Phản ứng bị động và thiếu lịch thiệp của Trung Quốc sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết!
Chiều ngày 12/7 (giờ Việt Nam), Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển ở La Hay, Hà Lan đã đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Phán quyết nêu rõ Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để tuyên bố quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên trong vùng biển nằm trong đường 9 đoạn (hay “đường lưỡi bò”).
Phán quyết của Tòa Trọng tài còn khẳng định các thực thể ở quần đảo Trường Sa là những bãi đá, do đó không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Tòa Trọng tài cũng kết luận Trung Quốc đã vi phạm các nghĩa vụ của một nước thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).
Chính giới các nước và báo chí quốc tế đã đồng loạt đăng tải tin, bài phân tích, bình luận về phán quyết của Tòa Trọng tài. Trong đó, đa phần quan chức và giới nghiên cứu các nước đều cho rằng: Đây thực sự là một thắng lợi to lớn của Philippines và một chiến thắng lịch sử của cộng đồng quốc tế trước mưu toan biến Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc. Nhiều nước có tiếng nói quan trọng trên thế giới (Mỹ, Nhật Bản, Úc, Đức, Pháp..) đều thể hiện quan điểm hoan nghênh, ủng hộ phán quyết và kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài.
Trước thất bại này, Bắc Kinh đã tỏ thái độ bất mãn, tuyên bố bất chấp luật pháp quốc tế, ra sức phê phán phán quyết thiếu minh bạch, không công bằng, bất hợp pháp của Tòa Trọng tài, đồng thời đưa ra lập luận, tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông.
Trung Quốc đã đưa ra một loạt tuyên bố cứng rắn, thiếu thiện chí với cộng đồng quốc tế. Ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc ngang nhiên phát biểu: “Các đảo trên Biển Đông từ xưa đến nay đã là lãnh thổ Trung Quốc. Chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc trên Biển Đông không bị ảnh hưởng bởi phán quyết của Tòa Trọng tài trong bất cứ tình hình nào. Trung Quốc không chấp nhận bất cứ chủ trương và hành động nào dựa trên phán quyết của Tòa Trọng tài”.
Bất chấp các hành động trên thực địa, ông Tập Cận Bình còn tuyên bố Trung Quốc sẽ “cống hiến cho duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, đồng thời tái khẳng định yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng con đường “đàm phán” (song phương). Trong phản ứng của Bắc Kinh ngay trong ngày 12/7, Bộ Ngoại giao nước này đã đưa ra đến hai “tuyên bố”, một tuyên bố về phán quyết của Tòa Trọng tài và một tuyên bố về cái gọi là “chủ quyền” và “quyền lợi biển” của Trung Quốc trên Biển Đông. Họ khẳng định “không chấp nhận và không công nhận phán quyết từ Tòa Trọng tài Thường trực về “đường lưỡi bò” đồng thời trắng trợn tuyên bố lại một lần nữa rằng họ “có chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông”, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng còn mặc nhiên lặp lại quan điểm của Bắc Kinh nói rằng việc thành lập Tòa Trọng tài không hợp pháp, Tòa Trọng tài đã “vượt quyền”, cho nên phán quyết “không có giá trị pháp lý”. Ông này còn cáo buộc phán quyết về “đường lưỡi bò” gây “gia tăng căng thẳng” trong khu vực và làm tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định chính trị ở Biển Đông.
Theo các nhà phân tích, các ý kiến chỉ trích của Bắc Kinh đều được đưa ra một cách thiếu cơ sở pháp lý và khoa học nhằm tạo điều kiện để lập luận rằng, phán quyết của Tòa Trọng tài là “không công bằng”, thậm chí “bất hợp pháp”. Trung Quốc là một thành viên của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, một cường quốc trên thế giới, là nước lớn ở châu Á, Trung Quốc cần tôn trọng các nguyên tắc ngoại giao và luật pháp quốc tế. Đây là thời điểm quan trọng để kiểm chứng thiện chí của Trung Quốc với cộng đồng quốc tế; đồng thời giúp các quốc gia khác nhìn nhận rõ ràng hơn về tham vọng bành trướng, bá chủ khu vực châu Á của Trung Quốc.
Bài: Đại Cát - Nguồn ảnh: Van Long VTC
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *