Ở TÂY HAY Ở TA, DU HỌC SINH NÊN Ở HAY VỀ
Du học sinh ở hay về, câu chuyện chả khác gì sinh viên ngoại tỉnh bám trụ thành phố hay về tỉnh xây dựng quê hương.
Sau 2 năm lang bạt ở trời Tây như một du học sinh, một phụ nữ ngoài 30 có vài ý kiến như sau:
Du học sinh nên ở hay về?
– Người thành phố kỳ thị người ngoại tỉnh thế nào, người Tây kỳ thị người nhập cư y như vậy.
– Vươn lên khi thân cô thế cô ở thành phố thế nào thì ở trời Tây y hệt.
– Ở thành phố đi làm chính, đi làm thêm như điên mãi vẫn chưa mua được nhà và nhập được khẩu thì ở Tây mua nhà dễ mà vắt chân lên cổ cả đời cũng ko trả hết đủ các cục nợ và mãi không nhập được tịch vì dốt Tiếng.
– Ở Ta trọng nam khinh nữ và ở Tây trọng nữ khinh nam, ở ta phụ nữ đang vùng vẫy đòi bình quyền, ở Tây đàn ông bỏ chạy để trốn trách nhiệm.
– Ở Ta trẻ em bị cha mẹ, thầy cô chèn ép, bắt nạt thì ở Tây người già bị xã hội bỏ rơi, cô lập.
– Ở Ta tham ô đáng sợ, ở Tây thuế đáng ghét.
– Ở Ta đông người nhức đầu óc, ở Tây ít người cô đơn trầm cảm.
– Ở Ta nói lắm, lảm nhảm vô nghiã, ở Tây không nói gì, hễ nói gì đều phải cảnh giác cao độ vì lời nói châu ngọc rất lắm hàm ý và nghiêm trọng.
– Ở Ta chính phủ, tập thể to đùng, ở Tây cá nhân to bự. Ở ta, nhiều người không tin vào tự do cá nhân và ở Tây rất nhiều người không tin vào hôn nhân, gia đình.
Chọn đi hay ở là quyết định mang tính cá nhân ?
– Ở Ta quan trọng gia đình, ràng buộc, con cái; ở Tây quan trọng vật chất, tự do, công việc, du lịch.
– Sống ở ta được gần gia đình bạn bè, ăn ngon mặc đẹp, ngủ kỹ nhưng ít biết ngoại ngữ, văn hóa, con người nên thèm đi nước ngoài chết đi được. Sống ở Tây được đi du lịch, kết bạn nước ngoài, học văn hóa, ngôn ngữ, ẩm thực nhưng xa gia đình, bạn bè bố mẹ, quê hương, ăn mặc xấu xí, làm việc cật lực và thèm đồ ăn nhà chết đi được.
– Ở Ta phụ nữ luôn bị gia đình và xã hội xử thua/sai, ở Tây người thua/sai luôn là đàn ông nên phụ nữ ta và đàn ông Tây đều tỏ ra bất mãn.
– Ở Ta mọi người đều mong đợi tiền và quà, Tây mong đợi thời gian và sự sẵn sàng.
– Ở ta mọi người thích đổ về thành phố để chứng tỏ mình giàu còn ở Tây thì đổ về nông thôn.
– Phụ nữ ta muốn lấy Tây để được chiều, đàn ông Tây muốn lấy phụ nữ Ta cũng để được chiều, nên Tây Ta lấy nhau mà không ai chịu ai thì vô cùng… thất vọng. Đàn ông ta thì nhất định ko lấy phụ nữ Tây, phụ nữ Tây cũng không chịu lấy đàn ông Ta.
Ở đâu có nhiều điều kiện thuận lợi hơn với từng cách nhìn và quan điểm của mỗi người với từng thời điểm khác nhau thì ở nơi ấy
– Ta luôn quan niệm con lai Tây thì sẽ đẹp nhưng sẽ không may nếu con gái mà giống gen bố và con trai giống gen mẹ về chiều cao và cân nặng. Tây luôn tin rằng con lai sẽ khó hòa nhập vì trông chẳng giống ai.
– Ta luôn mong đợi Tây phải chi tiền còn Tây mong đợi Ta hi sinh, chịu khó. Mà Tây gìơ ôm lắm nợ còn Ta… ôm giấc mộng giàu nhanh để còn được … lười làm. Cả 2 đều vỡ mộng.
– Cái nóng ở ta đáng sợ thế nào thì cái lạnh ở tây cũng khiếp thế, ta úng lụt vì mưa bão, tây lụt vì bão tuyết.
– Nếu chọn hòa nhập với cộng đồng ta thì chắc chắn phải tham gia vào trò nói xấu nhau, kéo bè phái mà nếu chọn hòa nhập với cộng đồng Tây thì học uống rượu, hút thuốc, đi bar… Từ chối mấy trò đó sẽ bị kỳ thị, cô lập và bài trừ.
– Ta cãi nhau như mổ bò, ít bữa lại lành. Tây ít cãi nhau lắm mà đã cãi nhau thì vĩnh viễn không thèm… nhìn mặt.
– Ta rất nể tiền, quyền; Tây tôn trọng pháp luật và nể người biết nhiều thứ tiếng.
Có cần phải quan trọng việc ở đâu hay không… và rất rất nhiều điều tương phản mình nhận ra. Có một điều chung ở tất cả các nền văn hóa, giới tính, quốc tịch, màu da, tiếng nói là… ai cũng muốn mình đúng, nổi bật, thành công và hạnh phúc hơn người khác nên nếu không ai chịu ai thì sẽ… ghen tị và cãi cọ. Sau những cãi cọ, vỡ mộng thì mọi người đều nhận ra rằng không có ai hoàn hảo, không có nền văn hóa hay ngoại hình hay chính phủ hoàn hảo nên chúng ta cần nhìn nhận vào thực tế, chấp nhận và học hỏi lẫn nhau để cùng thay đổi cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Kết luận của mình: sinh viên về tỉnh dần dần sẽ lên chức mà ở lại thành phố dần dần sẽ hòa nhập. Du học sinh về nước dần dần sẽ lên lãnh đạo mà ở lại thì dần dần sẽ hòa nhập. Nếu về mà chán thì đi tiếp, ở lại mà chán thì về. Thế nên, ở đâu có cơ hội tốt hơn thì ở. Với xu thế hội nhập và vé máy bay rẻ, đi qua đi lại du lịch chẳng mấy hồi nên cứ vô tư mà sống, anh chị em ạ.
Nguồn: Nước Đức - Theo: elle.vn (Ảnh bìa: Hội SV VN tại Đức)
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *