NHẠC SĨ KURRT SCHWAEN - MỘT TRÁI TIM NHÂN HẬU DÀNH CHO VIỆT NAM
Nếu còn sống, đến năm 2021 này, nhạc sĩ Kurt Schwaen đã được 112 tuổi. Nhưng cụ đã qua đời ngày 9/10/2007 tại Berlin, khi 98 tuổi. Việt Nam đã mất đi một người bạn lớn, một trái tim nhân hậu đã dành nhiều thiện cảm cho Việt Nam.
Cách đây 17 năm, năm 2004, tôi có dịp tới thăm cụ Kurt Schwaen ở nhà riêng tại Mahlsdorf, một nơi yên tĩnh, thanh bình ở Berlin. Cụ là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của Đức trong thế kỷ 20 và có nhiều gắn bó với Việt Nam.
Mặc dù khi đó, cụ đã 95 tuổi, nhưng cụ vẫn rất khỏe, đi lại nhanh nhẹn, đầu óc minh mẫn. Khi nói chuyện, cụ hay nói đùa rất hóm hỉnh. Hai cụ cho tôi xem album chứa những hình ảnh trong các chuyến thăm Việt Nam. Cụ ông Kurt Schwaen đã từng tới Việt Nam 3 lần, lần đầu tiên vào năm 1986 với tư cách khách mời của Hội nhạc sĩ Việt Nam. Say mê với phong cảnh và con người Việt Nam, cụ Schwaen đã trở lại du lịch Việt Nam hai lần nữa vào năm 1991 và 1994, đưa theo người bạn đời của mình là cụ bà Ina Schwaen. Hai cụ say sưa kể lại những kỷ niệm không thể nào quên trong các chuyến thăm Việt Nam.
Có lẽ gây ấn tượng khá mạnh với hai cụ là một lễ hội ở làng tranh Đông Hồ. Hai cụ đã chụp rất nhiều ảnh và nhận xét rằng đây là một truyền thống văn hóa đẹp. Những ấn tượng đẹp của cụ trong các chuyến thăm Việt Nam đã được cụ ghi lại bằng các nốt nhạc. Trong danh mục gần 650 bản nhạc cụ sáng tác, tôi thấy có tới gần 10 bản liên quan tới Việt Nam, trong đó có bản "Vietnamesischer Konzert" (Hòa tấu Việt Nam) dành cho đàn dương cầm, được cụ sáng tác năm 1987, bản "Cửu Long" cũng được cụ sáng tác cùng năm. Năm 1991, sau chuyến đi thăm thứ hai trở về, cụ sáng tác bản "Vietnamesische Impression" (Ấn tượng Việt Nam).
Trong chuyến thăm Việt Nam năm 1994, cụ được nghe biểu diễn đàn đá ở Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Rất khâm phục thứ nhạc cụ đặc biệt này, năm 1995,, cụ đã sáng tác bản nhạc "Lithophonie" (Nhạc đàn đá). Nữ nghệ sĩ piano Tôn Nữ Nguyệt Minh, người từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế cao, hiện đang giảng dạy tại trường Đại học âm nhạc ở Berlin được cụ rất quý mến. Năm 1985, nhạc sĩ Schwaen đã sáng tác 3 bài dành riêng để chị Minh biểu diễn. Đặc biệt hơn nữa, năm 1987, nhạc sĩ đã sáng tác riêng một bài tặng chị, đặt tên cho bản nhạc là "Minh". Nhạc sĩ cho biết, đây là một điều hy hữu, khi nhạc sĩ lấy tên của người biểu diễn đặt tên cho bản nhạc và đây cũng là lần duy nhất trong đời cụ làm điều này. Trong cuộc thi ghita toàn quốc cuối năm 1995, đầu năm 1996 tại Hà Nội do nghệ sĩ ghita Đặng Ngọc Long đứng ra tổ chức cùng với các cơ quan trong nước, sáng tác "Variation über ein vietnamesisches Motiv" (Biến tấu trên một chủ đề âm nhạc Việt Nam) của cụ dành cho đàn ghita đã được sử dụng làm bản nhạc thi bắt buộc.
Tình cảm của cụ cũng được thể hiện qua những hành động ủng hộ, giúp đỡ về vật chất cho Việt Nam. Cụ đã quyên góp tiền để mua rất nhiều nhạc cụ tặng Nhạc viện Hà Nội. Trong những năm 70, khi ở CHDC Đức có phong trào đoàn kết "Những chiếc xe đạp cho Việt Nam", mỗi tháng cụ đã quyên góp tiền để mua một chiếc xe đạp tặng Việt Nam. Nhưng sau đó, trong những năm 80, cụ đã quyên góp cho Việt Nam theo hình thức "ra tấm ra món" hơn. Mỗi năm, cụ tới Đại sứ quán nước ta tại Berlin để trao tặng một ngân phiếu có giá trị rất lớn mà cụ không muốn nói cụ thể. Nhưng theo tôi được biết có giá trị tới hàng trăm chiếc xe đạp khi đó.
Năm 1990, cụ đã cùng một số người quen, có cảm tình với Việt Nam sáng lập Hội Đức - Việt và nhiều năm giữ cương vị Chủ tịch Hội. Nhờ những hoạt động lâu dài để củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Đức - Việt, cụ Kurt Schwaen đã hai lần được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng thưởng Huân chương Hữu nghị và cụ bà Ina Schwaen cũng được tặng thưởng Huy chương Hữu nghị.
Cụ Kurt Schwaen sinh ngày 21/6/1909 ở Kattowitz, nay là Katowice thuộc Ba Lan. Từ nhỏ cụ đã được học đàn piano, đàn Orgel và học nhạc lý.
Từ 1929 tới 1933, cụ học Khoa học âm nhạc, ngôn ngữ Đức, lịch sử nghệ thuật và triết học ở các trường đại học tại Breslau (nay là Wroclaw, Ba Lan) và Berlin. Việc sáng tác nhạc hoàn toàn do cụ tự học. Năm 1935, cụ bị chính quyền Hitler kết án ba năm tù vì các hoạt động chống chế độ Quốc xã.
Sự nghiệp sáng tác âm nhạc của cụ Schwaen có điều kiện phát triển sau khi chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc, cụ được giao nhiệm vụ xây dựng các trường nhạc bổ túc và phụ trách âm nhạc tại Sân khấu nhân dân Đức (Deutsche Volksbühne). Với tư cách là nhạc sĩ, cụ thấy mình có nhiệm vụ phải sáng tác những tác phẩm mới cho thế hệ trẻ. Từ đó, các bản nhạc liên tục ra đời và ngày càng hay, ngày càng tinh tế.
Sự nghiệp âm nhạc của cụ Kurt Schwaen rất đồ sộ. Cụ là Viện sĩ Viện hàn lâm nghệ thuật và một thời gian dài giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng âm nhạc CHDC Đức. Đặc biệt, đĩa CD đầu tiên do cụ phát hành khi đã ngoài 80 tuổi là những bản nhạc do do nghệ sĩ piano Tôn Nữ Nguyệt Minh biểu diễn. Tổng cộng, cụ đã phát hành được 13 đĩa CD riêng và nhiều đĩa CD chung với các nhạc sĩ khác.
Nguồn: Văn Long (Berlin) - Chú thích ảnh: Tác giả và nhạc sĩ Kurt Schwaen năm 2004
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *