LỊCH SỬ CON ĐƯỜNG ĐI CỦA MỘT BỨC THƯ THỜI CHIẾN - Nguyễn Thiện Tường

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
16/12/2022 | 10:24
Chuyên mục: Văn thơ
0 bình luận
LỊCH SỬ CON ĐƯỜNG ĐI CỦA MỘT BỨC THƯ THỜI CHIẾN - Nguyễn Thiện Tường

Từ những năm 15,16 tuổi, tôi đã mê Maxim Gorki, đã đọc Lew Tolstoi qua bản dịch. Trong tâm hồn mình, tôi ước mơ sẽ có một ngày nào đó đươc đọc "Chiến tranh và hòa bình" của Việt Nam.

Tại một cuộc triển lãm "Những kỷ vật kháng chiến" đã trưng bày một bức thư thời chiến đặc biệt. Đó là bức thư của chú Khương Thế Hưng gửi cho một người bạn (chú Nguyễn Đức Dũng, du kích Vinh Hiển). Trong thư có đoạn viết: "Mọi riêng tư gác lại, mọi nhớ thương tạm dừng, mọi ước mơ chỉ dồn vào ước mơ chân lý: Không có gì quí hơn độc lập tự do".

Biết Dũng trách mình nhiều, xin đành "thương nhau chín bỏ làm mười" - mình chịu lỗi với mọi người (cả với ba mẹ và gia đình mình, với Thùy Trâm thân yêu) - Lòng mình thì vẫn bề bộn nhớ thương mà cuộc đời thì vẫn nối những chuyến ra đi không dứt. Mình vừa bị pháo đè, vậy là ba lần trong năm 68 khói lửa chiến tranh muốn trùm phủ lên mình, vật mình ngã xuống. Nhưng mình vẫn đứng dậy và lại ra đi - mỗi chuyến đi là những trận chiến đấu đêm ngày.

Đành hẹn lại ngày mai, ngày mà nắng hồng tràn ngập từng căn cửa sổ Cẩm Thành...

Điều đặc biệt ở bức thư không chỉ ở nội dung mà ở con đường đi của nó. Bức thư được viết ngày 5/08/69 nhưng không đến tay người nhận.

 Vì người nhận đã bị giết chết, và bức thư được trả về cho người viết.

 Đằng sau bức thư là những giòng chữ viết bằng mực đỏ của người đưa thư: "Hưng ơi! Dũng hy sinh rồi, địch càn vừa rút, Dũng lên công sự, địch càn trở lại gặp trong nhà bắn chết. HL".

Và rồi  người đưa thư cũng hy sinh.

Dòng chữ màu xanh phía dưới do chính người viết ghi: "Và bây giờ thì Hoàng Liên, người viết những dòng trên cũng đã hy sinh vì giặc Mỹ bắn chết-12/69".

Bức thư đươc người viết giữ lai.

Những nhân vật chung quanh bức thư, trừ bác sĩ Đặng Thùy Trâm, còn tất cả đều là những người thân quen của tôi. Tự nhiên, trong sâu thẳm của mình chợt vang lên: "Chiến tranh và hòa bình" của Việt Nam đây rồi.

Quả thật, chung quanh bức thư là những cuộc đời như gia đình chú Nguyễn Đức Dũng ba đời là du kích (nhiều người là liệt sĩ)... là những phấn đấu hy sinh vì mục tiêu cao cả, là những tâm hồn đầy tình thương, những hành động tràn đầy tính  nhân văn, là tình yêu vô bờ bến, là những khắc khoải, ưu tư, là những chuyến ra đi trong bom đạn không hẹn ngày trở về. Cận kề cái chết nhưng hy vọng vẫn dạt dào... Chung quanh đường đi của bức thư là cuộc chiến đêm ngày, là giọt lệ và nụ cười, là thù hận và tình yêu... Bối cảnh là đây, con người là đây, nhân sinh thế thái cũng là đây.

Các nhà văn của chúng ta đã có đủ độ lùi của thời gian để nhìn nhận, để suy ngẫm, để và để... hy vọng nó sẽ không là những hiện vật câm lặng mãi mãi trong những khuôn tủ của bảo tàng.

(Trích Hồi ký: Tuổi thơ không yên tĩnh của Nguyễn Thiện Tường). 

Ảnh bìa: Chú Khương Thế Hưng (người viết bức thư) và tác giả bài viết năm 1976 ở Hà Nội.

Gia đình chú Nguyễn Đức Dũng và chú Nguyễn Chí Trung (người ngồi mặc áo kẻ), giải nhất vh Đông Nam Á, trợ lý TBT Lê Khả Phiêu.

Liệt sĩ Nguyễn Đức Dũng.

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan