Người độc thân ở châu Âu chật vật với chi phí sinh hoạt

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
03/09/2024 | 02:56
Chuyên mục: Sự kiện châu Âu
0 bình luận
Người độc thân ở châu Âu chật vật với chi phí sinh hoạt

Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt hiện lan rộng khắp châu Âu và những người độc thân có khả năng chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Theo công ty tài chính và bảo hiểm Ocean Finance, những người độc thân ở Anh phải trả khoảng 3.195 bảng Anh (hơn 4.200 USD) mỗi năm cho các khoản như tiền thuê nhà, thế chấp, tiện ích... 

Trong vài năm qua, những người độc thân ở Anh và châu Âu phải chịu chi phí tăng không cân xứng so với các cặp đôi hoặc gia đình. Điều này dẫn đến sự gia tăng của một thuật ngữ mới, "thuế độc thân" dùng để chỉ tất cả các chi phí phát sinh mà những người không kết đôi phải đối mặt.

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), các hộ gia đình một người không có con tăng 30,7% trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2022 tại Liên minh châu Âu (EU). Các hộ gia đình nhỏ nhất xuất hiện ở Litva, Estonia, Đan Mạch và Phần Lan, trong khi các hộ gia đình lớn nhất là ở Croatia, Slovakia và Hy Lạp.

Eurostat nhấn mạnh thêm, vào năm 2022, loại hộ gia đình phổ biến nhất ở EU là các hộ gia đình chỉ có một người lớn, chiếm khoảng 71,9 triệu người.

Theo chuyên gia về hôn nhân và gia đình Sophie Cress, tác động của "thuế độc thân" có thể còn vượt xa gánh nặng tài chính. Chuyên gia này cho rằng thuế độc thân có thể gây ra hậu quả vượt ngoài vấn đề tiền bạc, ảnh hưởng đến các mối quan hệ và quá trình ra quyết định của mọi người. Tỷ lệ ngày càng tăng những người duy trì các mối quan hệ vì lý do tài chính cho thấy áp lực xã hội và kinh tế mà những người độc thân phải đối mặt. 

Trong cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, những người độc thân có thể phải chật vật để trả tiền thuê nhà và thế chấp một mình, đặc biệt là ở những thành phố đắt đỏ như London. Điều này cũng khiến những người đang trong mối quan hệ không hạnh phúc hoặc không lành mạnh phải suy nghĩ kỹ trước khi chia tay, vì họ có thể không tự tin vào khả năng tự nuôi sống bản thân.

Trong nhiều trường hợp, các ngân hàng và các tổ chức tài chính cũng ít muốn cấp các khoản vay và thế chấp cho những người độc thân, ngay cả khi họ có công việc ổn định, lương cao và khoản thanh toán ban đầu khá cho khoản thế chấp. Điều này có thể khiến mọi người khó tự mua nhà.

Hóa đơn mua sắm cũng có thể cao hơn nhiều, vì các mặt hàng được đóng gói theo khẩu phần ăn từ 2-4 suất, với các gói hàng cho gia đình. Khi đi ăn ở ngoài, những người độc thân cũng ít có khả năng tận dụng các ưu đãi dành cho các cặp đôi hoặc gia đình

Tương tự như vậy, chi phí đi lại có thể tăng nhanh chóng, vì những người độc thân không phải lúc nào cũng có thể tiếp cận các khoản giảm giá như thẻ tàu hai người Two Together ở Vương quốc Anh. Điều này cũng áp dụng cho các khách sạn và các hoạt động nghỉ dưỡng khác, khi một người đi một mình sẽ bỏ lỡ các khoản giảm giá đáng kể cho nhóm.

Tương tự như vậy đối với các tiện ích như hóa đơn điện nước, có thể áp dụng mức giá cố định và chủ yếu tính đến hộ gia đình có hai người. Các chi phí giải trí khác như truyền hình và các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix và Amazon Prime cũng sẽ đắt hơn.

Theo Ocean Finance, những người độc thân phải trả thêm khoảng 200 bảng Anh/tháng cho các hóa đơn - bao gồm cả nhà ở - so với khi họ có một người lớn khác để chia sẻ chi phí. Tương tự như vậy, họ chi thêm khoảng 15 bảng Anh cho thực phẩm và rượu, 39,5 bảng Anh cho các kỳ nghỉ và 26,4 bảng Anh cho các gói đăng ký thành viên.

Mặc dù mọi người có thể tìm cách để trả ít tiền thuê nhà hơn và giảm chi phí tạp hóa, thuế cao hơn đối với người độc thân có thể gây tổn hại nhiều hơn. Ví dụ, tại Vương quốc Anh, trợ cấp kết hôn có khả năng cắt giảm hóa đơn thuế của một cặp đôi khoảng 1.000 bảng Anh.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), vào năm 2022, tại Bỉ, mức thuế đối với người lao động độc thân không có con là khoảng 53,0%, trong khi Đức là 47,8% và Áo là 46,8%. Pháp áp thuế người lao động độc thân không có con là 47,0%, trong khi Italy áp dụng mức thuế là 45,9%.

Ngược lại, mức thuế đối với người lao động đã kết hôn có hai con trung bình của Bỉ là 37,8% vào năm 2022. Đức và Áp áp các mức thuế tương ứng 32,9% và 30,2%. Pháp đánh thuế 39,2%, trong khi con số của Italy là 34,9%.

Theo Văn phòng Thống kê của Bỉ (Stratbel), tính đến ngày 1/1/2023, Bỉ có 1,8 triệu hộ gia đình một người, chiếm hơn 36% hộ gia đình. Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, số hộ gia đình này tăng khoảng 22%.

Mặc dù vậy, Bỉ vẫn tiếp tục áp dụng một trong những chính sách đánh thuế cao nhất đối với người độc thân. Điều này khiến chính trị gia Bỉ Carla Dehonghe lo ngại sự phân biệt đối xử về mặt xã hội đối với những người độc thân không có con, đặc biệt là khi nói đến thuế.

Kêu gọi nhiều chính sách thuế trung lập về lối sống hơn, chính trị gia Dehonghe cho biết: "Nhiều người cuối cùng trở nên cô đơn do hoàn cảnh thay đổi. Không có giới hạn độ tuổi nào khi sống một mình. Nhóm người độc thân rất đa dạng: người độc thân, người đã ly hôn, góa phụ và góa vợ, gia đình chỉ có một cha hoặc một mẹ... Gia đình cổ điển với hai cha mẹ và hai con vẫn là chuẩn mực trong mắt các nhà hoạch định chính sách. Điều này dẫn đến những biện pháp bất lợi cho người độc thân, về mặt thuế, nhà ở và nhiều thứ khác".

Bên cạnh đó, để lại tài sản thừa kế cho con cái hoặc bạn đời là khoản thuế thừa kế có lợi nhất, nhưng những người độc thân không có con đơn giản là không có lựa chọn này.

Nguồn: Viet-bao.de theo TTXVN/Báo Tin tức

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >