SỰ TÍCH HOA MAI VÀNG
Ngày xưa, có một gia đình nọ sinh được hai cô con gái. Người con gái út vốn giàu lòng thương người, thậm chí còn yêu thương cả 3 ông Táo đá núi trong nhà, đặc biệt là ông Táo già. Ông thường hiện lên trò chuyện với hai chị em. Biết ông cần cá chép để cưỡi về trời mỗi dịp 23 Tết âm lịch, hai chị em lại tặng ông con cá chép, bỏ vào bếp để ông bay về trời.
Bố của hai cô bé là người săn thú rất tài, nhưng không muốn truyền nghề cho hai cô con gái. Tuy nhiên, cô em lại rất thích nghề của cha, lên 5 tuổi cô đã giỏi cả côn, quyền, đao kiếm và thường xuyên theo cha đi săn. Ngay lần đầu đi cùng cha, cô đã săn được một con lợn lòi hung dữ.
Trong vùng bỗng xuất hiện một con quái vật đầu người mình báo, hai cha con không khó khăn gì để diệt được quái. Nhưng chỉ vài năm sau, lại xuất hiện một con quái đầu người mình trăn, sức khỏe ghê gớm, có thể quấn chết một con bò mộng chỉ trong chớp mắt. Hai cha con lần này lại quyết định lên đường diệt trừ yêu quái, mặc cho cho người vợ hết mực can ngăn. Biết không thể lay chuyển được quyết định đó, người mẹ đã may áo mới cho hai cô con gái ăn Tết, và lấy nghệ nhuộm vàng chiếc áo cho cô con gái nhỏ theo mong muốn của cô. Trước khi đi, cô gái nhỏ không quên chào ông Táo già và hẹn ông ngày trở về để kể chuyện cho ông nghe. Hai cha con đi ròng rã một tháng trời mới đến nơi có quái thú. Mất hai ngày mà vẫn chưa diệt nổi con quái hung dữ, cô gái nhỏ bèn nghĩ ra cách đánh găm chặt đuôi con quái vào thân cây và chặt được đầu nó. Nhưng trước khi chết, con quái quẫy mạnh một cái dứt được đuôi khỏi thân cây và quấn chặt lấy thân cô gái nhỏ. Người cha đau đớn ôm xác con về chôn cất và dân làng lập đền thờ cô bé.
Vốn giàu lòng thương, cô gái nhỏ biết mẹ và chị mình sẽ rất đau khổ, bèn xin thần Đất biến mình thành con chim lông vàng rực rỡ bay về hiên nhà mấy tiếng rồi lại bay đi. Biết con đã mất, bà mẹ ngã ngất bên bếp lửa. Ông Táo già sưởi ấm làm bà tỉnh lại và hứa xin trời cho cô bé sống lại. Ông lên trời tối 23 thì 28 trở về báo rằng, cô bé mất đã quá ngày, trời chỉ có thể cứu cô bé sống lại 9 ngày kể từ chiều 29 Tết.
Và cứ như vậy, mỗi năm đến chiều 29 Tết, cô gái nhỏ lại trở về nhà trong chiếc áo vàng mẹ may và đến tối mùng 7, cô lại ra đi – tan biến.
Khi cha, mẹ và chị không còn, cô gái nhỏ không trở về nữa và biến thành cây hoa có màu vàng tươi như sắc áo cô mặc, mọc ngay cạnh ngôi đền thờ cô. Cây ấy hầu như cả năm chỉ có lá, nhưng đến gần Tết lại nở đầy hoa. Hoa vui Tết với bà con chòm xóm 9, 10 ngày rồi rụng xuống đất, để rồi năm sau lại đúng dịp này – trở về.
Cây hoa ấy được bà con trìu mến gọi là cây mai vàng. Ngày Tết ở miền Trung và ở Nam Bộ, bà con thường mua một cành mai vàng về cắm trên bàn thờ ông bà. Họ tin rằng, có cành mai vàng vừa đẹp nhà vừa vui Tết, lại vừa có thể xua đuổi được các loài ma quái trong suốt cả năm.
Nguồn Nguyễn Ngọc Tư (Tóm tắt theo truyện “Sự tích hoa mai vàng” trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam) - Ảnh bìa "cụ mai" 80 tuổi ở Vĩnh Long
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *