LÃNH ĐẠO ĐỨC-THỔ NHĨ KỲ THÚC ĐẨY HỢP TÁC SÂU RỘNG VỀ AN NINH
Chuyến thăm Đức kéo dài ba ngày 27-29/9 của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự hàn gắn trong mối quan hệ song phương vốn khá tốt đẹp nhưng đã rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng hơn hai năm qua giữa hai quốc gia từng là đồng minh thân thiết trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Căng thẳng giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ bùng phát từ khi Quốc hội Đức thông qua nghị quyết hồi tháng 6/2016, cho rằng cuộc thảm sát hơn 1,5 triệu người Armenia dưới thời Đế chế Ottoman, tiền thân của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, vào năm 1915 là tội ác diệt chủng.
Cuộc đảo chính quân sự bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2016 như "đổ thêm dầu vào lửa," khiến bất đồng giữa hai nước thêm trầm trọng.
Ankara chỉ trích thái độ của Berlin đối với các lực lượng liên quan đến giáo sỹ Fethullah Gülen, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau vụ đảo chính, cũng như các tổ chức khác mà nước này liệt vào danh sách khủng bố, trong khi Đức phản đối mạnh mẽ biện pháp Thổ Nhĩ Kỳ xử lý vụ đảo chính, đặc biệt là các đợt mạnh tay trấn áp và bắt giữ sau đó.
Hàng loạt hành động "ăn miếng, trả miếng" giữa hai nước đã khiến căng thẳng không ngừng leo thang, đến độ Berlin ngăn cản hàng loạt quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tới Đức để vận động cộng đồng người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, hiện khoảng hơn 4 triệu, ủng hộ sửa đổi Hiến pháp trong cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 4/2017.
Đáp lại, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng kêu gọi cử tri gốc Thổ ở Đức không bỏ phiếu cho đảng của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc bầu cử quốc hội liên bang ở Đức cách đây một năm.
Thực chất của mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước thời gian qua chính là bất đồng giữa chính quyền Đức với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều vấn đề. Không chỉ là cách nhìn nhận trái ngược về những vấn đề lịch sử hay sự khác biệt lớn về một số vấn đề chính trị, mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đức còn bắt nguồn từ sự nghi kỵ lẫn nhau.
Thổ Nhĩ Kỳ luôn cho rằng Berlin và các nước phương Tây "ngầm hậu thuẫn" cho các nhóm tiến hành cuộc đảo chính bất thành chống Tổng thống Erdogan, còn Đức chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ trì hoãn thực hiện các thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) giải quyết vấn đề người tị nạn để gây sức ép, làm con bài "mặc cả" trong vấn đề gia nhập EU.
Chỉ đến đầu năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ mới bắt đầu có những động thái xoa dịu tình hình, điển hình là việc Ankara thả một số nhân vật người Đức gốc Thổ bị bắt trước đó.
Cùng thời điểm đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binaili Yildirim đã đến Đức, khởi động tiến trình "phá băng" mối quan hệ giữa hai nước. Trong khi đó, phía Đức cũng để ngỏ cánh cửa sẵn sàng cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan sau cuộc hội đàm chiều 28/9, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố Berlin và Ankara có thể tăng cường hợp tác trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau vì "lợi ích chiến lược chung."
Hàn gắn mối quan hệ giữa hai đồng minh trở thành nhu cầu cấp thiết đối với cả Đức lẫn Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh cả hai đang phải giải quyết nhiều thách thức.
Việc cải thiện quan hệ hai nước mang lại những lợi ích thực tế trên nhiều khía cạnh. Với vị trí địa chính trị chiến lược, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một một đối tác quan trọng của Đức nói riêng và EU nói chung trong hàng loạt vấn đề mà châu Âu đang đối mặt, từ khủng hoảng người di cư tới mối đe dọa khủng bố...
Cùng lúc, Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn gây dựng lại quan hệ với các đối tác truyền thống khi nước này có nguy cơ rơi vào khủng hoảng kinh tế và quan hệ giữa Ankara với Mỹ đang ngày một xấu đi.
Yếu tố giúp Berlin và Ankara xích lại gần nhau hơn có lẽ bắt nguồn từ việc hai nhà lãnh đạo Đức và Thổ Nhĩ Kỳ cùng lên tiếng phản đối chính sách thương mại hiện hành của Mỹ.
Cả hai cùng chia sẻ quan điểm rằng chủ nghĩa bảo hộ thương mại là nguy cơ lớn đe dọa an ninh toàn cầu, bởi Đức và Thổ Nhĩ Kỳ cùng đang hứng chịu những hậu quả kinh tế do các biện pháp siết chặt thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong một chừng mực nào đó, Đức đang nắm trong tay chiếc "phao cứu sinh" mà Thổ Nhĩ Kỳ cần khi kinh tế nước này đang suy giảm nghiêm trọng.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể tìm thấy ở Đức những nguồn hàng chất lượng cao để thay thế hàng hóa Mỹ, còn Berlin nhận ra ở Ankara một phần thị trường thay thế cho xuất khẩu khi Mỹ thực hiện chính sách bảo hộ mậu dịch
Bất chấp những biến động chính trị xảy ra liên tục trong vài năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một nền kinh tế lớn và tương đối ổn định, góp phần giúp các doanh nghiệp Đức có thể yên tâm đầu tư, làm ăn lâu dài.
Trên thực tế nhân dân hai nước vẫn có sự gắn kết hết sức mật thiết. Tại Đức, người gốc Thổ là cộng đồng người nước ngoài lớn nhất, đóng góp rất đáng kể vào sự phát triển kinh tế và đa dạng văn hóa của nước Đức.
Khi mối quan hệ giữa hai nước được khơi thông, dòng khách du lịch lớn từ Đức lại đổ về Thổ Nhĩ Kỳ, mang lại nguồn thu nhập rất đáng kể, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.
Cái bắt tay của hai nhà lãnh đạo Đức và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thúc đẩy hai nước hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực an ninh, vốn được cả hai bên cùng đặc biệt quan tâm nhưng còn có nhiều bất đồng.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện thỏa thuận ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp với EU đã góp phần giúp Đức, cũng như cả châu Âu, giảm bớt các nguy cơ bị tấn công khủng bố do các phần tử cực đoan trà trộn vào dòng người tị nạn.
Các thỏa thuận về cung cấp, bảo trì và hiện đại hóa vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có dòng xe tăng Leopard do Đức sản xuất, cũng có thể sớm được nối lại.
Hàn gắn quan hệ với Đức cũng đồng nghĩa với việc quan hệ EU/Thổ Nhĩ Kỳ có động lực để cải thiện.
Mối quan hệ với nền kinh tế đầu tàu EU sẽ giúp Ankara tháo gỡ bế tắc trong nhiều vấn đề như đàm phán thỏa thuận đi lại tự do ở EU cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ, cụ thể hóa các thỏa thuận về liên minh thuế quan, cũng như khôi phục các cuộc đàm phán gia nhập EU của nước này.
Một chuyến thăm được chuẩn bị kỹ lưỡng suốt gần một năm qua, được nước chủ nhà đảm bảo an ninh ở mức cao nhất khi huy động hàng chục nghìn cảnh sát và nhân viên an ninh, phong tỏa nhiều khu vực và tuyến đường để đón tiếp Tổng thống Erdogan, đã phần nào khép lại những bất đồng sâu sắc và mở ra một trang mới trong quan hệ Đức và Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặc dù không phải mọi khúc mắc đã được giải tỏa, song rõ ràng Berlin và Ankara đã có những nỗ lực đưa mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Đức vượt qua giai đoạn sóng gió để có thể bắt tay hợp tác./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *