MỘT NGƯỜI ĐỨC ĐAM MÊ TIẾNG VIỆT

Đăng bởi:
14/10/2015 | 06:43
Chuyên mục: Sự kiện cộng đồng
0 bình luận
MỘT NGƯỜI ĐỨC ĐAM MÊ TIẾNG VIỆT

(HNM) - Trong số hơn 30 học viên tham dự khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt dành cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài 2015 - do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức mới đây tại Hà Nội - có một người nước ngoài nói tiếng Việt giỏi đến mức khiến ai cũng ngỡ ngàng. Cô là Anke Friedel Nguyễn, lấy chồng người Việt và đang dạy tiếng Việt tại Trường Đại học Humboldt ở Đức.

Cơ duyên với tiếng Việt

Portrait Anke

Cô Anke Friedel Nguyễn 

Chia sẻ niềm đam mê với tiếng Việt, cô Anke Friedel Nguyễn kể: "Sau khi tốt nghiệp Trung học, tôi đăng ký vào Khoa Châu Á, Đại học Humboldt ở Berlin. Rất tình cờ tôi được phân công học tiếng Việt. Kể từ đó tôi bắt đầu làm quen với ngôn ngữ rất lạ lẫm này. Cô giáo của tôi khi đó kể nhiều về Việt Nam, đặc biệt là các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Sau đó, duyên phận đã khiến tôi đã yêu và nên duyên vợ chồng với một người Việt Nam, anh Nguyễn Trọng Cử. Điều đó làm tôi có nhiều động lực hơn trong việc học tập".

15-08-11 Er+Âffnung 2

Với mong muốn cho các con hiểu hơn về văn hóa Việt Nam, được giao tiếp tiếng Việt nhiều hơn, năm 1998 cô Anke Friedel Nguyễn quyết định chuyển cả gia đình về Việt Nam sống và làm việc. Cô chia sẻ: "Quê anh Cử còn nghèo lắm, ở Đức Thọ - Hà Tĩnh. Đây vẫn là một làng quê thuần túy của miền Trung Việt Nam. Từ lâu anh đã có tâm nguyện muốn đóng góp cho quê hương bằng những việc làm thiết thực và khi cả gia đình về Việt Nam sống thì anh ấy có thể thực hiện tâm nguyện đó. Với tôi, để con trẻ sống ở Việt Nam chúng sẽ có tuổi thơ, có những kỷ niệm về quê hương của bố để có thể hiểu hơn về văn hóa của người Việt cũng như cội nguồn của gia đình". Trong quãng thời gian 12 năm tại quê chồng trước khi trở lại Đức, cô Anke Friedel Nguyễn đã giảng dạy tiếng Đức tại Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội, làm việc tại Viện Goethe Hà Nội và Đại sứ quán Đức tại Việt Nam.

Sống với đam mê

Chia sẻ về việc dạy tiếng Việt ở Đức, trong đó có nhiều người Việt Nam, cô Anke Friedel Nguyễn cho biết tại Đức có hai nhóm người Việt Nam chính. Thứ nhất là nhóm đã định cư ở Tây Đức từ trước năm 1975 và những thuyền nhân. Nhóm này được phân bố định cư đều ở các địa phương Đức. Con em của họ gặp khó khăn trong học cũng như giao tiếp tiếng Việt. Nhóm thứ hai là những người Việt Nam sang hợp tác lao động. Họ sống trong cộng đồng, có điều kiện dạy con tiếng Việt tốt hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, nhu cầu học tiếng Việt không chỉ dừng lại ở trẻ em mà ở Đức nhu cầu học tiếng Việt của thanh thiếu niên cũng rất lớn.

Ngoài việc dạy tại Trường Đại học Humboldt, cô Anke Friedel Nguyễn còn dạy thêm tiếng Việt tại một trung tâm ngoại ngữ khác. Đối tượng học viên cũng đa dạng: Có người gốc Việt, có người yêu hoặc lấy chồng Việt, người thì làm việc liên quan đến Việt Nam… Một điều khiến cô suy nghĩ là nhiều người Việt không biết tiếng Việt. Đặc biệt là những thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra tại Đức không có môi trường giao tiếp tiếng Việt. Vì thế, nhiều em chỉ nói mà không viết, đọc được. Nhiều em thì chỉ nói được vài câu tiếng mẹ đẻ. Xuất phát từ nhu cầu thực tế học tiếng Việt tại Đức cũng như mong muốn có thêm kinh nghiệm để dạy tiếng Việt cho thanh thiếu niên ở Đức, cô Anke Friedel Nguyễn quyết định tham gia lớp tập huấn này.

15-08-11 Hotel

"Đến với lớp học tôi có dịp làm quen và trao đổi kinh nghiệm dạy tiếng Việt ở nước ngoài. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi có thể đóng góp vào xây dựng một giáo trình mới theo hướng thực tế và hiệu quả hơn. Hiện tại, người Việt Nam định cư và sinh sống ở nhiều nước khác nhau và lịch sử nhập cư của người Việt Nam ở từng nước cũng khác nhau. Vì thế, cách tiếp cận và tổ chức dạy tiếng Việt, đặc biệt cho trẻ em ở từng nước cũng không giống nhau. Vì thế, tôi mong rằng qua khóa học này tôi sẽ tìm được cho mình những phương pháp phù hợp nhất để dạy tiếng Việt ở Đức, nhất là cho những em bé Việt Nam nhằm nuôi dưỡng trong các em một tâm hồn, một văn hóa Việt Nam" - cô Anke Friedel Nguyễn bộc bạch.

Nguồn: Báo Hà Nội Mới - PV Đình Hiệp

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
< ...