NÊN HỌC THEO NHỮNG ĐỨC TÍNH CỦA CON TRẺ - Dinh Dũng, Berlin
Trong cuộc sống gia đình người lớn nói gì con cháu cũng phải nghe, đó là tư duy truyền thống mang tính văn hoá Việt của bao đời nay.
Vậy mà lại có những thế hệ không tuân theo những áp đặt và họ đã vượt ra khỏi khuôn khổ đó, để đến với một nền văn hoá khác. Đó là những câu chuyện có thật, cười ra nước mắt khi những người làm cha, làm mẹ phải bất lực trước sự trung thực của con mình với một nền văn minh khác.
Có câu chuyện của một gia đình đi trên một chuyến tàu điện ở Berlin. Người phụ nữ bấm vé xong cho người nhà và bảo với cậu con trai: khi nào họ kiểm tra vé, thì con nói với họ là mới 4 tuổi nhớ chưa. Tàu mới chạy đến bến thứ 2 thì bị kiểm tra vé, người phụ nữ trình xong vé và giải thích, cháu mới 4 tuổi. Tưởng là mọi chuyện đã tốt đẹp. Nhưng không, cậu con trai ấy lại tuyên bố với nhóm kiểm tra vé là mình đã 6 tuổi rồi. Các bạn có biết phản ứng của bà mẹ với cậu con trai như thế nào không?
Một trận mưa chưởi với những câu từ đắt đỏ dành cho đứa con không vâng lời mẹ dạy và ngược lại những người đi kiểm tra vé khen cháu trung thực vì thế mà họ không phạt. Nhưng họ nói: lần sau cháu phải mua vé, vì cháu đã 6 tuổi rồi. Sáu tuổi đi trên các phương tiện giao thông là phải có vé.
Đó cũng là một cách giáo dục, giống như nhà bạn tôi, đang chạy xe trên đường thì bị công an kiểm tra. Chào hỏi xong anh công an hỏi: Có ai không quàng dây không? Ở dãy ghế sau cậu con trai 12 tuổi báo, cháu không quàng. Anh công an soi đèn kiểm tra và bảo cậu con trai quàng dây vào, họ biên nhận xong rồi mới cho xe chạy. Trên đường về nhà, mọi người trong xe cười nói và chọc cu cháu, thiên hạ lấy hết khôn của cậu bé...
Còn cậu bé thì nói: Con làm theo lời cha mẹ và thầy cô dạy mà...
Bẵng đi một thời gian, thì có thư của công an gửi về. Với nội dung là khen cháu bé trung thực, lần này chỉ nhắc nhở. Lần sau nhớ phải quàng dây không thì sẽ bị phạt.
Còn một chuyện cứ như đùa, có chị ca sĩ cộng đồng mới nổi lên từ hồi Corona phàn nàn: Con cái thời này nó lật mặt cha mẹ không thương tiếc. Hồi mới có dịch bệnh nhà nước Đức cấm tụ tập. Nhân có sinh nhật tôi mời mấy anh chị em trong làng ca sĩ đến nhà hát cho vui. Thế mà hôm sau thấy công an đến gõ cửa, chắc bị hàng xóm báo... Đang chối là nhà không tụ tập, thế mà đứa con gái ra bảo với công an rằng: Nó nói dối đấy, tối qua ở đây có mấy chục người hát hò.
Vậy là cả nhà bị đưa đi test, may không ai bị Corona, hú hồn con với chả cái. Bọn này mà cho về quê thì ăn cám...
Nhìn lại các cháu được sinh ra và lớn lên ở bên này, họ sống chậm hơn, thực tế hơn, rất ít dùng FB. Và có một điều lý thú là họ dùng thời gian cho con trẻ đi du lịch, xem phim, bảo tàng, vườn thú.v.v.
Họ không tổ chức tiệc tùng hàng trăm người cho sinh nhật, cho đầy tháng, hay vào học lớp 1 to như vậy. Họ cũng làm nhưng nhẹ nhàng và mang tính nhân văn nhiều hơn, mang lại kỷ niệm đẹp của thế giới con trẻ với bạn cùng trang lứa với nhau. Rất khác với bữa tiệc linh đình của cha mẹ người Việt mời khách, hình bóng của con trẻ bị mờ nhạt trong không khí của vật chất, với cái phông to tướng treo giữa phòng khách còn sót lại một sự "thật thà".
Đừng bắt con trẻ nói dối, đừng ép buộc hãy để cho con trẻ được sống với tuổi thơ thật của các con.
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *