MỘT NGÀY CHIẾN SỰ… - Hoàng Mạnh Hùng, Berlin
Sáng ra mẹ nó bảo: "Ba nó ơi, chạy xuống Kauf mua cho con mấy bịch sữa". Nghe xong là mình đi ngay. Xuống trước cửa Kauf, chưa thấy chàng thanh niên đất Nghệ bán thuốc lá lậu trước cửa như mọi ngày nhưng đã nghe giọng oang oang: "Tình hình chiến sự như ri là căng đo bác. Putin mà ra tay, ra cẳng là thằng Thổ đi luôn. Thằng Thổ ni hắn chơi bẩn như rứa, Putin răng mà nhởi được".
Nói thì oang oang thế, nhưng tay vẫn đưa bao thuốc lá rồi lấy 5 euro của khách rất hờ hững chứ không "danke - dankeo" như mọi khi.
Một ông tây đứng đợi mua thuốc lá bên cạnh, thấy anh chàng này hùng hổ trong bộ áo lông chùm kín mặt giữa trời tuyết trắng, nổ như súng liên thanh vào chiếc điện thoại, nghĩ thế nào lại bỏ đi.
Mình vào Kauf mua sữa mà đầu vẫn không bứt ra được hình ảnh của hai phi công Nga bị bắn ngay trong lúc nhảy dù. Ừ thì chiến tranh phải chấp nhận, nhưng viên thiếu tá quân đội Nga đó chắc cũng có gia đình, cũng có vợ, có con như mình. Vợ con, người thân mà nhìn thấy bị bắn trong tình trạng bất khả kháng như rứa thì đau xót biết bao nhiêu!
Rồi lại nghĩ ngợi về tương lai của Châu Âu về những ngày này nước Đức đang gồng mình vì làn sóng tị nạn từ Syria, rồi lại vụ khủng bố đẫm máu ở Paris nữa chớ, đời mình thì thôi chứ rồi đời con đời cháu nữa.
Miên man thế nào, trả tiền rồi chân lại không đi về nhà mà rẽ sang cửa hàng của hai ông "trưởng xóm" Hönow là bác Hòa và bác Bình. Bác Hòa có cửa hàng bán quần áo ngay đầu lối ra bến tàu điện ngầm. Bác Bình thì lại có cửa hàng bán hoa tươi bên cạnh.
Vừa thấy mình lò dò bước tới, bác Hòa đưa tay quyệt những bông tuyết trắng xoá trên bộ ria Hitler ấn tượng của bác rồi chạy ra như sợ tôi đi mất như mọi lần vì vội: "Chú Hùng! Chú Hùng! Chiến tranh thế giới thứ ba đến nơi rồi chú ạ. Thổ bắn rơi máy bay Nga. Đợt này Nga không để yên đâu. Chú có xem tình hình chiến sự không chứ anh theo dõi suốt đêm qua, căng lắm!".
Nói rồi bác giơ cây gậy dùng để treo quần áo lên lên xuống xuống như đang làm việc vậy. Thấy vậy cô Hoa vợ bác Hòa bảo "Này ông Hòa! Ông treo quần áo nhanh nhanh lên để tôi còn vào may mấy đường cho khách nhé! Câu giờ vừa vừa thôi.".
Ở cửa hàng bên cạnh bác Bình đang chăm chú vào chiếc Smartphôn Samsung to bự chứ không gọt gai hoa hồng như mọi khi. Thấy ồn ào bác nhướng đôi mắt nhìn sang, cặp kính lão hình như cũng tư lự như đôi mắt của bác. Nhẹ nhàng gỡ đôi mục kỉnh ra rồi bác bảo: "Nghe đâu máy bay Nga vượt qua lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ có 17 giây, hrm... Chỉ có từng nấy thôi mà bắn hạ con người ta. Chắc Thổ có ý đồ từ trước rồi".
Định buôn dưa lê đôi câu thì chuông điện thoại réo rắt. "Chết... Bà xã gọi, thôi em lên nhà đây. Đi mua sữa cho hai ông con trai mà chậm chạp là không được". Nói rồi mặc cho chuông reo cứ reo, tôi chạy vội lên nhà.
Trên đường lái xe đi làm tôi lại mông lung về một thời xa vắng. Cái thời đất nước vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, lại phải cầm súng để chống lại thằng giả anh giả em ở phương bắc. Đói như rứa, khổ như rứa rồi cũng vượt qua.
Nghĩ lại chỉ thương mạ già chống chọi nuôi đàn con nheo nhóc. Hết chiến tranh rồi cũng mừng. Ai thắng ai thua chi không biết chớ dân khổ lắm. Nói như ông nhà thơ Duy Duy chi đó, đại ý là "Trong mọi cuộc chiến tranh, nhân dân luôn là người chiến bại".
Ghét chiến tranh lắm rồi, sợ chiến tranh lắm rồi. Chừ mà Châu Âu chiến tranh tràn lan thì khổ lắm. Khổ mình thì đã đành nhưng khổ con khổ cháu thì không chịu được. Nhưng lịch sử của con người là lịch sử của những cuộc chiến tranh. Có tránh cũng không đuợc. Nghĩ đến đó là thấy chiến tranh đến nơi rồi. Ui chào! Căng đây.
Đến quán nhìn vào bếp thì thấy hai Chefkoch đang hoa chân múa tay. Bác Tấn bảo: "Đợt ni thằng Nga hắn đập chết thằng Thổ". Chú Công thì lại bảo: "Bác lói thế lào chứ thằng Thổ không sợ đâu. Thổ là đế quốc Ottoman một thời hoành tráng đấy bác ạh. Nhà em tin là Thổ cóc sợ thằng lào".
Nói đến đây thì mùi mỳ xào cháy khét lẹt xông um lên. Mình bảo: "Thôi hai bác ơi! tập trung đi cho khách nó được nhờ". Bác Tấn thì làu bàu: "Cháy mẹ chảo mỳ, Haizzz!!!".
Chiều tranh thủ về nhà một tý để cho anh thứ nam đi khám răng, tuyết đầu mùa đã tan làm ướt nhẹp những con đường, đậu xe xong mình đi qua khu chợ phiên. Chợ cũng đã vãn, các sạp hàng của tây cũng đã lục tục thu dọn, thấy bác Chiến, bác Thắng đang ngồi tư lự bên bàn cờ tướng đánh dở. Ông con trai thì giờ này AG akọt ở trường chưa về nên tự cho mình ghé vào chầu rìa một tý.
Rõ ràng thế cờ đang gay cấn mà chả bác nào buồn đi. Nhấp một ngụm chè từ chiếc phích nhỏ bác Thắng bảo: "Putin đang điều hệ thống phòng thủ S400 sang Syria. Đảm bảo đợt này con chim cũng không lọt, con bướm cũng không qua chứ đừng nói đến F16 của Thổ nhĩ kỳ".
Bác Chiến là người Lý Hòa quê huyện tui thì bảo: "Tình hình ni giống như tình hình Cuba căng thẳng vì vịnh con lợn hồi trước". Chị Hồng vợ bác Chiến đang bán hàng cho khách nghe thấy tập tõm, Cu... Căng... Vì...Lon gì đấy, vội nói với sang: "Này ông Chiến ơi! Ông căng với con nào hồi trước thế! Ngày nào làm về ông cũng thẳng ra như chết trên giường chứ ông có căng được đâu mà căng, hả?... hả?...". Mặt chị đỏ lên, không biết vì lạnh hay vì chi nữa.
Bác Chiến bảo: Kí bà ni, ta đang nói chuyện chiến sự chớ ai nói kí nớ". Mặt bác cũng đỏ lên trông thấy. Biết sắp phải chứng kiến cuộc cãi nhau, lại thấy vợ bác Thắng hớt hải chạy sang: "Ông Thắng ơi! Ông về ông dọn hàng cho tôi nhờ! ướt hết chỗ tất tai rồi mà ông còn ngồi đấy à!". Ui chào! "chiến sự" đến nơi rồi, mình giông thẳng...
Đến cuối chợ lại thấy ông Nga ngố tay cầm chai bia huơ huơ trước quầy kê bắp (đồ ăn Thổ Nhĩ Kỳ). Ông nhân viên Thổ rậm râu tay cầm con dao thái thịt done dài và sáng quắc ra vẻ đang đe dọa ông Nga, mặt dữ tợn, ôi chà chà! Chiến tranh lan rộng rồi!
Về nhà sau khi ông con vừa làm răng xong, anh chàng không ăn được gì, mình lấy sữa cho uống rồi lại lên quán tăng ca với bà xã. Rồi lại đánh vật với mấy trăm khách, lại vỡ chén vỡ cốc thêm mấy lần vì không tập trung.
Đến đêm muộn hai vợ chồng mới về đến nhà. Tưởng chiến sự như thế đủ rồi ai dè bà xã mở tủ lạnh rồi kêu lên "Ông Hùng ơi! Ông mua sữa sắp hết hạn cho con à? Cả ngày ông cứ mơ mơ màng màng ở đâu đâu".
Ái chà chà! Nguy rồi, chiến sự ở Syria đâu chưa biết nhưng ở Berlin thì khổ rồi. Đêm nằm một mình nghĩ lại thấy ngu. Chiến sự chiến siếc gì cho nó khổ. lại nhớ đến các cụ ngày xưa hút thuốc lào, uống nác chè xeeng mà suốt ngày nói chuyện anh Gagarỉn bay vào vũ tru, đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ lại bật cười một mình.
Bà xã lại càu nhàu "Ông có hâm thì một mình thôi nhé. Để con nó còn ngủ mai nó đi học, chồng với con!!! Ngơ ngơ ngẩn ngẩn cả ngày đến đêm". Ừ nhỉ, phải ngủ thôi, phải tập trung chuyên môn thôi, mai còn kíếm tiền nuôi con.
Đến đây lại thấy thấm thía mấy câu nói của bác Hà Đức vốn là đệ tử làng mai của sư thầy Thích Nhất Hạnh "Hãy sống sâu sắc trong chánh niệm, hãy làm việc trong chánh niệm, đừng bao giờ sợ hãi, hạnh phúc không ở đâu xa xôi mà ở nơi đây và ngay bây giờ, chỉ có sự yêu thương, tha thứ và hoà giải mới xoá bỏ được mọi hận thù và xung đột, mới mang lại bình yên trong cuộc sống".
Berlin tháng 12.2015
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *