NỮ DOANH NHÂN VIỆT THÀNH DANH Ở ĐỨC
(HNM) - Bà Trịnh Thị Mùi, chủ sở hữu chính của Trung tâm Thương mại ITC Thái Bình Dương - một trong hai trung tâm thương mại lớn nhất của người Việt ở CHLB Đức, nguyên là cán bộ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội II. Nay trên đất khách, những khát vọng, tâm huyết từ nghề giáo vẫn được bà nuôi dưỡng suốt nhiều năm qua.
Bà Trịnh Thị Mùi sinh năm 1956 tại Hà Nội, có bố là thầy giáo, mẹ làm kinh doanh nhỏ. Năm 1975, một nữ sinh Hà thành vốn say mê những vần văn thơ lãng mạn lại rẽ ngang thi vào Khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội II để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo. Sau khi tốt nghiệp, cô được giữ lại trường làm cán bộ, rồi được điều về làm chuyên viên ở Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội vài năm trước khi đi xuất khẩu sang CHDC Đức năm 1987.
Khi bức tường Berlin "sụp đổ", nước Đức thống nhất (1989), phần vì hoàn cảnh riêng tư trắc trở, phần muốn vượt lên chính mình nên thay vì nhận tiền hỗ trợ từ Chính phủ Đức để về nước, bà Trịnh Thị Mùi quyết chí ở lại lập nghiệp trên vùng đất lắm thách thức nhưng cũng đầy hứa hẹn này. Bà khởi nghiệp từ nghề buôn bán, xuất nhập khẩu hàng dệt may, rồi mở rộng thêm nhiều mặt hàng như giày dép, mây tre đan…
Nhờ bản lĩnh "thép" và sự sáng tạo, nhạy bén trước thời cuộc, bà Mùi đã chinh phục được những sóng gió thương trường, vươn tới thành công ngay tại Berlin. Hiện nay, là cổ đông chính ở Trung tâm Thương mại ITC Thái Bình Dương, gia đình bà Mùi còn phát triển kinh doanh, đầu tư trên các lĩnh vực bất động sản, nhà hàng, khách sạn… tại Berlin cũng như ở Việt Nam.
Với cộng đồng, bà Mùi là một người có uy tín, sôi nổi và trách nhiệm. Bà nhiều lần đứng ra tổ chức hoặc tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng cũng như các hoạt động từ thiện ở trong và ngoài nước. Bà từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên của Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức nhiều năm và hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại Đức.
Bà đã chủ trì xây dựng ngôi chùa Việt đầu tiên ở Berlin (chùa Phổ Đà) và Trung tâm Văn hóa Việt Nam duy nhất ở Đức cho đến nay. Bà cũng là người tiên phong khởi xướng, tài trợ để xây dựng và duy trì hoạt động cho ngôi trường dạy tiếng Việt mang tên Sao Mai tại Berlin suốt những năm qua.
Bà Mùi tâm sự với chúng tôi: "Có lẽ đi ra từ nghề giáo nên từ trong sâu thẳm tôi vẫn luôn nặng lòng với những trăn trở làm sao để giáo dục các thế hệ con em, góp phần gìn giữ những nét truyền thống văn hóa dân tộc. Ngôn ngữ là cầu nối quan trọng nhất để các thế hệ con cháu gắn bó với quê hương, nguồn cội. Trường tiếng Việt Sao Mai được thành lập từ năm 2007. Đến nay, trường hoạt động tốt và rất được cộng đồng ủng hộ".
Đến nhà, nhìn bà Mùi thoăn thoắt trong việc bếp núc, vui vẻ lắng nghe và trao đổi với chồng, tôi lại nhìn thấy hình ảnh một người phụ nữ rất Việt Nam. Có lẽ với những người phụ nữ hiện đại thành đạt, việc tách bạch môi trường công việc và cuộc sống riêng tư là một yêu cầu thiết yếu.
Nguồn: Báo Hà Nội Mới - Bài: Nguyễn Thức Tuấn
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *