NGHỆ SĨ NGUYỄN QUANG LONG: TỪ HÁT XẨM ĐẾN NGÂM KIỀU
Khởi xướng vào giai đoạn giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, dự án mới “Ngâm kiều toàn tập” của nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều nghệ sĩ nặng lòng với âm nhạc dân tộc.
Được biết đến là một trong những người có công khôi phục và chấn hưng hát Xẩm trong nhiều năm, đến nay Nguyễn Quang Long lại tâm huyết với dự án mới là Ngâm Kiều toàn tập.
Ước mơ giản dị của anh là giá trị của Truyện Kiều - một kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du ngày càng được tôn vinh, nâng tầm và sống mạnh mẽ hơn cùng đời sống văn học nghệ thuật.
Tìm lại giấc mơ thơ ấu
Ngâm kiều toàn tập là ý tưởng bắt nguồn từ tình cảm mà nghệ sĩ Nguyễn Quang Long dành cho bà nội, hiện đã mất.
Anh kể, suốt thời thơ ấu, anh ngồi trong lòng bà, được vỗ về, nuôi nấng và được nghe bà ngâm Kiều và lẩy Kiều.
Mỗi khi nghĩ lại, anh đều ngậm ngùi: “Ở đất nước ta, có biết bao người bà, người mẹ như thế”.
Sau này trưởng thành, đi học nhạc, nghệ sĩ ấy càng nhận thức sâu hơn giá trị văn hóa qua tác phẩm Truyện Kiều và đặc biệt khi tác phẩm đó được tái sinh bằng sự cảm nhận, sáng tạo của người Việt.
Từ tháng 3/2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Việt Nam đã khiến đời sống của các nghệ sĩ sân khấu gặp rất nhiều khó khăn.
Không đi diễn và hoạt động nghề nghiệp được, Nguyễn Quang Long mạnh dạn bàn với các đồng nghiệp về dự án ngâm toàn bộ 3.254 câu thơ lục bát trong tác phẩm Truyện Kiều.
Dù nhiều nghệ sĩ đều đã thuần thục ngâm thơ và biểu diễn nhạc cụ truyền thống, nhưng khi nghe anh đề cập dự án này họ đều tỏ ra “choáng” và không tin sẽ thực hiện được.
Thế nhưng, dự án lại nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của những nghệ sĩ gạo cội như NSND Thanh Hoài dù đã ngoài 70 tuổi, NSND Thúy Ngần cũng gần 60 tuổi... Không ít nghệ sĩ thế hệ 8x, 9x đánh đàn tranh, đàn nhị, đàn bầu, thổi sáo cũng nhiệt tình tham gia dự án của anh.
Nguyễn Quang Long cho biết, để có sản phẩm ngâm Kiều dài hơn 10 tiếng thu âm, có những ngày, họ phải là làm việc từ sáng đến tối, ăn trưa tranh thủ tại phòng thu.
Khó khăn nhất vẫn là vấn đề kinh phí, bởi thực tế là các loại hình nghệ thuật truyền thống đều ít nhận được tài trợ. May mắn là dự án của anh đã được Quỹ Thiện Tâm tài trợ 35%, kinh phí còn lại do chính anh tự túc và tích cóp...
Để văn hóa dân tộc đi vào đời sống
Nói về ý nghĩa của dự án, Nguyễn Quang Long nhấn rằng, Truyện Kiều là một kiệt tác được thế giới tôn vinh và bao thế hệ người Việt tự hào.
Ngâm Kiều chính là một cách để tác phẩm này có thể đi vào đời sống tự nhiên với lối tiếp cận bình dân và gần gũi nhất.
Theo anh, ngâm Kiều cũng để tự răn mình, khuyên nhủ những bài học ý nghĩa ở đời. Với hình thức ngâm, quý nhất là đã làm sống lại Truyện Kiều bằng chính thể thơ thuần Việt.
Bản sắc dân tộc trong ngâm Kiều còn thể hiện ở lối thơ trước, nhạc sau. Giai điệu ấy phụ thuộc vào thơ và tâm trạng con người. Đó là không gian sâu lắng của sự ngâm nga, phảng phất và thấm dần...
Trong dự án này, tất cả các nghệ sĩ đều ngâm Kiều rất thuần thục. Nếu NSND Thanh Hoài với lối ngâm cổ, sự chuẩn mực đã xuất hiện ngay ở phần đầu và phần cuối thu âm, thì các nghệ sĩ trẻ lại có nét tươi mới, cách tân, thể hiện rõ cá tính.
Là người tổ chức, nghệ sĩ Quang Long luôn tôn trọng sự khác biệt ấy, bởi mạch cảm hứng xâu chuỗi các cá tính lại với nhau là tình yêu nghệ thuật, tinh thần cảm nhận và giúp lan tỏa giá trị Truyện Kiều.
Khi ngâm Kiều, những nghệ sĩ trẻ như Thúy Nga lại có lối ngâm gần gũi, trữ tình; NSƯT Quốc Khanh với lối ngâm nảy rõ ràng, rành mạch và cũng rất tình; nghệ sĩ Văn Phương có phần phá cách, vốn duyên dáng trong vai hề chèo lại có đất thể hiện ở những phần nội dung phù hợp của Truyện Kiều.
Đặc biệt, phần thu âm còn được lồng trong hình ảnh 2D và kỹ xảo hình để minh họa tác phẩm do các nghệ sĩ trẻ phụ trách.
Bên cạnh đó, dự án còn thực hiện thêm một phần các cảnh quay nghệ sĩ ngâm Kiều với dàn nhạc dân tộc ở đình Chèm (Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Hiện nhóm thực hiện dự án đã đưa một số clip ngâm Kiều phát miễn phí trên kênh YouTube Dân ca và Nhạc cổ truyền và nhận được nhiều phản hồi tích cực của công chúng.
Chưa dừng lại ở đó, Nguyễn Quang Long còn muốn khôi phục ngâm Kiều bằng những hình thức khác như “tổ tôm điếm” – một thú vui chơi vẫn còn xuất hiện ở đình Chèm (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và hội Lim (Bắc Ninh).
Anh cho biết, không đơn thuần là vui chơi giải trí, “tổ tôm điếm” là biểu hiện sinh động cho đời sống người Việt, nơi người chơi lẩy ra những câu Kiều phù hợp với bối cảnh đang diễn ra.
Để lẩy được, buộc người chơi phải nhớ toàn bộ Truyện Kiều, phải đủ độ tinh nhạy để chọn câu phù hợp.
Hơn nữa, giọng ngâm, sắc thái trong cuộc chơi sẽ làm nên tính thú vị, độc đáo. Có một thời, hình thức vui chơi này phổ biến ở nhiều lễ hội vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng nhưng theo anh, hiện nay còn rất ít và chưa có đề tài nghiên cứu nào tương đối đầy đủ, sâu sắc về trò chơi dân gian này.
Không chỉ vậy, dự án Ngâm Kiều toàn tập còn sẵn sàng kết hợp với các nhà trường, giới nghiên cứu văn hóa trong nước và ngoài nước để tôn vinh Truyện Kiều.
Nguyễn Quang Long cũng mong muốn sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, anh có thể tổ chức những buổi biểu diễn nhỏ có hình thức ngâm Kiều, tương tác với khán giả hoặc thành lập các câu lạc bộ ngâm Kiều, sinh hoạt tại đình làng.
Bởi theo anh, nét văn hóa truyền thống được thúc đẩy trong đời sống hiện đại sẽ góp phần làm cân bằng cuộc sống cũng như nhu cầu thưởng thức nghệ thuật.
Dành tâm huyết để phát triển và nuôi dưỡng một dự án nghệ thuật dân gian dường như cũ kĩ và đi ngược với đời sống hiện đại nhưng với tinh thần, trách nhiệm của một nghệ sĩ luôn đau đáu bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc, Nguyễn Quang Long hy vọng ước nguyện của anh ngày càng nhận được sự ủng hộ của công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Nghệ sĩ Nguyễn Quang Long
Nghệ sĩ Nguyễn Quang Long sinh ra ở làng Thương Giang, một trong 49 làng quan họ cổ ở Bắc Ninh. Cha anh là nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Tưởng, một giọng nam dòng ca khúc trữ tình cách mạng nổi tiếng ở tỉnh Hà Bắc ngày xưa. Từng học thanh nhạc, sau anh chuyển sang học lý luận, phê bình âm nhạc.
Nguyễn Quang Long từng là Phó Ban Biên tập của Nhà xuất bản Âm nhạc (Dihavina) và trong nhóm vận động thành lập Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam. Từ nhà nghiên cứu, Nguyễn Quang Long dần trở thành một nghệ sĩ hát Xẩm và sáng tác các bài Xẩm mới.
Sáng tác đầu tiên của anh là bài Xẩm Tiễu trừ cướp biển năm 2016, lên tiếng để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Anh cũng sáng tác bài Bốn mùa hoa Hà Nội dành tặng cho Hà Nội. Anh còn khai thác thêm làn điệu khác như đồng dao, đẩy nhanh tiết tấu giống rap để thu hút người nghe hơn. Đến năm 2019, anh chính thức ra mắt album Trách ông nguyệt lão gồm chín bài Xẩm trữ tình do anh sáng tác.
Nguyễn Quang Long cũng là người đề xuất làm một chiếu Xẩm khi chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân hình thành và cùng các nghệ sĩ khác thành lập nhóm Xẩm Hà thành hoạt động bền bỉ trong suốt nhiều năm qua.
Nguồn: Hạ Thủy - Baoquocte.vn - Ảnh bìa: Nghệ sĩ Nguyễn Quang Long và các nghệ sĩ trong nhóm Ngâm Kiều toàn tập. (Ảnh: NVCC)
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *