Trong những ngày Tết vấn đề dư thừa thức ăn là điều khó tránh khỏi. Để không bị lãng phí nhiều gia đình tích trữ đồ ăn lại, sau đó hâm nóng thậm chí là nấu đi nấu lại nhiều lần.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng và thực phẩm, việc tiết kiệm đồ ăn để tránh lãng phí là đúng. Tuy nhiên, vấn đề hâm nóng đồ ăn, nấu đi nấu lại nhiều lần lại gây nên nhiều hệ lụy cho sức khỏe khi sử dụng.
PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh – nguyên trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, đa phần các gia đình bảo quản thức ăn dư thừa trong ngày Tết sai cách.
Theo đó các đồ ăn chín thường được bảo quản ở ngăn mát. Trong đó có cả những loại đồ chưa được sơ chế vẫn còn tươi sống. Ngoài ra, khi cho đồ vào tủ lạnh mọi người thường có thói quen dồn lẫn vào nhau, hoặc những đồ xào lẫn rau thì để tất cả chứ không chọn riêng rau thịt... Điều này khiến đồ ăn nhanh bị hỏng, vi khuẩn có cơ hội tấn công.
PGS Ninh cho rằng, những loại thực phẩm đã được nấu chín sau đó bảo quản từ bữa trước sang bữa sau hoặc bảo quản không an toàn sẽ rất nguy hiểm với sức khỏe, thậm chí là ngộ độc vì bị nhiễm khuẩn.
Không chỉ có vậy, với những thực phẩm nấu đi nấu lại nhiều lần cũng bị mất chất dinh dưỡng, thậm chí còn sinh ra nội độc tố gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Đó là chưa kể những thực phẩm chế biến sẵn trong ngày tết rất dễ bị nhiễm các chất như chất bảo quản. Đặc biệt trong trường hợp chế biến thủ công, người tiêu dùng rất khó kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Ví dụ như hàn the cho vào các món giò chả, các nhân thịt không được chọn lựa từ thịt đảm bảo chất lượng hay măng, miến, mộc nhĩ đều có chất bảo quản để chống mốc, hỏng... Khi ăn phải các loại thực phẩm này sẽ dễ bị ngộ độc”, PGS Ninh cảnh báo.
Liên quan đến vấn đề này, PGS Nguyễn Duy Thịnh – Chuyên gia về Công nghệ thực phẩm cho biết, các loại đồ ăn hay thừa trong dịp Tết như: cơm trắng, khoai tây, trứng, thịt gà, nấm, các loại rau... không nên hâm nóng hoặc chế biến lại.
Theo vị chuyên gia này, các loại đồ ăn trên khi hâm nóng hoặc chế biến lại sẽ không còn giá trị dinh dưỡng. Thậm chí là có thể sinh ra chất không có lợi cho sức khỏe.
Để bảo quản đồ ăn tốt nhất và tránh lãng phí, các chuyên gia cho rằng giải pháp tốt nhất là ăn đến đâu nấu tới đó. Trong trường hợp bất khả kháng vì thừa quá nhiều đồ thì nên bảo quản bằng hộp đậy kín. Đối với các loại thịt, cá nấu cùng rau nên loại bỏ phần rau, chỉ bảo quản phần thịt...
“Mọi người thường nghĩ bảo quản đồ ăn trong tủ lạnh là an toàn, sạch sẽ nhưng thực tế không phải vậy. Vì tủ lạnh chứa rất nhiều đồ sống chín khác nhau. Đó chỉ là giải pháp tạm thời, các gia đình không nên bảo quản đồ ăn quá lâu, không nên nấu đi nấu lại quá nhiều lần, tốt nhất ăn đến đâu nấu đến đó để tránh lãng phí và ảnh hưởng đến sức khỏe”, PGS Thịnh khuyên.
Nguồn: Phunuvagiadinh - Theo Lê Phương/Khám Phá
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *