„PHẢI CHĂNG TỔNG THỐNG TRUMP LÀ CƠ HỘI CUỐI CÙNG CỦA CHÂU ÂU?“

Đăng bởi:
10/01/2017 | 22:50
Chuyên mục: Tin thế giới
0 bình luận
„PHẢI CHĂNG TỔNG THỐNG TRUMP LÀ CƠ HỘI CUỐI CÙNG CỦA CHÂU ÂU?“

Trước ngày tuyên thệ nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, các „đại sứ chính trị“ của Mỹ do TTh Obama bổ nhiệm sẽ bị triệu hồi về nước, trong đó có ĐS Mỹ tại Berlin. Cựu Đại sứ Mỹ tại Đức John Kornblum có bài viết trên Tờ „Thời báo Frankfurt“ (Frankfurter Allgemeine) ngày 06/1/2017 „PHẢI CHĂNG TỔNG THỐNG TRUMP LÀ CƠ HỘI CUỐI CÙNG CỦA CHÂU ÂU?“ với một số nội dung chính sau:

Một thời đại mới được bắt đầu với việc đắc cử Tổng thống Mỹ của Donald Trump, một thời đại mà người ta khó tiên liệu nó sẽ diễn ra như thế nào. Việc „tính sổ“ với quá khứ sẽ khốc liệt khiến châu Âu rất có thể cũng sẽ bị chủ nghĩa mị dân tương tự lấn lướt. Mọi hình thái cũ không còn thuyết phục nữa. Châu Âu phải chứng minh không chỉ cho Trump mà cho chính cử tri của họ là có khả năng thích ứng với thời đại mới đó.

Nhưng hiện tại thì mọi phản ứng vẫn chỉ dừng ở sự đình đốn và kinh ngạc; thay vì coi những thách thức mà Trump đưa đến là cơ hội để đưa ra những „giải pháp châu Âu“ thì người ta lại chỉ nói đến sự kết thúc của Phương Tây; Thay vì hành động để xử lý nhiều vấn đề của toàn cầu hóa trên bình diện quan hệ xuyên Đại Tây dương thì người ta lại chỉ nhắc đến việc „làm sâu sắc EU“ hoặc tìm kiếm các cơ cấu địa chính trị mới. Thực tế là tất cả đều ngồi chung trên một con thuyền; không có một giải pháp xuyên Đại Tây dương hữu hiệu thì Hoa Kỳ hiện tại không thế tiến triển được, mà châu Âu cũng thế.

Vai trò to lớn của Châu Âu có thể giúp Mỹ trong việc tăng cường sự gắn kết chung của khu vực Bắc Đại Tây dương. Phương Tây không phải đã đến đường cùng. Nhưng nếu như nó không thực hiện được sứ mệnh chính trị và triết học to lớn của mình trong Thế kỷ XXI thì nó sẽ phân rã và đi đến sụp đổ.

Trump là người mị dân, chỉ biết tìm các vụ „làm ăn“ („Deals“) để làm hài lòng cử tri của ông ta, như Rober Shiller (Giải thưởng Nobel) nói. Nhà khoa học này tin chắc rằng chính sách giảm thuế cũng như các dự án hạ tầng hầu như không mang lại lợi ích gì cho cử tri ở tầng lớp trung lưu. Ngược lại, doanh nghiệp sẽ lợi dụng chính sách giảm và giãn thuế để đưa thêm người máy và máy tính vào sử dụng và như vậy vẫn sẽ tiếp tục phá hủy việc làm.

Điều nữa mà Trump sẽ làm khó Châu Âu đó là ông ta hiểu rằng những thỏa thuận xã hội thời hậu chiến đã sụp đổ và tình cảm đã thay thế cho lý trí. Nhưng bản thân ông ta cũng không nhận thức được hết là quá trình này có tính cách mạng như thế nào. Các đảng phái mất dần ý nghĩa và ảnh hưởng của chủ nghĩa ái quốc khu vực gia tăng. Các „Fakten“ (Facts) bị bỏ qua nhưng các dữ liệu (Data) lại trở thành mặt hàng quan trọng. Theo Chủ tịch Tập đoàn Microsof Satya Nadella thì „trong vài thập kỷ tới chúng ta sẽ đạt đến thời điểm là hầu hết đều được số hóa“. Trong lĩnh vực này châu Âu với hệ thống xã hội và việc chú trọng bảo vệ quyền quyền riêng tư sẽ có thể làm được nhiều điều. Trên lĩnh vực công nghệ thông tin thì Mỹ là đứng đầu. Nhưng nước Mỹ của Trump sẽ khó khăn khi xử lý các hệ lụy xã hội từ ứng dụng công nghệ số. Châu Âu không có Thung lũng Silicon nhưng lại có cơ sở xã hội có thể xử lý những virus của quá trình số hóa tốt hơn là „Deal Making“ của Trump.

Trong quá trình toàn cầu hóa, số hóa cũng như trong lĩnh vực nhân quyền, bảo vệ dữ liệu cá nhân thì sự khác biệt giữa Mỹ và Châu Âu thời gian tới sẽ ngày càng lớn. Châu Âu có một tầm nhìn độc lập sẽ giúp cho Trump điều chỉnh những virus trong chính sách của ông ta hay với tư cách là người Mỹ tôi có thể nói: Người ta cần người châu Âu để tương lai có thể thực thi những nguyên tắc dân chủ riêng của họ.

Đối với đa số ở Châu Âu và Mỹ thì chỉ một nước duy nhất có thể trở thành giải pháp triệt để đối lại với Chủ nghĩa mị dân ở châu Âu cũng như xuyên Đại Tây dương. Chỉ duy nhất một nước và một chính khách lãnh đạo có thể làm tốt việc này: Nước Đức và Angela Merkel. Báo giới quốc tế từ lâu đã đi đến nhận định này. Barack Obama khẳng định lại trong chuyến thăm Berlin ngay sau bầu cử ở Mỹ. Nhưng chỉ riêng nước Đức lại không thấy vui vì điều đó. Nếu để cho dễ hiểu về vai trò mới này thì có thể thay khái niệm „lãnh đạo“ bằng từ „trách nhiệm“.

Tương lai đã đến và người ta không chỉ cần ý tưởng lớn của các siêu cường mà cần hơn là chiến lược và hệ thống để kiểm soát những vấn đề như đồng euro, tỵ nạn hay môi trường. Nước Đức hiện đại được trang bị tốt để đóng vai trò như vậy. Nhưng hiện tại nước này từ bẩy thập kỷ qua lại luôn cố gắng chỉ được „bình thường“ như những nước khác và thấy khó khăn khi nhận trách nhiệm làm cho những nước khác cũng có sự „bình thường“ như vậy. Nước Đức còn thiếu tự tin khi phải thể hiện mình trong những điều kiện mới của nền văn hóa toàn cầu Thế kỷ XXI.

Nước Đức không cần trở thành cường quốc theo nghĩa cổ điển, mà trở thành một nước có tầm quan trọng hơn nhiều, trung tâm của chính sách an ninh và kinh tế mới, mắt xích của hệ thống thông tin và logistic gắn kết khu vực Á-Âu với khu vực Bắc Mỹ qua Đại Tây dương. Cả Mỹ và Châu Âu đều không thể để cơ hội này vuột khỏi tầm tay. Điều cần làm là hợp tác nhằm tạo lập sự đồng thuận trên bình diện xuyên Đại Tây dương./.

Nguồn: Đại sứ Nguyễn Hữu Tráng

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >