MƯA LŨ LÀM MỘT NGƯỜI MẤT TÍCH, GÂY NHIỀU THIỆT HẠI TẠI MIỀN TRUNG
Trang vietnamplus.vn đưa tin: Tính đến 17 giờ ngày 10/10, mưa lũ tại khu vực Trung Bộ đã làm 1 người mất tích và gây nhiều thiệt hại tại các địa phương.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, mưa lũ tại khu vực Trung Bộ đã làm 1 người mất tích với nhiều thiệt hại tại các địa phương.
Cụ thể, tính đến 17 giờ ngày 10/10, mưa lũ làm 1 người mất tích (tại làng Tak Long, thôn 1, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) do bị nước lũ cuốn trôi tại sông Na, huyện Nam Trà My; 858 nhà bị ngập (Bình Thuận, Quảng Ngãi, Đà Nẵng); 392ha cây ăn quả (Bình Thuận), 310 con gia cầm (Bình Thuận) bị thiệt hại; 50 điểm đường bị ngập (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam).
Tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã có chỉ đạo căn cứ tình hình ngập lụt để quyết định việc cho học sinh nghỉ học.
Các tuyến đò ngang trên sông Thu Bồn, đoạn qua địa phận xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên được kiểm tra nghiêm ngặt nhằm phòng ngừa rủi ro. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)
Để tiếp tục ứng phó với mưa lũ còn diễn biến phức tạp tại khu vực miền Trung, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ thực hiện nghiêm Công điện số 908/CĐ-TTg ngày 10/10 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động ứng phó với mưa lũ tại các tỉnh, thành phố Trung Bộ; Công điện số 31/CĐ-QG ngày 10/10 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn.
Các tỉnh, thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, chủ động ứng phó với các tình huống, đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai-Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn./.
** Quảng Nam: Kiên quyết không để người dân qua lại khu vực nước lũ
Công tác di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven sông, suối, khu vực được cảnh báo có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét được thực hiện một cách bài bản, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phước Sơn cho biết thêm.
Nguy cơ sạt lở núi và lũ quét, nhất là tình trạng nước lũ dâng cao, tràn qua đường, trực tiếp uy hiếp đến tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông. Do đó, việc kiên quyết ngăn chặn không cho người dân cố tình băng qua đường khi nước lũ dâng cao và chảy xiết là giải pháp cơ bản cần thực hiện một cách kiên quyết, đang được nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là các huyện miền núi, vùng lưu vực các sông lớn ở Quảng Nam thực hiện trong mùa mưa lũ./.
Nguồn: Thắng Trung (TTXVN/Vietnam+)
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *