NHỮNG HIỆN TƯỢNG THỜI TIẾT NGUY HIỂM SẼ GIA TĂNG NHỮNG THÁNG TỚI

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
27/02/2018 | 05:59
Chuyên mục: Tin quê hương
0 bình luận
NHỮNG HIỆN TƯỢNG THỜI TIẾT NGUY HIỂM SẼ GIA TĂNG NHỮNG THÁNG TỚI

Nhận định về diễn biến khí tượng thủy văn trong ba tháng tới (từ tháng 3 đến tháng 5 tới), các chuyên gia của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương đặc biệt lưu ý trong tháng 4 và tháng 5 là những tháng chuyển mùa, do vậy nhiều khả năng các hiện tượng dông, sét, tố lốc, mưa đá sẽ xuất hiện gia tăng về tần suất trên phạm vi toàn quốc, nhất là khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Mùa bão năm 2018 xuất hiện sớm ở Bắc Biển Đông. Điều này đã được chứng minh bằng áp thấp nhiệt đới xuất hiện ngay trong tháng ​1 vừa qua. Nhiệt độ trung bình từ tháng 3 đến tháng 5 phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Lượng mưa các khu vực phía Nam có xu hướng xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm trong ba tháng tới. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa trong tháng 3.
 
Nguồn nước từ tháng ​3 đến tháng 5 tới trên thượng nguồn hệ thống sông Đà nhiều hơn trung bình nhiều năm; trên sông Lô, Thao và hạ lưu sông Hồng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.

Lượng dòng chảy trên các sông từ Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, bắc Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, các sông khác ở mức tương đương và cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ.

Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long xuống dần và ở mức tương đương cùng kỳ năm 2017. Xâm nhập mặn ở khu vực Nam Bộ ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và tương đương cùng kỳ năm 2017.

Nhiệt độ trung bình trong ba tháng tới trên phạm vi toàn quốc phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Không khí lạnh trong tháng 3 và tháng 4 tới vẫn tác động đến khu vực phía Bắc nhưng cường độ và tần suất sẽ giảm dần. Rét đậm rét hại vẫn có khả năng xảy ra trong nửa đầu tháng 3 nhưng có khả năng không kéo dài. Nắng nóng tại các khu vực trên toàn quốc có xu hướng xuất hiện muộn và có khả năng không kéo dài và không gay gắt.

Khu vực Bắc Bộ từ tháng 3 đến tháng 4 tới lượng mưa phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-30% cùng thời kỳ. Mùa mưa tại khu vực Bắc Bộ có khả năng xuất hiện tương đương với trung bình nhiều năm. Khu vực Trung Bộ từ tháng 3 đến tháng 5 tới lượng mưa tại khu vực phổ biến ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ trong thời kỳ tháng 3 vẫn là các tháng mùa khô, nhưng khu vực Nam Bộ vẫn tiếp tục có khả năng xuất hiện những đợt mưa rào trái mùa, do vậy lượng mưa trong tháng có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng đến sớm, do vậy từ nửa cuối tháng 4 tới lượng mưa có xu hướng tăng dần và tổng lượng mưa tháng 4 và tháng 5 tới có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn từ 15-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Từ tháng ​3 đến tháng 5 tới, mực nước các sông khu vực Bắc Bộ tiếp tục có xu hướng giảm dần. Nguồn nước so với trung bình nhiều năm trên lưu vực sông Đà thuộc khu vực Tây Bắc có xu thế nhiều hơn từ 5-15%; trên lưu vực sông Thao, sông Lô và hạ lưu sông Hồng thuộc khu vực Việt Bắc thiếu hụt khoảng 10-30%. Mực nước thấp nhất tại Hà Nội trên sông Hồng có khả năng ở mức 0,3-0,4m xuất hiện trong tháng 3 tới.

Từ cuối tháng 2 này đến tháng 5 tới, mực nước trên các sông chính ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên biến đổi chậm. Trong nửa cuối tháng 5 tới, các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, thượng nguồn sông Ba và các sông ở Ninh Thuận, Bắc Bình Thuận có khả năng xuất hiện một đợt lũ nhỏ.

Lượng dòng chảy trên các sông ở Quảng Nam và Bắc Quảng Ngãi cao hơn trung bình nhiều năm từ 40-80%, các sông ở Thanh Hóa, Hà Tĩnh tương đương trung bình nhiều năm, các sông từ Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, bắc Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-30%, các sông khác ở Trung Bộ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 40-70%, tình trạng hạn hán, thiếu nước cục bộ khả năng cao xuất hiện ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long xuống dần và ở mức tương đương cùng kỳ năm 2017. Xâm nhập mặn ở khu vực Nam Bộ ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và tương đương năm cùng kỳ năm 2017.

Mực nước ven biển dao động theo thủy triều, nước dâng, rút do gió không lớn. Sóng lớn chủ yếu xuất hiện trong các đợt không khí lạnh tháng 3 và tháng 4 tới, độ cao sóng có thể tới từ 2-3m dọc ven biển Bắc Bộ, Trung Bộ và Đông Nam Bộ, ngoài khơi 3-4m./.
 
Theo TTXVN/Vietnam+ - Những hạt mưa đá to bằng ngón tay trỏ. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
< ...