TẠI SAO BẦU CỬ Ở PHÁP LẠI LÀM ĐỨC LO NGẠI?

Đăng bởi:
23/04/2017 | 22:15
Chuyên mục: Tin thế giới
0 bình luận
TẠI SAO BẦU CỬ Ở PHÁP LẠI LÀM ĐỨC LO NGẠI?

Cuối tuần này Pháp chính thức bước vào vòng bầu cử Tổng thống. Một cuộc bầu cử không giống bất cứ cuộc bầu cử nào trước đó như nhiều nhận xét ở Đức. Trục Đức-Pháp được khởi xướng từ sau kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai, do Tổng thống nền „Cộng hòa thứ năm“ Charles de Gaulle bên Pháp và Konrad Adenauer, Thủ tướng đầu tiên của Cộng hòa Liên bang Đức dày công xây dựng đã trở thành nền tảng cho một châu Âu thống nhất trong thể chế EU sau này. Trong bối cảnh nước Anh bước vào cuộc bầu cử sớm nhằm đẩy nhanh quá trình ra khỏi EU (Brexit) với nhiều lợi thế cho mình, thì hơn bao giờ hết giới quan sát thế giới lại hướng cái nhìn về Paris và Berlin. Và không chỉ Đức, có lẽ cả châu Âu cũng hồi hộp theo dõi sát quá trình tranh cử thời gian qua, cũng như nín thở chờ xem kết quả bầu cử trong những ngày tới.

Châu Âu nói chung và Đức nói riêng lo ngại bởi nhiều lẽ:

Thứ nhất, mặc dù làn sóng thiên hữu, mị dân từ bên kia bờ Đại Tây dương có vẻ như đã bị chặn đứng qua kết quả bầu cử ở Hà Lan vừa qua, nhưng xu hướng này vẫn còn đang khá mạnh ở Pháp. Điều này thể hiện qua kết quả thăm dò dư luận mới nhất thì đảng thiên hữu Front National của bà Marine Le Pen giành được 22% tín nhiệm của cử tri. Tỷ lệ này là khá cao nếu so với ứng viên của đảng cánh tả Jean-Luc Melenchon 18% và Đảng xã hội Benoit Hanon đạt có 7,5% số phiếu tín nhiệm. Đáng lo ngại là ngày càng nhiều cử tri thuộc tầng lớp bình dân, người lao động lại ủng hộ chính sách mà Đảng dân tộc cực hữu đưa ra.

Thứ hai, xu hướng tiêu cực đối với EU và các thể chế của EU đang ngày càng gia tăng ở cả bên hữu lẫn bên tả trong xã hội Pháp. Điều này khác hoàn toàn so với ở Đức. Nếu cộng số phiếu tín nhiệm của ba đảng thiên hữu và thiên tả nói ở trên, con số đã lên đến 50%. Marine Le Pen đã từng tuyên bố nếu thắng cử bà sẽ đưa nước Pháp rời EU ngay lập tức (sau này có điều chỉnh cho nhẹ đi, là trong vòng 6 tháng sẽ tổ chức trưng cầu dân ý cho việc Frexit này), thay thế đồng euro bằng đồng nội tệ riêng và ngăn biên giới, rút khỏi không gian tự do đi lại Schengen. Bằng hình thức này hay hình thức khác, hai đảng cánh tả và Đảng XH Pháp đều muốn rời khỏi thể chế hiện thời của EU. Với họ tư tưởng thống nhất châu Âu là tốt đẹp, nhưng thể chế như hiện nay không còn phù hợp và cần cải cách triệt để, điều Đức lại không ủng hộ.

Thứ ba, dù hai xu hướng chính trị có vẻ đối lập nhau nhưng lại cùng mục tiêu như trên không thắng cử lần này mà Emmanuel Macron hay François Fillon, những người nhiệt tình cổ súy cho EU lên làm Tổng thống thì đối với EU, nước Pháp của ngày hôm nay không còn là nước Pháp của ngày hôm qua nữa. EU vẫn sẽ là tổ chức được Đức hậu thuẫn mạnh mẽ nhất nhưng Đức sẽ đơn độc, không còn dựa được vào „trục Đức-Pháp“ như xưa. Bà Chantal Delsol, Giáo sư tại Đại học Tổng hợp Marne-la-Vallée (Pháp) cho rằng không phải một châu Âu lục địa có chung nền văn hóa hay quan hệ Pháp-Đức có vấn đề. Nó vẫn sống động và mang lại phồn vinh. Ốm yếu hay bệnh hoạn có chăng là thể chế của châu Âu. Người dân Pháp không còn tin vào các thể chế hiện hành ở cả Paris hay Brüssel. Năm 2005 54% cử tri Pháp đã bỏ phiếu chống lại một Hiến pháp chung châu Âu, nhưng sau đó Hiệp ước Lissabon vẫn được ký kết. Cử tri Pháp cho rằng ý kiến đa số của người dân Pháp đã không được tôn trọng và lắng nghe. Họ yêu cầu được tự chủ nhiều hơn trong các quyết định liên quan đến mình, không phải là bị „áp đặt“ từ Brüssel.

Trong trường hợp „Frexit“ thì EU coi như cũng được báo tử.

Thứ tư, bất kể kết quả bầu cử ở Pháp như thế nào thì thời gian tới đây sẽ là thời gian cực kỳ khó khăn cho EU và cho Đức. Đức là nước lớn nhất EU, có trách nhiệm nặng nề và trên thực tế rất nhiều dự án của EU cần có được sự ủng hộ của Đức. Nhưng trong rất nhiều dự án này thì Pháp lại là người phản đối. Cụ thể mới đây là xử lý khủng hoảng tỵ nạn. Chủ trương phân bổ đồng đều người tỵ nạn đến Italia và Hy Lạp và đóng góp kinh phí cho xử lý khủng hoảng trong EU như đề nghị của Đức không được sự ủng hộ của Pháp. Tương tự là việc hợp tác chống khủng bố. Việc Đức xuất khẩu nhiều sang Pháp và thặng dư thương mại nghiêng nhiều về Đức cũng bị coi là bất bình đẳng trong EU và gây thiệt hại kinh tế cho các thành viên khác.

Thế giới vốn phức tạp nay lại càng phức tạp hơn. Châu Âu có hòa bình và thịnh vượng trong 70 năm qua nay cũng đang trải qua những tháng ngày dậy sóng. Để đối phó với một Tổng thống Mỹ „bất trắc, khó lường“ và xu hướng thiên hữu, mị dân, bảo hộ mậu dịch của ông, cũng như đối phó với một nước Nga của Putin hay một Trung Quốc đang ngày càng khẳng định sức mạnh của họ trên con đường trở thành siêu cường, 500 triệu người dân châu Âu không thể không dựa vào Đức. Chỉ có điều nước Đức sẽ như thế nào sau bầu cử tháng 9 tới là câu hỏi còn để ngỏ hiện nay./.

Nguồn: Đại sứ Nguyễn Hữu Tráng - (Ảnh bìa minh họa Internet miễn phí)

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
< ...