Nhà hoạt động xã hội người Anh gốc Việt: BÁO ĐỘNG NẠN BUÔN NGƯỜI Ở ANH VÀ CHÂU ÂU
Gần một năm sau thảm kịch 39 người Việt tử nạn trên đường vượt biên vào Anh làm rúng động thế giới, nạn buôn người vẫn là vấn đề nhức nhối diễn ra ngày càng phức tạp không chỉ tại Châu Á hay thậm chí ở cả các nước phát triển ở Châu Âu.
Ngọc Thúy, một nhà hoạt động xã hội người Anh gốc Việt và cũng là một phiên dịch viên tại Bộ Tư Pháp Anh. Với kinh nghiệm 4 năm làm việc trong ngành luật pháp, cô cho biết rằng tại Anh Quốc, nạn buôn người ngày một đáng sợ khi nhiều người di cư có hoàn cảnh khốn khó từ khắp nơi trên thế giới (phần nhiều ở Đông Âu, Đông Nam Á hay Châu Phi) hàng ngày vẫn được chuyển đến Anh bằng cả cách tự nguyện hay bị bắt buộc.
Họ có thể đang chạy trốn ra khỏi vùng chiến sự, đang nợ nần về kinh tế hay đang mang một giấc mộng đổi đời ở Anh. Những nạn nhân thường được hứa hẹn về một công việc thu nhập tốt ở Anh để có thể giúp đỡ gia đình. Nhưng rồi sau đó, giấc mộng Anh Quốc không như họ vẫn tưởng tượng, mà những nạn nhân sẽ phải lao động như nô lệ trong thời đại mới để trừ đi khoản nợ để trả cho quãng đường đưa họ sang Anh, hoặc để trục lợi cho những kẻ buôn người. Hàng nghìn nạn nhân được đưa sang Anh mỗi năm để bị bóc lột lao động trong ngành xây dựng, các nông trại, các xưởng cần sa, các tiệm làm móng hay các bãi rửa xe.
Là người góp mặt tại các phiên tòa xét xử các đường dây buôn người tại Anh, cũng là người hỗ trợ cảnh sát Anh giải cứu nhiều nạn nhân của nạn buôn người, chị Ngọc Thúy chia sẻ những hoàn cảnh thương tâm của những nạn nhân Việt Nam bị các đường dây buôn người đưa sang Anh mà chị đã chứng kiến:
- Đó là hoàn cảnh một gia đình có 3 mẹ con người Việt bị bắt cóc từ Việt Nam và bị đưa sang Anh, nhưng sang đến Anh thì 3 mẹ con bị thất lạc nhau. Đó là cả chục người Việt Nam, Albania và Nigeria bị bóc lột trong một nông trại trồng rau, họ sống cùng trong một chiếc xe container cũ kỹ được cải tạo vừa thành bếp ăn và phòng ngủ, điều kiện sống vô cùng tồi tàn khi chỉ có một chiếc nồi cơm điện được dùng làm bếp nấu tất cả các món ăn. Đó là những người mù chữ, trình độ học vấn không có, bị bắt sang Anh làm việc trong các xưởng cần sa và được tìm thấy trong tình trạng hôi hám, móng tay móng chân và tóc dài như người tiền sử, họ thậm chí còn không biết là mình đang ở Anh. Đó là những người gốc Việt được đẻ ra ở Nga nhưng luôn sống trong cộng đồng người Việt ở Nga bị kiểm soát và bóc lột bởi tội phạm buôn người, họ không được học hành nên không nói được tiếng Nga, và khi công việc ở Nga khó khăn thì họ có thể bị đưa sang Anh làm nô lệ. Đó là những cuộc điện thoại cầu cứu tới Hội người Việt Nam tại Anh Quốc khi những nạn nhân bị sống trong sợ hãi và ám ảnh vì bị truy sát nếu họ và gia đình họ không đủ tiền trả hết số nợ. Đó là một nạn nhân bị ép làm việc trong trại cần sa và bị điện giật đến biến dạng khuôn mặt….
Hiện tại, rất khó có thể thống kê chính xác con số người Việt đang sống và làm việc chui tại Anh. Tuy nhiên, tổ chức từ thiện The Salvation Army chi nhánh tại Anh ước tính số lượng người Việt nhập cư bất hợp pháp tiếp cận tổ chức này giai đoạn từ tháng 7/2018 đến tháng 7/2019 tăng kỷ lục 248% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh sự hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật của Anh và của Việt Nam nhằm triệt phá các mạng lưới tội phạm đứng sau hình thức buôn bán người trái phép, việc nâng cao ý thức và sự hiểu biết cho từng cá nhân trong cộng đồng là rất đỗi quan trọng để những người trong hoàn cảnh khó khăn không bị dụ dỗ bởi các đường dây để vô tình trở thành nạn nhân bị buôn bán một cách tự nguyện, và để cho tội ác bị tố giác và xử lý kịp thời bởi các cơ quan chức năng.
Ngọc Thuý và Nadia Murad- người đoạt giải Nobel Hoà Bình 2018
** Ngọc Thúy tốt nghiệp khoa Quan hệ quốc tế tại Học viện Ngoại Giao Việt Nam năm 2012 và theo học cao học ngành Quản trị nhân sự và bằng Diploma phiên dịch ngành Luật tại Anh từ năm 2013. Với vai trò là Thư ký Hội người Việt Nam tại Anh và là thành viên tích cực của Diễn đàn Ngoại Giao trẻ toàn cầu có trụ sở chính tại London, cô có nhiều hoạt động gắn kết và hỗ trợ cộng đồng Việt Nam tại Anh và tại Châu Âu để hội nhập và chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu. Ngọc Thúy tham gia vào nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng như dạy Tiếng Việt cho trẻ em gốc Việt, dạy Tiếng Anh miễn phí cho hàng nghìn người Việt tại Anh và Châu Âu, đồng hành cùng cựu Ngoại trưởng Anh Jack Straw và Nadia Murad- người đoạt giải Nobel Hòa Bình 2018 trong chiến dịch đòi lại công lý cho nạn nhân của bạo lực tình dục trong chiến tranh (Justice for Lai Dai Han)… và từng được lực lượng cảnh sát Anh trao kỷ niệm chương vinh danh cho những đóng góp cho cộng đồng.
Nguồn: CTV Viet-bao.de từ Anh Quốc
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *