Ở ĐỜI NÊN HỌC CHỮ TÙY DUYÊN
Giữa người với người, có thể gần, cũng có thể xa. Giữa việc với việc, có thể phức tạp, cũng có thể giản đơn. Giữa tình cảm với nhau, có thể sâu, cũng có thể cạn.
Đừng mong cầu người đối xử với mình đặc biệt, cũng chẳng nên hy vọng họ sẽ bớt đi những toan tính.
Cuộc sống có người nói ít làm nhiều, cũng sẽ có kẻ chỉ biết hoa chân múa tay. Bạn không nên quá bận lòng, chỉ cần quản tốt việc của bản thân: làm những việc cần làm, đi con đường nên đi, giữ gìn sự lương thiện, nuôi dưỡng lòng chân thành; khoan dung với mọi người, nghiêm khắt với bản thân, còn lại thuận theo nhân duyên là được.
Đức Phật từng nói: "Với người không có duyên, dù nói bao nhiêu lời cũng là thừa, còn như đã hữu duyên thì chỉ cần xuất hiện, bạn cũng có thể thức tỉnh mọi giác quan của họ...".
Có một số việc, vừa phân trắng đen đã trở thành quá khứ. Có một số người, giận hờn vài ngày đã trở thành dĩ vãng. Có những nỗi đau, vừa cười lên đã tan thành bọt nước. Có những hoàn cảnh, nhờ chịu chút thương đau mà trở nên kiên cường.
Đôi khi hôm nay là việc lớn, ngày mai nhìn lại chẳng có gì đáng kể; năm nay quan trọng, sang năm sẽ trở thành thứ yếu; chuyện vĩ đại đời này, đời sau người ta gọi là truyền thuyết.
Chúng ta, nhiều nhất cũng chỉ là câu chuyện của một người. Vì thế trong cuộc sống hay công việc, nếu gặp chuyện không vừa ý, hãy nói với bản thân: "Hôm nay sẽ qua đi, ngày mai rồi cũng đến, hãy buông bỏ tất cả để bắt đầu ngày mới!".
Trên đời, có một số việc không phải không để tâm, mà để tâm cũng không làm được gì hơn. Cuộc sống không có "nếu như", chỉ có "hậu quả" và "kết quả".
Đón nhận đời mình như thế nào là do bản thân lựa chọn, người khác không thể quyết định thay. Trưởng thành rồi, bạn sẽ biết cách lấy nụ cười đối diện với tất cả.
(Sưu tầm)
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *