NƯỚC ĐỨC NHỮNG NGÀY THÁNG CUỐI NĂM
Năm 2018 nhiều biến động đã sắp đi qua. Mọi việc tưởng đã được an bài. Chủ tịch hai đảng thiên chúa giáo là Liên minh dân chủ thiên chúa giáo (CDU) và Liên minh xã hội thiên chúa giáo (CSU), bà Angela Merkel và ông Horst Seehofer đã tuyên bố không ra tranh cử chức vụ chủ tịch đảng trong thời gian tới, để lại những „lùm xùm“ sau lưng. Câu chuyện „nhường“ chức vụ đảng nhưng không nhường chức Thủ tướng và Bộ trưởng Nội vụ của hai vị này cũng đã tốn không ít giấy mực của giới báo chí. Đến nay ai cũng nghĩ rằng vấn đề chỉ còn là thời gian và thời điểm mà thôi.
Và cả Chính phủ „đại liên minh“ hiện nay liệu tồn tại được bao lâu nữa nếu như hai đảng CDU/CSU có chủ tịch mới lại là những người không muốn liên minh với Đảng dân chủ xã hội Đức SPD? Lúc đó nước Đức liệu có lại rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị mới?
Ai sẽ là người dẫn dắt nước Đức và cũng là dẫn dắt EU thời kỳ „hậu Brexit“? Vấn đề cốt lõi của CDU hiện nay là gì?
Ba ứng viên vào chiếc ghế Chủ tịch CDU đều là những người từng trải, không còn trẻ và nhiều tham vọng. Ông Friedrich Merz (62 tuổi) đã từng là Chủ tịch Đảng đoàn CDU tại Quốc hội Liên bang, được coi là đại diện cho „phe bảo thủ“ trong đảng, là người do không ủng hộ chính sách của bà Merkel nên đã rời khỏi chính trường mấy thập kỷ qua. Bà Anegret Kramp-Karrenbauer 56 tuổi (thường được gọi bằng tên tắt AKK) đã từng làm Thủ hiến bang Saarland từ 2011-18, có kinh nghiệm chính trường và tương đối giống tính cách của bà Merkel nên cũng được gọi là „tiểu Merkel“. Ông Jens Spahn, 38 tuổi, đương chức Bộ trưởng Y tế Liên bang được coi là „ngôi sao đang lên“ trên chính trường Đức, là hy vọng của „phe bảo thủ“ trong CDU, nhưng cũng bị coi là „còn non nớt“. Ba con người, ba tính cách đại diện tiêu biểu cho giới tinh hoa chính trị Đức. Nhưng chỉ một trong ba người có thể vươn lên vị trí số một.
Một chính trị gia kỳ cựu của CDU đã nói với tôi: vấn đề hiện nay là thay đổi chính sách (Politikwechsel), chứ không phải chỉ thay đổi nhân sự (Personalwechsel).
Nhưng chính sách chỉ thay đổi được nếu người làm ra chính sách cũng phải được thay đổi.
Các ông Merz và Spahn được coi là đại diện cho lực lượng „bảo thủ“ trong CDU. Khái niệm „bảo thủ“ („konservativ“) trong ngôn ngữ chính trị ở Đức khác hẳn ở Việt Nam. Ông Roland Koch, người cũng từng được coi là thủ lĩnh phe bảo thủ trong CDU, tặng tôi cuốn sách của ông „Konservativ“ sau khi ông đã rời chính trường. „Bảo thủ“ đồng nghĩa với duy trì và gìn giữ, phát huy những giá trị căn bản của „truyền thống dân chủ thiên chúa giáo“, đó là đất nước, gia đình và xã hội. Bà AKK là người thân cận của bà Merkel và có nhiều tính cách khá giống AM (bà Angela Merkel hay viết tắt tên mình là AM) nên nếu bà được bầu làm chủ tịch đảng thì bảo đảm duy trì sự kế thừa và ổn định hiện nay.
Trong một buổi tranh luận mới nhất giữa ba ứng cử viên, vấn đề cũng được nêu ra là: CDU thời gian qua đã không thật sự lưu tâm đến những lo âu, trăn trở của người dân (qua vấn đề tỵ nạn), đã ngả sang „tả“ (mà ông Merz gọi là „dân chủ xã hội hóa“, „Sozialdemokratiesierung“). Bà AKK thừa nhận đúng là thời gian qua, đảng chưa thật sự quan tâm đến những trăn trở của người dân. Còn ứng viên trẻ nhất Jens Spahn thì than rằng „nếu 38 tuổi rồi mà vẫn còn bị coi là còn trẻ thì đó cũng là một trong những vấn đề của đảng“!
Nguồn: NGUYỄN HỮU TRÁNG BLOGS - (Ảnh bìa: Thu Mai)
Friedrich Merz warnt vor Sozialdemokratisierung seiner Partei
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *