SẮC XUÂN VIỆT GIỮA THỦ ĐÔ NƯỚC ĐỨC

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
23/02/2020 | 19:31
Chuyên mục: Văn thơ
0 bình luận
SẮC XUÂN VIỆT GIỮA THỦ ĐÔ NƯỚC ĐỨC

Với những người Việt xa quê lâu năm hay cả những người từ “bên nhà” mới sang, dù dân thường hay quan chức, hễ cứ đến Đồng Xuân là thấy mình như đang ở quê hương.

Nếu ai đó mới đặt trên đến Berlin, nước Đức, muốn hỏi đường về Trung tâm Thương mại Đồng Xuân, ngắn gọn hơn là chợ Đồng Xuân, thì gần như cả người Đức gốc Việt và nhiều người Đức đều có thể chỉ cho bạn một cách rành rẽ và nhiệt thành. Trụ sở của toà thị chính Berlin có một một sa bàn hướng dẫn những điểm du lịch của thành phố. Đồng Xuân được đánh dấu như một nốt son đáng đến với các du khách. 

Với những người Việt xa quê lâu năm hay cả những người từ bên nhà mới sang, hễ cứ đến Đồng Xuân là thấy mình như đang ở quê hương. Đặc biệt mỗi khi Tết đến, Xuân về, Đồng Xuân Berlin không khác gì chợ Đồng Xuân Hà Nội. Hàng hoá ngập tràn hương vị Tết. Nhiều người đến đây không chỉ vì mua sắm mà còn để hưởng chút không khí Tết cho vơi đi nỗi nhớ nhà. Chính vì thế với người Đức và bạn bè quốc tế, Đồng Xuân như một Việt Nam thu nhỏ. Còn với người Việt, Đồng Xuân là “thủ phủ” của cộng đồng Việt nơi xứ người. Bao nhiêu hẹn hò, bao nhiêu cuộc gặp gỡ, bao nhiêu sự kiện lớn nhỏ mọi người đều mời nhau đến đây và đều cảm nhận không gian nơi đây ấm áp không khác gì chính quê hương mình.

Đồng Xuân bây giờ là trung tâm thương mại, trung tâm buôn bán lớn nhất của người Việt tại Đức. Còn nói như nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú trong một lần đến thăm Đồng Xuân thì đây là trung tâm thương mại lớn nhất của người Việt trên toàn thế giới. Hàng hoá ở đây nhiều ăm ắp, không thiếu thứ gì, đủ cả tứ thời, bát tiết. Có khác chăng là ở đây có nhiều mặt hàng có nguồn gốc từ châu Á, từ Việt Nam, trong đó đáng kể hàng may mặc và thực phẩm, rau, quả tươi, gia vị. Từ đây hàng hoá theo chân những người bán lẻ phân phối khắp mọi miền trên toàn nước Đức.

Người Việt kinh doanh tại Trung tâm Thương mại Đồng Xuân

Không chỉ là một trung tâm buôn bán lớn, Đồng Xuân còn là một trung tâm tổ chức sự kiện lớn, nhỏ của cộng đồng người Việt tại Đức, từ những cuộc gặp mang tính chất gia đình như tiệc cưới, tiệc sinh nhật, lễ trưởng thành cho đến cuộc họp mặt của các hội đồng hương cấp xã, cấp huyện, tỉnh... hay các cuộc vận động hướng về Tổ quốc yêu thương; quyên góp từ thiện, nhân đạo của cộng đồng người Việt tại Đức. Nhiều cuộc quyên góp nhận được hàng tỷ đồng ủng hộ đồng bào trong nước bảo vệ chủ quyền biển đảo, hỗ trợ ngư dân bám biển, hỗ trợ bà con bị lũ lụt ở miền Trung, Tây Bắc... Đặc biệt là lễ hội “40 năm người Việt hội nhập và phát triển tại CHLB Đức” nhân kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Đức - Việt cũng được tổ chức tại đây với sự tham gia của hơn 10 nghìn người cả người Việt và người Đức, cả đại diện chính quyền quận và thành phố cùng các nghị sỹ quốc hội của các đảng phái khác nhau trên nước Đức. Ông Nguyễn Thiện Nhân - khi đó là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - cũng có mặt và phát biểu chào mừng. Sự kiện đó thật sự là một ngày hội về sự hội nhập của cộng đồng người Việt tại Đức, cũng là ngày hội của tình hữu nghị nồng thắm giữa nhân dân hai nước Việt - Đức.

 Đặc sản ngày Tết được bày bán tại Trung tâm Thương mại Đồng Xuân

Ngoài chức năng là Trung tâm Thương mại và Trung tâm Tổ chức sự kiện, Đồng Xuân còn là một trung tâm dịch vụ lớn với rất nhiều chuyên ngành khác nhau từ chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp đến bảo hiểm, dạy nghề... phục vụ chủ yếu cho đời sống muôn màu, muôn vẻ của bà con cộng đồng người Việt.

Trung tâm Thương mại Đồng Xuân hiện tọa lạc trên diện tích rộng tới 168.000m2 thuộc quận Lichtenberg - quận đông người Việt nhất thủ đô Berlin - có 8 khu nhà khang trang với hơn 400 gian hàng. Bà con kinh doanh nơi đây phần đông là người Việt, bên cạnh đó còn có người Trung Quốc, người Thổ, người Ấn Độ, người Pakistan, người Nga ... Tất cả quây quần làm ăn, buôn bán, hòa thuận như trong một nhà, không phân biệt màu da, quốc tịch. Ngoài khu vực buôn bán, Đồng Xuân còn có 2 khu văn phòng, một khách sạn 4 sao và một nhà văn hoá đang xây dựng, dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2020.

Để có một Đồng Xuân như bây giờ là cả một chặng đường không ít gian nan, là biết bao công sức, tiền của, trí tuệ và cả nước mắt đã đổ xuống. Ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Trung tâm Thương mại Đồng Xuân cho biết, năm 1989 khi bức tường Berlin sụp đổ, hàng loạt các nhà máy, xí nghiệp nơi người Việt làm việc trong khuôn khổ lao động hợp tác phải đóng cửa. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng chục nghìn người Việt thất nghiệp. Không có việc làm, họ đành phải đổ xô ra hè đường kiếm sống với nghề buôn bán nhỏ lẻ. Trăm thứ bà giằn, miễn là kiếm ra tiền, nhưng phổ biến nhất vẫn là buôn bán quần áo. Đã có chỗ bán hàng phải có nơi giao hàng. Thời kỳ đó những chủ giao hàng đều giao tại căn hộ chật chội nơi mình đang sống trong những khu nhà tập thể, hoặc giao tạm trong những dãy nhà kho trống tuềnh, trống toàng, không nước nóng, không lò sưởi, vừa lạnh lẽo, vừa nhếch nhác, không đủ các điều kiện vệ sinh tối thiểu. Vậy mà nơi giao hàng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu buôn bán ngày càng phát triển của người Việt.

Là một chủ giao hàng lớn thời kỳ đó, ông Hiền nghĩ "sao mình không làm một khu giao hàng để bà con tập trung về đấy buôn bán? Vừa tiện lợi, vừa ấm áp tình cộng đồng, bà con lại đỡ khổ". Nghĩ là làm. Năm 1996, ông Hiền thuê lại kho của công ty Adams trên diện tích 10.000m2 tại thành phố Leipzig để xây dựng Đồng Xuân Markt. Tin ông xây chợ lan truyền rất nhanh. Vì thế ngay khi khu chợ chưa đi vào hoạt động, chỉ mới công bố sơ đồ gian hàng, chỉ non một buổi bà con đã đăng ký hết, không còn một phòng trống. Đồng Xuân Markt đi vào hoạt động, giúp việc buôn bán của bà con nề nếp, ổn định hơn nên được họ và cả chính quyền địa phương ủng hộ. Thành công nối tiếp thành công. Đầu năm 2000, thể theo nguyện vọng của cộng đồng, ông Hiền thuê tiếp mặt bằng cũng rộng 10.000m2 của công ty Rühr để xây dựng Đồng Xuân Center. Đồng Xuân Center cùng với Đồng Xuân Markt là những khu chợ đầu tiên của người Việt tại CHLB Đức và đó cũng là ý tưởng để xây dựng Đồng Xuân Berlin sau đó.

Một gian hàng tại Trung tâm Thương mại Đồng Xuân vào dịp Giáng Sinh

Ông Hiền chia sẻ, Đồng Xuân vốn là một địa danh ở Hà Nội, rất quen thuộc với người Việt. Lấy tên gọi này là muốn bà con kinh doanh ở đây cảm thấy như đang làm ăn trên chính quê hương mình, vừa để bà con yên tâm làm ăn, vừa như sự nhắc nhở bà con luôn nhớ về quê hương. Còn nữa, tên “chợ Đồng Xuân” vì đã rất quen thuộc, tự thân nó cũng có sức hấp dẫn đối với khách hàng, đặc biệt với khách hàng người Việt.

Đúng lúc hai khu giao hàng của Đồng Xuân ở Leipzig đang hoạt động hiệu quả thì khu giao hàng ở Marzahn 17 - khu giao hàng lớn nhất của người Việt tại Berlin - bị đóng cửa khiến cho các chủ giao hàng long đong, lận đận. Hai khu giao hàng nhỏ thời đó là Rhin100 và Rhin85 lâm vào thế quá tải. Trước tình thế đó, bà con giao hàng ở Berlin muốn có một khu giao hàng nữa và họ mong rằng với kinh nghiệm của việc xây dựng Đồng Xuân ở Leipzig, ông Hiền sẽ xây dựng một Đồng Xuân bề thế ở Berlin. Nghĩ là làm, ông Hiền tổ chức cuộc họp tại Rhin85. Sau khi nhận được sự đồng thuận của mọi người, ông gấp rút tìm địa điểm. Khu Josef-Orlopp-Straße 96-106 cũng với diện tích khoảng 10.000m2 được lựa chọn. Và cũng chỉ trong một buổi công bố dự án, các gian hàng đã được đăng ký hết sạch. Địa điểm này cũng là khu nhà kho thuê lại, chỉ ngăn sửa bên trong là đi vào hoạt động. Đồng Xuân Markt của Berlin ra đời nhanh chóng và thành công như vậy, là vì nó xuất hiện đúng thời điểm và hợp lòng người. Đó cũng là cơ duyên, cơ hội để Đồng Xuân bắt rễ, bật mầm, xanh tươi trên mảnh đất Berlin mầu mỡ.

Đến thời điểm đó, với ba khu giao hàng ở 2 thành phố lớn dù rất hiệu quả nhưng tiền trả cho thuê kho cũng không rẻ chút nào. Chưa kể diện tích mặt bằng các kho còn quá nhỏ so với nhu cầu buôn bán ngày càng phát triển của cộng đồng người Việt, đặc biệt cộng đồng người Việt ở Berlin. Phải mua đất xây chợ, ý tưởng đó hình thành và cứ thôi thúc trong suy nghĩ của ông Hiền. Sẵn tiện có khu giao hàng ở Marzahn 17 rao bán. Ông đặt vấn đề mua. Rất tiếc giá bán quá cao, chưa kể việc diện tích nơi này chưa đủ rộng, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của bà con. Lại phải tìm kiếm nơi khác. Lần mò mãi rồi vận may cũng đến. Đó chính là khu đất rộng 168.000m2 của quận Lichtenberg. Trên một mảnh đất gần như hoang tàn. Chưa nói đến tiền của, công sức, tâm huyết, chỉ riêng thời gian làm thủ tục, thiết kế, xây dựng, hoàn thiện hai khu nhà giao hàng là khu nhà 1 và 2 đã hết trọn 2 năm trời. Ngày 15/2/2004 là ngày khai trương hai khu nhà đầu tiên của Đồng Xuân. Tục ngữ Việt có câu “an cư, lạc nghiệp”, có được một gian hàng sạch sẽ, khang trang, quy củ trong một khu giao hàng rộng lớn, rất tiện nghi là mơ ước của bao người. Nó giúp các doanh nghiệp, các gia đình kinh doanh tốt hơn, làm ăn thuận lợi, đời sống khá giả hơn. Cũng từ Đồng Xuân, người Đức nói chung và các nhà chức trách nói riêng thấy cung cách làm ăn của người Việt có sự phát triển từ quy mô, đến hình thức, đến cả ý thức và phong cách. Và vì thế, cách nhìn của họ với người Việt cũng thiện cảm, nể phục hơn.

Khi chúng tôi hỏi, "để xây dựng Đồng Xuân Berlin trong những ngày đầu tiên ấy, đâu là khó khăn lớn nhất mà ông đã vượt qua?". Trầm ngâm một lúc, ông Hiền bộc bạch: Có hai khó khăn. Cái thứ nhất là sự cản phá của lối cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh của một số ít người Việt. Điều thứ hai là vấn đề về vốn. Cạnh tranh lành mạnh là cần thiết, ông Hiền khẳng định. Nếu không có cạnh tranh, Đồng Xuân không có được ngày hôm nay. Cạnh tranh giúp doanh nghiệp phải đầu tư lớn hơn, làm ăn quy củ và đàng hoàng hơn. Vì thế doanh nghiệp lớn, nhỏ đều phải luôn cố gắng để ổn định và phát triển. Nhưng cạnh tranh không lành mạnh, đặc biệt những thư đe doạ, những hành động kém văn hóa, thậm chí đe dọa tính mạng khiến cho người đầu tư không yên tâm. "Thời gian đó, tôi phải ngồi trong xe thùng mỗi khi cần di chuyển. Mỗi đêm ngủ ở một khách sạn khác nhau. Thậm chí, theo đề nghị của công an phía Đức, tôi phải tạm lánh về Việt Nam một tháng. Nếu không đủ bản lĩnh và trách nhiệm, chắc chắn tôi đã phải từ bỏ những kế hoạch, những dự án mà mình ấp ủ thực hiện. Cũng may nhờ các cơ quan chức năng của Đức vào cuộc, nhờ sự ủng hộ, chở che của các doanh nghiệp mà Đồng Xuân vượt qua được những khó khăn rất cam go và đi vào xây dựng", ông Hiền kể lại.

"Còn khó khăn về tiền vốn? Vì mua một khu đất quá rộng lớn nên bao nhiêu vốn liếng của doanh nghiệp dốc ra hết. Đến khi bước vào xây dựng doanh nghiệp gần như trắng tay. Đi vay, ngân hàng nào cũng từ chối vì một dự án chưa từng có ở nước Đức khiến họ nghi ngờ tính khả thi về sự hoàn trả. Lại phải đi vận động, thuyết phục các đơn vị xây dựng để họ tin cậy và đồng ý cho trả tiền dần nên việc xây dựng được tiến hành thuận lợi và ngày khai trương được diễn ra đúng như dự kiến".

Đó là ngày mà nhiều bà con đang kinh doanh tại Đồng Xuân Markt khu Josef-Orlopp hoan hỉ dọn về Trung tâm Thương mại Đồng Xuân mới ở Herzbergstraße 128-139, 10365 Berlin. Nhưng ít ai biết để có được điều đó, chủ doanh nghiệp Đồng Xuân vẫn phải âm thầm trả tiền thuê kho cũ với mức 45.000 Euro/1 tháng trong vòng 3 năm, vì hợp đồng 5 năm đã được ký trước đó. Nếu không mạnh dạn, quyết đoán cho một tương lai xa hơn của Đồng Xuân, ít ai dám bỏ ra một đống tiền lớn đến như vậy.

Khi khu 1 và 2 đi vào hoạt động có hiệu quả, Đồng Xuân được nhiều người biết đến thì các ngân hàng bắt đầu mở hầu bao. Do nguồn tiền được mở và xuất phát từ nhu cầu của các chủ giao hàng, Đồng Xuân tiếp tục xây dựng thêm khu 3, rồi các khu kho 4 và 5. Cứ có cầu là Đồng Xuân tiếp tục cung. Từ đó ra đời liên tiếp các khu 8, 6. Và gần đây nhất là khu 18.

Đồng Xuân bây giờ không còn là một công ty đơn lẻ nữa mà trở thành tập đoàn Đồng Xuân với nhiều công ty hợp thành. Ngoài khu Trung tâm Thương mại rộng lớn, Đồng Xuân còn có khách sạn Đồng Xuân đẳng cấp 4 sao, có khu liên hợp Lehop sản xuất thực phẩm, có các công ty xuất nhập khẩu và phân phối thực phẩm Á Châu, có các công ty kinh doanh bất động sản và hệ thống nhà hàng. Ngoài nhà văn hoá đang xây dựng và hoàn tất vào cuối năm 2020, cũng trong năm này Đồng Xuân sẽ xây dựng và đưa vào sử dụng nhà máy sản xuất mỳ với số vốn đầu tư trên chục triệu Euro. Đó là còn chưa tính đến các dự án bất động sản như xây khu biệt thự, khu chung cư, khu tập thể thao và bãi đỗ xe... Tất cả các dự án đó đều chỉ chờ động thổ, khởi công xây dựng trong một vài năm tới.

Để có một Đồng Xuân thành công như ngày hôm nay, đâu là bài học được rút ra? Dường như không cần suy nghĩ, ông Nguyễn Văn Hiền rành rọt chia sẻ: "Có bốn bài học mà tôi đã nhiều đêm nghiền ngẫm và rút đúc. Chắc chắn nó không chỉ đúng cho Đồng Xuân mà còn đúng cho bất cứ doanh nghiệp nào đã thành công hay muốn thành công. Thứ nhất là chọn đúng nghề. Tức là định hướng đúng. Thứ hai là tâm huyết với nghề. Thứ ba, phải quyết đoán trong chỉ đạo và thứ tư là biết chia sẻ lợi nhuận. Tâm huyết với nghề có nghĩa là chịu khó, là say mê. Phải chịu khó mới có thành quả. Phải say mê mới có sáng tạo. Có thời kỳ những người ở cùng khu tập thể gọi tôi là Hiền “đồng hồ”. Vì ngày nào cũng vậy, cứ khuya khi tôi trở về căn hộ, nghe tiếng giày gõ trong hành lang là biết 12h đêm. Nghe tiếng giày tôi trở dậy đi làm là biết 5h sáng. Khi đang xây dựng Đồng Xuân Berlin và khi Trung tâm Thương mại này vừa đi vào hoạt động, rất nhiều năm tôi không có một kỳ nghỉ. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn giữ thói quen dậy sớm làm việc và làm việc mỗi ngày 10-12 tiếng".

"Đương nhiên đấy là những yếu tố cá nhân, yếu tố chủ quan. Để Đồng Xuân có được như hôm nay còn có những tác động của những nhân tố khách quan cực kỳ quan trọng khác. Đấy là sự ủng hộ của bà con cộng đồng người Việt tại Đức, trước hết là của những bà con kinh doanh, buôn bán trong Trung tâm Thương mại Đồng Xuân. Thứ hai là sự ủng hộ của chính giới Đức, đặc biệt của các nhà chức trách thuộc quận Lichtenberg và người dân Đức. Thứ ba là sự quan tâm và ủng hộ của cơ quan đại diện Nhà nước ta tại Đức, đặc biệt là các vị Đại sứ và Tham tán thương mại qua các thời kỳ".

Với đà phát triển nhanh và liên tục từ khi hình thành đến nay, nhất là trong mấy năm gần đây, Đồng Xuân đang là doanh nghiệp dẫn đầu, là niềm tự hào của người Việt tại Đức, đồng thời là điểm nhấn tốt lành của người Việt trong cách nhìn của người Đức, chính giới Đức. Đồng Xuân quả đúng như tên gọi của nó - là một màu xanh hy vọng, một sắc Xuân Việt giữa thủ đô nước Đức.

Nguồn bài và ảnh: Hùng Lý (Từ Berlin, CHLB Đức) gửi BBT Viet-bao.de - Đăng trên vietnamnet.vn

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >