NHẬN ĐỊNH VỀ TÌNH HÌNH CHÂU ÂU THỜI HẬU XUNG ĐỘT

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
29/05/2022 | 19:08
Chuyên mục: Tin thế giới
0 bình luận
NHẬN ĐỊNH VỀ TÌNH HÌNH CHÂU ÂU THỜI HẬU XUNG ĐỘT

Xung đột Nga-Ukraine đã gây bất ổn sâu sắc cho an ninh châu Âu và tác động nghiêm trọng đến tình hình nội bộ của EU.

Theo nhận định của Anna Diamantopoulou, cựu Ủy viên châu Âu và Bộ trưởng Hy Lạp, trong vài tuần qua, châu Âu đã trải qua biến động lớn về địa chính trị. Cuộc xung đột Nga-Ukraine chắc chắn là một cột mốc quan trọng trong lịch sử phương Tây hiện đại - một bước ngoặt có thể được coi là lớn hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 hoặc cuộc khủng hoảng di cư năm 2016. 

Cuộc xung đột Nga-Ukraine là sự kiện buộc châu Âu phải thay đổi mạnh mẽ trong cách nhìn nhận thế giới và vị thế của mình trong đó. Xung đột kéo dài ở Ukraine đang làm biến đổi môi trường an ninh, chính trị, kinh tế và xã hội ở châu Âu, tạo ra những tình huống khó xử lý, cản trở thương mại tự do, làm suy yếu các nỗ lực tăng cường chủ nghĩa đa phương.

Bà Diamantopoulou nêu rõ châu Âu không nên quên rằng tất cả những gì mà lục địa này đã đạt được sau Thế chiến thứ hai là nhờ vào tầm nhìn xây dựng liên kết. Thời kỳ hòa bình kéo dài dựa trên một trật tự tôn trọng luật quốc tế, chủ quyền quốc gia, các quy tắc và giá trị.

Việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine đánh dấu khởi đầu của kỷ nguyên mới và châu Âu không có khả năng quay trở lại thực tế trước ngày 24/2. Do đó, quyết tâm hành động của châu Âu sẽ xác định môi trường toàn cầu của tương lai và châu Âu phải hành động hôm nay để định hình ngày mai.

Thứ nhất, EU cần quyết định liệu có trở thành một cực mạnh, góp phần tạo ra cân bằng đa cực trong nền chính trị toàn cầu hay trở thành một liên minh lỏng lẻo gồm các quốc gia nhỏ, với những đòn bẩy hạn chế và chỉ là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của các cường quốc mới.

Tình thế khó xử trên cùng với những thách thức kinh tế và địa chính trị, chủ yếu liên quan đến mô hình quản trị của liên minh và những vấn đề đặt ra trong tiến trình của các dự án hội nhập châu Âu, đang làm nổi lên một nhu cầu mới rằng châu Âu phải tiến lên bằng hội nhập chính trị sâu rộng hơn.

Thứ hai, răn đe đã trở thành một khái niệm thực tế hơn với EU và mục tiêu chung về quyền tự chủ chiến lược của châu Âu đang có động lực mới. Xuất phát từ mối đe dọa mới nổi, EU đã bắt đầu kết hợp an ninh và quyền lực cứng vào chương trình nghị sự của mình, thông qua việc gia tăng chi tiêu quân sự và củng cố năng lực quốc phòng trên toàn châu Âu. Bên cạnh đó, EU đang đoàn kết hơn trong bảo vệ các dân tộc, nền văn hóa, dân chủ và sự thịnh vượng của châu Âu.

Tuy nhiên, bà Diamantopoulou nhận định, điều cấp thiết hiện nay là EU phải thúc đẩy một bản "Hiến pháp mới của châu Âu" và thành lập một "liên minh chính trị" của các nước thành viên. Điều này có nghĩa là sự nhất trí và quyền phủ quyết nên được bãi bỏ và Ủy ban châu Âu có thể được tổ chức như một “cơ quan hành pháp liên bang” chịu trách nhiệm trước Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu.

Bà Diamantopoulou kết luận, những thách thức khiến hội nhập chính trị là con đường tất yếu phía trước của EU, trong đó chính sách đối ngoại và quốc phòng, năng lượng và chính sách tài khóa chung của EU là biện pháp khả thi nhất.

Nguồn: Công Thuận/Báo Tin tức (Euractiv.com)

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
< ...