QUAN HỆ ANH-EU THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO SAU NGÀY´LY HÔN´
Cuối cùng, sau bao trở ngại, ngày Anh rời Liên minh châu Âu (EU) cũng tới. Hơn 4 năm qua, người dân hai bên đã nghe nhiều về “cuộc ly hôn” này, song không phải ai cũng mường tượng hết quan hệ song phương sẽ thay đổi như thế nào trong tương lai.
Có một thực tế là tới thời điểm này, những ngày đầu tiên sau khi chia tay, nhiều người dân Anh và EU vẫn chưa cảm nhận chính xác Brexit thật sự sẽ như thế nào, nhiều người không thể hình dung hết kỷ nguyên quan hệ mới giữa hai đồng minh một thời này sẽ đi về đâu.
Rất nhiều thay đổi bắt đầu áp dụng từ sau 23 giờ đêm 31/12/2020, khi Thỏa thuận Quan hệ Anh-EU 2020 chính thức có hiệu lực. Kể từ sau thời điểm ấy, mối quan hệ giữa hai bờ Eo biển Manche bắt đầu thay đổi theo hướng hạn chế hơn nhiều so với trước.
Từ ngày 1/1/2021, Anh-EU chính thức đánh dấu mối quan hệ mới, xa cách hơn, phát sinh nhiều rào cản và thủ tục hơn sau 5 thập kỷ gắn bó mật thiết về kinh tế, văn hóa và gắn kết xã hội. Đây là thay đổi có tác động lớn nhất đối với nền kinh tế và cuộc sống của người dân “đảo quốc sương mù” kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Ông Anand Menon, Giám đốc tổ chức tư vấn “Vương quốc Anh trong một châu Âu thay đổi” đánh giá: “Đó là một cú sốc lớn đối với hệ thống kinh tế của chúng tôi. Ngày đầu tiên của tháng 1/2021, các bạn thức dậy trong một thế giới mới”.
Đại dịch COVID-19 và các lệnh phong tỏa hay đóng cửa biên giới đã làm đứt gãy dòng người tự do dịch chuyển giữa Anh và EU, song điều này sẽ rõ ràng hơn nữa từ ngày 1/1 tới.
Theo thỏa thuận thương mại và quan hệ hậu Brexit đạt được hôm 24/12 vừa qua, gần 1 triệu công dân Anh đang sinh sống hợp pháp tại lãnh thổ các nước EU sẽ được bảo toàn quyền này. Chiều ngược lại, trên 3 triệu công dân EU đang sống và làm việc ở Anh cũng được hưởng quyền lợi tương tự.
Tuy nhiên, công dân Anh từ nay không có quyền đương nhiên được sống và làm việc tại EU như trước đây nữa, và ngược lại công dân EU cũng vậy. Những người muốn nhập cảnh để sinh sống sẽ phải tuân thủ những qui định nhập cư và các thủ tục giấy tờ xét duyệt khác. Có một trường hợp ngoại lệ là những người di chuyển giữa Anh và Ireland vì hai bên duy trì một vùng tự do đi lại riêng rẽ.
Các qui định mới
Dù nhập cảnh để đi nghỉ vẫn được miễn thị thực, song công dân Anh sẽ chỉ được phép lưu lại các nước EU không quá 90 ngày trong vòng 180 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Trong khi đó, Anh cho phép các công dân EU được lưu lại nước này tới 6 tháng liên tiếp.
Từ đầu tháng 10 tới, người dân hai bên sẽ sử dụng hộ chiếu khi nhập cảnh, thay cho thẻ căn cước công dân như trước đây. Ngoài ra, họ cũng sẽ phải xếp hàng làm thủ tục hải quan mỗi khi xuất nhập cảnh, chứ không còn được ưu tiên đi qua cửa riêng như trước.
Với nhiều người Anh đã nghỉ hưu, những người thường ở hơn 3 tháng tại ngôi nhà thứ hai của họ tại vùng duyên hải ngập tràn nắng Costa del Sol của Tây Ban Nha, thì thay đổi này có thể là một cú sốc.
Theo thỏa thuận, công dân Anh đi qua đường hầm Eo biển Manche tới Pháp để vào EU phải trải qua quy trình kiểm tra hải quan mới, với nhiều hạn chế hơn, quy định về thuế và những loại hàng hóa bị cấm. Cụ thể, thịt, sữa và các chế phẩm từ sữa sẽ bị cấm mang vào Pháp, trong khi hoa và rau củ quả phải kiểm dịch. Tuy nhiên, hành khách người Anh không cư trú tại Pháp có thể mua hàng miễn thuế khi rời Paris.
Người Anh ở châu Âu cũng sẽ chỉ còn tối thiểu 6 tháng nữa trên hộ chiếu và để mua bảo hiểm du lịch. Họ sẽ không được cấp Thẻ bảo hiểm y tế châu Âu nữa, giấy tờ đảm bảo công dân Anh có quyền hưởng mọi chế độ chăm sóc sức khỏe trong EU.
Ở chiều ngược lại, London cho biết đang xây dựng một hệ thống chăm sóc sức khỏe để du khách Anh đi du lịch EU và các công dân EU tới thăm Anh vẫn được hưởng bảo hiểm y tế.
Qui định liên quan tới vật nuôi cũng thay đổi đáng kể. Người Anh có thói quen đưa chó, mèo hay chồn đi cùng trong các chuyến nghỉ tới châu Âu sẽ phải xem xét kỹ các thay đổi này, vì Anh không còn được hưởng chính sách hộ chiếu vật nuôi của EU.
Những người chủ của chó hay mèo tại Anh phải tuân thủ các qui định mới, theo đó phải gắn chíp theo dõi và tiêm vaccine cho thú cưng của mình ít nhất 21 ngày trước khi vào EU. Ngoài ra, chủ nuôi cũng cần phải trình được Giấy chứng nhận sức khỏe vật nuôi do một bác sĩ thú y cấp không quá 10 ngày trước khi khởi hành.
Qui định liên quan tới vấn đề lái xe không có nhiều thay đổi. Thỏa thuận “ly hôn” hậu Brexit qui định lái các xe người Anh sẽ không cần phải có một bằng lái quốc tế khi họ lái xe ở EU. Họ có thể lái xe tại các nước EU với bằng lái xe và bảo hiểm Anh, miễn là có thể chứng minh rằng bằng lái được đảm bảo dưới dạng một “thẻ xanh”.
Thay đổi lớn sẽ nằm ở lĩnh vực việc làm. Việc chấm dứt dòng người tự do luân chuyển giữa Anh và EU sẽ gây ảnh hưởng cực lớn đối trong việc thuê lao động, thậm chí là dấu chấm hết cho thị trường lao động trước đây.
Ví dụ, sau khi Brexit, một người mới trở thành công dân Anh đi du lịch tới các đảo của Hy Lạp sẽ không thể tới một quán rượu ven biển và xin việc làm bán thời gian nếu không trình được thị thực cần thiết. Qui định tương tự cũng áp dụng với công dân EU khi tới Anh.
Không chỉ lao động thời vụ ảnh hưởng, các doanh nghiệp lớn cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và tốn kém hơn để thuê lao động tới từ bên kia eo biển. Thỏa thuận thương mại hậu Brexit không có những điều khoản cho phép các nhà thầu hay doanh nhân thực hiện những chuyến công tác ngắn ngày được miễn thị thực nhập cảnh.
Trưởng đoàn đàm phán Liên minh châu Âu (EU), ông Michel Barnier, nhận định rằng thỏa thuận thương mại đạt được với Anh là sự cứu cánh và đảm bảo sự ổn định cho người dân và doanh nghiệp của cả hai bên. Trong khi đó, giới phân tích nhận định năm 2021 sẽ là năm đầy thử thách đối với cả Anh và EU, khi hai bên vừa phải nỗ lực khống chế đại dịch COVID-19, tái thiết kinh tế sau đại dịch, vừa phải lấp đầy những khoảng trống hậu ly hôn.
Nguồn: Thanh Tuấn - Báo Tin tức
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *