu không đưa tin về Ban Mê Thuột nhưng ông đã từ chối... Tất cả những đồn đoán và cuối cùng là sự bùng nỗ nhiều thông tin bi đát của chính  quyền Sài Gòn.

Theo nhiều nguồn tin, người Mỹ đã cho nhân viên bản xứ làm việc cho họ hoặc dính líu đến họ làm các thủ tục lãnh sự để di tản khỏi Sài Gòn. Sài Gòn náo loạn.

3.

Sau thất bại Ban Mê Thuột, dựa trên thực lực và tiềm năng,  Nguyễn Văn Thiệu quyết định rút quân khỏi Tây Nguyên về miền duyên hải Phan Thiết để tập trung lực lượng phòng vệ Sài Gòn từ xa và tìm cách tái chiếm lại Tây Nguyên với tên gọi mỹ miều " tái phối trí".

Ở đây cũng cần chú ý 3 điều :

1. Các đơn vị quân đội Sài Gòn thường không đủ quân số. Nhiều lính ma. Lính ma : Số lính này có biên chế nhưng không tham chiến, ở nhà, lương thì các cấp chỉ huy chia nhau. Hồi đó báo chí Sài Gòn có chuyện các" phu nhân" của các quan chức quân đội chơi xì phé thường tố "tao tố một thằng binh nhì" hay "tao tố một thằng trung sĩ" (tức lương tháng của một binh nhì hay lương tháng của một trung sĩ).

2. Hai năm sau hiệp định Paris, viện trợ Mỹ liên tục giảm nên quân đội Sài Gòn thiếu thốn nhiều mặt. Lực lượng quân sự đó không đủ để dàn trãi cả " 4 vùng chiến thuật". 

3. Quân đội Sài Gòn vốn dựa vào hỏa lực Mỹ từ địa pháo  đến hải pháo, phi pháo nhưng nay điều đó không còn nữa, tạo một lỗ hỗng lớn, không bù đắp được.

Thất bại cuối cùng của chính phủ Sài Gòn đã bắt đầu lộ diện.

Dân Đà Lạt, Tây nguyên đổ về Sài Gòn. Sài Gòn. Cái thành phố mà một nhà báo phương Tây khi vừa đặt chân đến đã kêu lên : yên bình một cách kỳ lạ trong cuộc chiến tranh Việt Mỹ khốc liệt, bây giờ không còn yên tĩnh.

4.

Nhân dân Sài Gòn chờ đợi ngày thống nhất nhưng không ít người hoang mang và lo lắng lẫn lộn với hy vọng. Người Sài Gòn lo lắng vì không biết một tương lai khi mà "những người CS" chiến thắng. Hy vọng vì một nền hòa bình và thống nhất đang ló dạng bởi chiến tranh đã kéo dài quá lâu, dân tộc chúng ta đã oằn mình chịu đựng những đau khổ tưởng chừng không thể chịu đựng hơn.

Trong cuộc chiến tranh Việt Mỹ, trong mỗi gia đình Việt Nam đều có những vết thương nhất định. Có thể nói hòa bình và thống nhất đất nước là ước mơ sâu thẳm của mỗi người Việt Nam dù ở phía bên này hay phía bên kia.

Chúng ta có thể thấy rất rõ âm mưu của người Mỹ trong việc chia cắt lâu dài đất nước chúng ta. Chiến phí giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Việt Pháp là của người Mỹ. 80% là số liệu chiến thắng của Miền Bắc đã được dự đoán nếu có tổng tuyển cử giữa hai miền... Tất cả những điều gây trở ngại cho việc thống nhất đất nước trong hòa bình theo đề nghị của VNDCCH đều được bên chống phá tung ra.

Cơ hội thống nhất đất nước trong hòa bình sau hiệp định Geneve đã bị bỏ qua.

Sau này, chúng tôi đã tìm thấy một tài liệu cho thấy những chuẩn bị của chính phủ VNDCCH về đấu tranh thống nhất đất nước bằng phương pháp hòa bình.

Một người trong đại gia đình chúng tôi đã được cử ở lại Miền Nam với nhiệm vụ : đấu tranh hợp pháp cho thống nhất đất nước, tổ chức giao thương hai miền Nam Bắc, trước mắt là khu 5 với miền Bắc khi có điều kiện. Ông là 1 trong 5 người (trong đó có ông Mười Hương) đã từng đối thoại với Ngô Đình Nhu tại Huế năm 1959.

Trước khi bị địch thủ tiêu ông có viết tường trình về vấn đề này : đề nghị Ngô Đình Nhu thực hiện thống nhất. Theo Ngô Đình Nhu, CQ Ngô Đình Diệm đã cử người liên lạc với MB để bàn về vấn đề thống nhất. Nhưng cũng theo Ngô Đình Nhu vấn đề thống nhất đất nước không phải do Miền Nam hay Miền Bắc mà do Nga và Mỹ. Đây là một vấn đề lịch sử, hy vọng sau này sẽ được giải mã. 

Cũng theo tài liệu này, từ năm 1958, ông đã cảnh báo cho Ngô Đình Nhu về một khả năng chiến tranh có thể xảy ra mà sẽ xảy ra ở Miền Nam với những tàn khốc và đau khổ. Tuy nhiên, Ngô Đình Nhu đã phớt lờ.

Cuối cùng, dự đoán đó đã trở thành sự thật, một cuộc chiến tranh cách mạng đã nổ ra vì mục tiêu thống nhất và giải phóng đất nước.

5.

Phòng tuyến Phan Thiết đã không thể thiết lập như ý muốn của Nguyễn Văn Thiệu.

Tiếp đó là các tỉnh miền Trung bị "mất liên lạc" rồi "thất thủ", như bản tin thời sự của Đài phát thanh Sài Gòn cũng như các đài phát thanh nước ngoài liên tục đưa tin.

Dân chúng Miền Trung theo chân Tây nguyên đổ xô về Sài Gòn càng làm Sài Gòn thêm hỗn loạn. Nhiều người cố chạy một chỗ cho gia đình trong số di tản của người Mỹ.

Sinh viên các tỉnh Tây nguyên và miền Trung về Sài Gòn học hết sức lo lắng. Trước hết là không có khoản trợ cấp tài chính.
Các trường đại học tư thục như Vạn Hạnh, Minh Đức, Lasan... đều có trợ cấp cho sinh viên. Số lượng sinh viên ăn bữa trưa theo kiểu "demi" ở đại học Vạn Hạnh tăng lên và nhà ăn cũng ngầm bỏ qua.

Tôi xin kể lại chuyện vui sinh viên ăn theo kiểu "demi" ở quán ăn trưa đại học Vạn Hạnh:

Năm 1974 tôi ghi danh học thêm chứng chỉ Lịch sử Phật giáo ở trường đại học Vạn Hạnh. Nhờ đó tôi có thẻ sinh viên của nhà trường và cũng nhờ thẻ sv này mà tôi thường cùng Lương Anh Tuấn ăn trưa ở đây. 

Quán cơm sinh viên của trường đại học Vạn Hạnh rất khang trang, được tài trợ một phần bởi một tổ chức thiện nguyện. Vì vậy, bữa ăn trưa rẻ nhưng khá tươm tất. Mỗi suất ăn gồm 1 khay đựng thức ăn và một đĩa đựng cơm. Thức ăn có định lượng sẵn nhưng cơm được lấy tự do. Sinh viên tiết kiệm nên có khi 2 người mua một suất ăn để ăn chung. Chủ quán thấy thế không đồng ý và quy định, mỗi khay đồ ăn chỉ được một người ăn. Sinh viên bèn nghĩ ra cách ăn "demi", nghĩa là ăn một nửa. Sinh viên ăn trước chỉ được ăn một nửa khay đồ ăn và đứng dậy đi lấy thêm cơm, người thứ hai sẽ lấy cơm và đến ngồi ăn tiếp.

Chuyện thời sinh viên nhớ lại kể thêm cho vui.

6.

Vào buổi sáng ngày 08.04.1975, sức ép của máy bay lao xuống cắt bom và những tiếng bom nổ rung chuyển  Sài Gòn. Nhiều cửa kính của đại học luật khoa Sài Gòn vỡ toang.

Ban đầu người Sài Gòn nghĩ là máy bay MIG tấn công hoặc tướng Nguyễn Cao Kỳ làm đảo chính. Nhưng đến chiều thì đã có tin tức: một phi công Sài Gòn "phản chiến" ném bom Dinh độc lập và bay về Phước Long.

Mấy ngày sau đi ngang qua Dinh độc lập đã thấy một số khẩu "cao xạ" được bố trí chung quanh sân.

Sài Gòn sẽ bị tấn công không còn là một điều xa vời. Chiến tranh hai mươi năm sắp kết thúc ngay trận chiến cuối cùng tại Sài Gòn. Nhiều người đã nghĩ vậy và cũng rất lo sợ Sài Gòn sẽ tan tành dưới  bom đạn. Sài Gòn giới nghiêm. Buổi tối không được ra đường.

Những ngày này tại " Dinh hoa lan", tư gia của viên tướng về hưu Dương Văn Minh (thường được gọi là Big Minh), ra vào nhiều nhân vật được cho là lực lượng thứ ba như Lý Quý Chung, nhiều nhà báo, nhà chính trị. Người ta hy vọng về một giải pháp hòa bình để cứu vãn sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn khi nhân vật Dương Văn Minh thay thế Nguyễn Văn Thiệu.

Liệu điều đó có thể xảy ra hay không. Bây giờ qua lịch sử nhìn nhận lại, đó là điều không tưởng. Mục đích cuộc chiến tranh "Việt Pháp" đến "Việt Mỹ" của những người cách mạng là giải phóng đất nước. Mục đích đó phải được đi đến cùng. Theo học giả Hoàng Xuân Hãn, đây là cuộc chiến tranh giải phóng thứ hai của dân tộc (sau cuộc kháng chiến chống quân Minh). Nếu có ai đó nghi ngờ về điều này vì bất cứ một lý do nào thì lịch sử cũng sẽ trả lời một cách sòng phẳng. Không thể đánh tráo khái niệm.

Mọi hiệp ước, giải pháp đều dựa trên thế và lực. Để có thế và lực, nhân dân Việt Nam đã đổ biết bao xương máu, bao nhiêu gia đình ly tán... Nhiều người yêu nước Việt Nam đã hy sinh và tận lực cho thế và lực đó.

7.

Sau các chủ trương " tái phối trí", " di tản chiến thuật"..., quân đội Sài Gòn hầu như suy sụp. Nguyễn Văn Thiệu thiết lập một phòng tuyến mới : phòng tuyến Xuân Lộc. Đây là ngã ba lên Tây nguyên, xuống Vũng Tàu và theo quốc lộ 1 ra miền Trung hoặc về Sài Gòn.

Thiết lập phòng tuyến này, chính quyền Sài Gòn muốn tạo một vành đai để bảo vệ những phần đất còn lại, mặt khác hy vọng kéo dài thời gian để chờ ngoại viện Mỹ và đàm phán tìm một giải pháp liên hiệp.

Vì vậy, chúng đã huy động một lực lượng lớn với quyết tâm cao, được tuyên truyền rùm beng như " tử thủ Xuân Lộc"... Ở Xuân Lộc, thậm chí chúng đã thả 2 quả bom nhiệt áp CBU - 55 và cả bom địa chấn BLU nặng gần 7 tấn. Đây là những loại vũ khí phi hạt nhân tàn bạo nhất trong kho vũ khí của Mỹ, đã bị cấm sử dụng.

Tuy nhiên, với sức tiến công mạnh mẽ và cách đánh hiệu quả, phòng tuyến Xuân Lộc bị xóa sổ.

Nhân dân Sài Gòn đã không còn một ý nghĩ nào về cuộc chiến sẽ đi đến đâu mà chỉ còn suy nghĩ, đến thời điểm nào cách mạng sẽ chiến thắng.

Đồng bào ở khu vực Bảy Hiền, một trong những khu vực cửa ngõ Sài Gòn, tập trung đông đảo bà con hai tỉnh Nam Ngãi, thường làm nghề dệt vải, đã bắt đầu dệt các loại vải đỏ, vàng và xanh, chuẩn bị để may cờ CM. Đó chính là cơ sở để hàng trăm ngàn lá cờ đã được tung bay trong ngày chiến thắng.

Vào những ngày giữa tháng Tư, nhiều tin đồn về sự từ chức tổng thống của Nguyễn Văn Thiệu để chuyển quyền lãnh đạo cho Dương Văn Minh, dự kiến vào ngày 20.04.1975. Điều đó đã trở thành sự thật. Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức lúc 20h00 ngày 21.04.1975 sau khi mọi cố gắng về quân sự và ngoại giao bất thành. Nhưng người kế nhiệm không phải là Dương Văn Minh mà là Trần Văn Hương, đang là phó tổng thống.

Buổi từ chức của Nguyễn Văn Thiệu được truyền hình trực tiếp. Ông ta đã có một bài diễn văn dài, đẫm nước mắt. Trong diễn văn chủ yếu than vãn về viện trợ Mỹ không đủ, bộc lộ hết sức rõ sự phụ thuộc vào người Mỹ. Trong đó tôi còn nhớ đại khái như: người Mỹ đưa cho tôi 700 triệu dollars mà bảo tôi chiến thắng Cộng Sản chẳng khác nào đưa cho tôi 10 dollars mà bảo sang Mỹ ở khác sạn ba bốn sao, ăn một ngày ba bốn miếng bít tếch.

Ngày 23.04.1975, tổng thống Mỹ Gerald Ford, bên kia bờ đại dương, tuyên bố: "cuộc chiến tại Việt Nam đã chấm dứt đối với người Mỹ".

Song song với tuyên bố đó của Ford, người Mỹ ở Sài Gòn đã lên phương án di tản cuối cùng tại 11 địa điểm, trong đó có việc đốn hạ cây cổ thụ trong khuôn viên Đại sứ quán Mỹ để không vướng sự lên xuống khẩn cấp của trực thăng.

Người Mỹ đã thua cuộc ở Việt Nam.

Phải khẳng định như vậy. Bằng sự quả cảm, nhân dân Việt Nam đã đập tan chiến tranh xâm lược của Mỹ.

Không thể nói khác được, không thể thay đổi bất cứ cách gọi nào khác cho cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ và cuộc chiến chống xâm lược, giải phóng đất nước thần thánh của dân tộc ta từ chống Pháp đến chống Mỹ. 

Những bằng chứng hùng hồn cho khẳng định trên đây:

* 500.000 quân Mỹ,  Canada, quân đội của các nước thuộc khối quân sự Đông Nam Á lúc đó như Úc, Tân Tây Lan, Thái Lan, đặc biệt là quân đội Đại Hàn, từng gây những tội ác hết sức dã man lên nhân dân ta.

* Không từ bất cứ một thủ đoạn nào từ sử dụng chất độc da cam đến bom napal,  từ súng đạn trên mặt đất đến hải quân, không quân.
* Sân bay, hải cảng, các căn cứ quân sự trong khu vực từ Thái Lan đến Philippin... đều đã được sử dụng cho mục đích chiến tranh ở Việt Nam.
* Phong tỏa vùng biển miền Bắc bằng mìn, ném bom hủy diệt bằng B52
* Bằng những cuộc viếng thăm các đồng minh của chúng ta như Liên Xô, Trung Quốc của tổng thống Mỹ Nixon để tác động lên cuộc chiến.
.......

Những tội ác, hành động tổng lực đó cho thấy quyết tâm nô dịch dân tộc ta của người Mỹ.

8.

Đồng minh phản bội. Những quan chức cũ của chính quyền Sài Gòn đã nghĩ như vậy về người Mỹ. Người Mỹ có thực sự là đồng minh phản bội hay không.

Người Mỹ không phản bội. Họ chưa bao giờ là đồng minh của chính quyền Sài Gòn. Ngay từ thời cổ, người Trung Hoa muốn xâm chiếm nước ta đã mượn cớ  mượn đường đi đánh Chiêm Thành. Đồng minh để bảo vệ thế giới tự do thực chất chỉ là một thứ bánh vẽ như cái lá nho được dùng để che đậy bộ phận sinh dục đàn ông trong những bức tranh cổ đại. Khi thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, người Mỹ tháo chạy. Đơn giản chỉ như vậy.

Cầu không vận được người Mỹ thiết lập để di tản từ Sài Gòn càng nhộn nhịp bao nhiêu thì ngày sụp đổ của chính quyền Sài Gòn càng gần bấy nhiêu.

Những ngày cuối cùng của tháng Tư năm 1975, Sài Gòn như chùng xuống. Mỗi người trong cái thành phố 2 triệu dân đó đều có những nỗi lo toan nhất định. Số phận của Sài Gòn chứng minh những tuyên bố dối trá và lừa bịp của những chính trị gia chóp bu.

Trong lúc Nguyễn Văn Thiệu an tâm ở Đài Loan với 17 vali hành lý thì "ông già gân" Trần Văn Hương đã vội vã bàn giao chức Tổng thống lại cho tướng Dương Văn Minh sau một tuần nhậm chức.

Ngày 28.04.1975, viên tướng hồi hưu Dương Văn Minh với vóc người to lớn nên thường được gọi là Big Minh, đã trở thành Tổng thống thứ tư của chế độ VNCH.

Trớ trêu thay, chức vụ tổng thống đó của Dương Văn Minh không làm cho ông ta trở thành nổi tiếng bằng tuyên bố đầu hàng của chính mình.

Ngày 28.04.1975, ngay sau khi nhậm chức, Dương Văn Minh đã yêu cầu người Mỹ rút khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ và yêu cầu binh sĩ hạ vũ khí để tránh đổ máu, chờ bàn giao chính quyền.

Người Mỹ đã tháo chạy cùng với những nhân viên từng cộng tác với mình theo phương án 2, trên nóc nhà của 11 địa điểm bằng trực thăng vì trước đó đường băng sân bayTân Sơn Nhất đã bị đạn pháo và máy bay dội bom phá hỏng.

Dương Văn Minh đã được một số người đánh giá  là đã cứu vãn Sài Gòn không bị đổ nát.

Dương Văn Minh phải chăng là người đã đứng ra để nhận lãnh "trách nhiệm" lịch sử đó. Huyền thoại thường được đặt ra trong những khoảnh khắc nhất định. Thực chất tướng Dương Văn Minh có đầu hàng hay không thì Sài Gòn vẫn nguyên vẹn. Để giữ cho Sài Gòn nguyên vẹn chính là máu của các chiến sĩ đã đổ trên khắp các chiến trường để làm nhanh chóng sụp đổ hệ thống phản kích. Và chắc chắn trong thời điểm này các anh sẽ có cách đánh thích hợp để bảo vệ Sài Gòn.

Tôi cho rằng tướng Dương Văn Minh chi là người thức tỉnh muon mang. Đã từ rất lâu ông vẫn nuôi dưỡng cái khát vọng quyền lực đó. Nhưng khi có nó trong tay, ông ta đã thức tỉnh bởi tình thế không thể cứu vãn, cho dù lúc đó viên tướng tình báo Pháp Vanuxem có những gợi ý đi đêm với người Trung Quốc. Và cũng giống như Bảo Đại, từ đó tướng Big Minh đã có những câu trả lời "huyền thoại" trong những cuộc phỏng vấn về sau.

9.

Đêm 29.04.1975 là một đêm thật đặc biệt. Nhân dân Sài Gòn chờ đợi một ngày mai không giống bất cứ một ngày mai nào trong quá khứ, một ngày mai của chờ đợi, một ngày mai của hy vọng hay một ngày mai của những bất ngờ khó đoán.

Đặc biệt trong các ngõ hẻm và trên các con đường ở  Sài Gòn, bà con đã chuyền tay nhau những lá cờ 2 màu xanh đỏ hay một màu đỏ với ngôi sao vàng ở giữa với một giá thật rẻ hoặc tặng không.

Sáng ngày 30.04.2022, trên đài phát thanh Sài Gòn liên tục phát đi lời kêu gọi binh sĩ ngưng bắn để đến trưa hôm đó đã phát đi tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh.

Quần áo, vật dụng và những đồ vật liên quan đến quân đội Sài Gòn bị ném ngập tràn đường phố. Cờ đỏ hoặc nửa xanh nửa đỏ treo kín mọi nẻo đường.

Hầu như toàn bộ dân Sài Gòn đổ xô ra các ngã  dẫn về trung tâm để chào đón đoàn quân chiến thắng. Những ai chưa bao giờ tiếp xúc với cách mạng đã thật sự ngỡ ngàng trước vẻ trẻ trung, thư sinh, hiền lành và dễ mến của các anh bộ đội trong những bộ quần áo còn nguyên nếp gấp.

Lúc đầu còn ngượng ngùng nhưng nhiều cánh tay vẫy đã giơ lên để rồi tràn ngập trong rừng tay và chào đón. Thỉnh thoảng, một vài người lính Sài Gòn cởi trần cũng giơ tay vẫy.

Các chiến sĩ của chúng ta đã tỏ rõ bản lĩnh và kỷ luật của một đội quân cách mạng.

Ấn tượng đó chắc chắn sẽ không bao giờ phai mờ trong lòng nhân dân Sài Gòn.

Điều đó thể hiện đúng bản chất của những người yêu nước Việt Nam ra đi chống xâm lược, giải phóng đất nước.

10.

Buổi trưa ngày 30 tháng 04, trên nóc dinh độc lập đã phất phới ngọn cờ giải phóng.

Một số binh lính Sài Gòn được gom lại ngồi chung quanh bồn hoa giữa sân. Một số xe tăng đậu trong sân nhưng một số vẫn đậu trên lề đường.

Nhân dân các ngã đã bắt đầu dồn về trung tâm. Bà con ở các vùng ven Sài Gòn cũng bằng các phương tiện với biểu ngữ mừng ngày toàn thắng đã tràn ngập.

Mục tiêu thống nhất đất nước đã toàn vẹn. Điều mà ai cũng thấy rõ. Đặc biệt hòa bình đã trở về trên quê hương.

Đánh giá một sự kiện lịch sử cần nhìn toàn cục. Chia để trị vốn dĩ là một chủ trương từ xưa đến nay của chủ nghĩa thực dân. Đất nước ta đã từng bị Pháp chia làm 3 nước: Tonkin, Annamit và Cochinchin. Hiệp định Geneve về thống nhất đã bị chính quyền Ngô Đình Diệm chối bỏ dưới áp lực và hậu thuẫn của người Mỹ. Họ muốn duy trì và chia rẻ đất nước chúng ta thành 2 quốc gia. Nhưng độc lập và thống nhất là những mục tiêu tối thượng.

Như tôi đã viết ở trên, một người trong đại gia đình của chúng tôi khi được chính phủ cử ở lại miền Nam để đấu tranh thống nhất nước nhà, đã nói thẳng với Ngô Đình Nhu từ năm 1958, nếu không thống nhất nước nhà bằng con đường hòa bình thì chiến tranh chắc chắn sẽ xảy ra mà sẽ xảy ra ở Miền Nam (tài liệu lưu trữ tại Ty công an tỉnh Quảng Ngãi).

Hai mươi năm ròng rã, sau hiệp định Geneve, chúng ta đã phải thực hiện cuộc chiến tranh giải phóng thực sự căm go và anh hùng. Hơn nửa triệu quân Mỹ và chư hầu cùng hàng chục lãnh thổ và quốc gia cũng như nhiều phương tiện chiến tranh đã được huy động để chống lại cuộc chiến tranh giải phóng này.

Nhưng cuối cùng chúng ta đã chiến thắng. Đất nước đã được giải phóng. Không thể vì bất cứ một lý do nào để đánh tráo khái niệm.

Sau này, nhiều  người thường nhắc đến câu nói của tướng Trần Văn Trà, lúc đó là chủ tịch ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn, với "phía bên kia": trong chúng ta không có ai là người thắng kẻ bại, chỉ có nhân dân Việt Nam là người chiến thắng.

Tôi tin câu nói đó của ông, một vị tướng đã đi qua 2 cuộc kháng chiến. Đây chính là ý nghĩa và sự thật lịch sử.

11.

Ngày 01.05.1975, bác Nguyễn Thanh Địch, một người họ hàng ở Vinh Hiển đi tập kết và đã đến Sài Gòn trong đoàn nhà báo (lúc đó bác là phó tổng biên tập báo ảnh Việt Nam) đến tìm tôi nhưng không gặp. Bác nhắn tôi đến gặp bác tại trụ sở Việt Tấn Xã.

Tối đó tôi đến tìm bác. Trụ sở Việt Tấn Xã lúc đó ngổn ngang và bừa bãi. Giấy tờ bị đốt cháy dở dang từ cổng vào đến thềm. Bác đã mang tin tức gia đình tôi và của bố tôi từ Hà Nội. Lòng tôi tự nhiên thấy chùng xuống. Niềm vui và hạnh phúc đến lớn quá. Niềm vui và hạnh phúc tưởng chừng không bao giờ có được, bỗng chốc trở về nhanh quá làm tê nhòa mọi xúc động.

Thực sự là như vậy. Tôi không biết diễn tả như thế nào những cảm xúc lúc đó. Tôi quyết định nhanh chóng trở về Quảng Ngãi để cùng với mẹ đón chờ sự sum họp.

Sau một đêm và một ngày tôi đã về đến Quảng Ngãi. Tôi đến nhà thì bố tôi cũng vừa về từ Hà Nội và đang được cấp cứu do bị ngất vì quá xúc động.

Ngay ngày hôm sau tôi và mẹ  cùng với bố tôi lại tiếp tục vào Sài Gòn vì bố tôi đang cùng đoàn công tác của tổng cục địa chất do bác Lê Văn Đức, một du kích Ba Tơ, tổng cục phó làm trưởng đoàn vào tiếp quản tổng cuộc dầu hỏa.

Buổi sáng chúng tôi chỉ kịp ghé về quê thăm họ hàng rồi qua nhà chú Trần Đức Lương, cũng trong đoàn công tác để cùng đi.

Trên xe có gia đình tôi, chú Võ Công Nghiệp và một chú ở văn phòng Tổng cục.

Tối đó đoàn ngủ trong một trường học ở Tuy Hòa. Trưa hôm sau đến Phan Thiết với bữa trưa thật ngon miệng chỉ với 1 đồng cho một người.
Chiều tối đoàn đã đến trước dinh độc lập để chờ phân bổ về nơi nghỉ.

Đứng trước Dinh độc lập lúc đó trong đoàn là những người con miền Nam tập kết ra Bắc như bác Lê Văn Đức, bố tôi, các chú Võ Công Nghiệp, Trần Đức Lương, Nguyễn Văn Sớm, Nguyễn Văn An. Hình như chỉ duy nhất anh Võ Hồng Phúc người Miền Bắc.

Con đường Thống Nhất  là con đường dẫn đến Dinh độc lập khá đẹp, được quy hoạch theo kiểu Châu Âu với hai bên đường là những tòa công sở như Đại sứ quán Mỹ, văn phòng công ty Shell, Esso... những bãi cỏ và hàng cây cắt tỉa thật gọn gàng và đẹp mắt.

Lúc đó đứng trước vườn hoa Dinh độc lập, một bên là văn phòng hãng xe Citroen, một bên là nhà thờ Đức bà, các bác các chú đã so sánh Sài Gòn với Bucarest, Budapest và hy vọng cho một ngày mai thật tươi sáng trong sự nghiệp xây dựng lại quê hương.

Chú Nguyễn Văn Sớm mời mọi người thuốc lá Sapa (bản thân chú thì hút Tam Đảo). Mọi người lúc đó rất cởi mở và thân thiện. Thậm chí anh Võ Hồng Phúc còn cao hứng đọc mấy bài thơ bị cấm ở Miền Bắc và trao đổi văn thơ với mấy người bạn học cùng văn khoa với tôi.

Tối đó đoàn được bố trí về nghỉ trong một ngôi nhà bỏ trống và hôm sau  đến ở tại khách sạn Cotinental và sau đó thì về ở tại một biệt thự ở ngã tư Kỳ Đồng và Nguyễn Thông.

Lúc ở khách sạn Continental tôi được bố trí ở cùng phòng với chú Võ Công Nghiệp. Trong thời gian này tôi cũng giới thiệu một số tập san Sử Địa viết về Hoàng Sa. Chú Võ Công Nghiệp là một người dễ gần gũi và rất uyên bác, là một nhà khoa học với hoài bão lớn lao phát triển nguồn địa nhiệt.

Những ngày ở Sài Gòn của đoàn là những ngày tìm hiểu và sưu tầm tài liệu về tài nguyên của đất nước. Ngoài ra các chú các bác cũng dành nhiều thời gian để thăm họ hàng bạn bè cũ. Những niềm tin và hy vọng nẩy nở ở nhiều người.

Bố tôi đã đến thăm một người bạn, ông là chú họ của mẹ tôi, trong những năm chia cách, ông là một địa chỉ chuyển thư từ của gia đình tôi từ miền Bắc sang Paris về Sài Gòn và ngược lại. Lúc đó, ông là tổng giám đốc tổng công ty kiến tạo Phương Nam. Bố tôi hỏi tại sao ông không đi. Ông đã trả lời: Tại sao tao lại phải đi. Ngày xưa, thời Việt Minh ở xó rừng tao còn sống được huống hồ bây giờ giữa Sài Gòn.

Khung cảnh đó, thời điểm đó đã tác động đến đâu đến các bác các chú trong đoàn. Quả thật sau này, các bác các chú đều giữ những trọng trách trong chính quyền cũng như trong chuyên môn của thời kỳ đổi mới.

Dấu ấn của những ngày này thật sự tác động rất lớn lao đến từng người. Có thể vì thế mà sau này nhạc sĩ Văn Cao đã sáng tác "Mùa xuân đầu tiên".

Cũng rất vui, sau này các bác các chú đều nhớ đến tôi và có thể vì câu chuyện văn chương đó mà 47 năm đã trôi qua, anh Võ Hồng Phúc, sau 2 nhiệm kỳ bộ trưởng vẫn nhận ra tôi trên facebook.

CHLB Đức, 12.05.2022
Nguyễn Thiện Tường

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan