THÀNH CÔNG CỦA NHÀ KHOA HỌC KARINKO KATALIN ĐẾN SAU 40 NĂM THẤT BẠI

Đăng bởi:
07/06/2023 | 09:55
Chuyên mục: Sức khỏe
0 bình luận
THÀNH CÔNG CỦA NHÀ KHOA HỌC KARINKO KATALIN ĐẾN SAU 40 NĂM THẤT BẠI

Cuộc trò chuyện giữa nhà khoa học Karinko Katalin, nhà phát minh công nghệ m-RNA tạo vacxin chống Covid-19 và Tiến Sĩ Phạm Trường Sơn Hungari.

“Có hạnh phúc để đạt được thành công chứ không phải đạt được thành công bằng mọi giá để quy đổi ra hạnh phúc”

Một bài diễn thuyết tuyệt vời khai thông được nhiều triết lý sống gói gọn trong 2 tiếng ở Viện Hàn Lâm Khoa Học Hungary mà mình may mắn tham gia.

Bà Karinko Katalin, niềm tự hào của nước Hungary, nhà nghiên cứu công nghệ mRNA để tạo vaccine chống Covid19. Bà đã mở ra một kỉ nguyên mới, một bước tiến vượt bậc để làm vacicne chỉ trong vòng vài tháng thay vì 5-10 năm như trước đây, mấu chốt chống lại dịch bệnh trong tương lai. 

Công nghệ mRNA sẽ không dừng lại ở sản xuất vaccine, mà trong tương lai không xa, hàng loạt "trọng bệnh” như ung thư, đột quỵ, hay các bệnh hiểm nghèo khác cũng sẽ được chữa khỏi.

Ít ai biết rằng hào quang đến với nữ khoa học 68 tuổi này chỉ trong đại dịch sau hơn 40 năm miệt mài nếm mùi thất bại. Bà mở bài bằng một tấm bằng khen năm 6 tuổi, Bà nửa đùa nửa chua chát rằng mãi đến gần 60 năm sau bà mới lại có cơ hội nhận bằng khen trong đời. Cả khán vòng vỗ tay nhiệt liệt.

Để đạt được thành công này, bà phải rèn kĩ năng kiên định trước thất bại và vượt qua sự xem thường của đồng nghiệp. Bị đuổi việc đến 4 lần, từ Hungary trốn sang Mỹ, mấy chục năm chẳng ai ghi nhận bà, không ai tin vào công trình điên rồ của bà vì cho rằng nó không có giá trị thực tiễn, do mRNA không bền, không thể tồn tại lâu trong cơ thể.

Bí quyết của bà là trao cả cuộc đời cho niềm tin sẽ làm được! Đạp qua dư luận, qua lời châm biếm, qua khó khăn vì không tìm được tiền tài trợ... Bà đã điều chế hơn 6000 chuỗi m-RNA khác nhau gần như tất cả không sử dụng được, để rồi sau hơn 40 năm làm việc chỉ một trong vài sợi mRNA trong hàng ngàn sợi ấy đã đủ bền vững để tồn tại trong cơ thể, mở toang ứng dụng mới cho mRNA trong nhiều lĩnh vực. 

Tuy nhiên ít ai quan tâm nó cho đến khi đại dịch bùng phát năm 2020, cả thế giới nín thở chờ điều kì diệu từ khoa học. Và vaccine làm theo công nghệ mRNA của bà được ra đời sớm nhất với hiệu quả cao nhất vượt qua cách làm vaccine truyền thống.

Thế là bà được tung hô khắp nơi, từ Zero thành Hero chỉ trong tích tắc.

Bà chia sẻ " Tôi may mắn khi gặp quá nhiều trở ngại, nhưng cứ sau mỗi lần bị đuổi việc tôi không trách người mà tự trách mình chưa có đủ bằng chứng thuyết phục về m-RNA, thế là tôi lại càng phải cố gắng hơn. Tôi phải cám ơn những thất bại này, vì nếu thành công sớm hơn thì chưa chắc tôi đã theo đuổi đến cùng công trình khó nhằn này".

Bà không hề "vuốt mặt nể mũi" quan khách của Viện Khoa Học khi thẳng thắn chạm vào nỗi nhức nhối trong giới khoa học là nghiên cứu vì danh chứ không phải vì mục đích cao đẹp. 

Bà vẽ một vòng tròn, trong đó nhà nghiên cứu trẻ ban đầu xuất thân với đam mê muốn thay đổi thế giới đã dốc toàn tâm, thời gian vào nghiên cứu.

Nghịch lý là khi có thành công nhỏ thì sẽ nhận được tiền tài trợ ngày càng nhiều để mở rộng phòng thí nghiệm, được thăng chức, được bổng lộc... từ đó nhà nghiên cứu bị đặt trong một đường băng phải chạy đua với thời gian để liên tục "sản xuất" các công trình kém chất lượng hơn để duy trì danh vọng nhưng lại phản bội và xa rời lý tưởng cao đẹp ban đầu.

Cú tát đó khá sốc đụng chạm không ít học giả tham dự, nhất là Viện Trưởng rời khán phòng khi bài diễn thuyết chưa kết thúc. Bà nói quá đúng. Khi Nhà khoa học đưa lên làm quản lý sẽ tạo ra một người quản lý tồi và làm thui chột khả năng sáng tạo. Bà may mắn thoát khỏi vòng tròn chôn tài năng đó để đủ thời gian theo đuổi đam mê của mình. 

Không phải ai cũng đủ kiên định như bà, đứng ngoài thời cuộc để theo đuổi đến cùng niềm tin mãnh liệt mà bà vạch ra từ khi còn trẻ.

Những câu hỏi từ khách tham dự rất hay "Là một người mẹ, người vợ bí quyết của bà là gì để cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp?" Bà trả lời: "Đó là chọn được người bạn đời phù hợp, hiểu và tôn trọng lý tưởng sống của bạn". Bà kể trong mấy chục năm nghiên cứu, chồng bà là người trông con, là đầu bếp chính, là người luôn động viên khi có đôi lúc yếu mềm.

Cũng có những câu hỏi khá "cắc cớ" khi một thành viên của nhóm chống vaccine đã dõng dạc kết tội bà và vaccine là phi đạo đức vì gây tử vong cao hơn đặc biệt là hại cho trẻ con... Bà khiêm nhường nhưng cũng vô cùng mạnh mẽ trả lời: "Tôi khuyên bạn muốn biết sự thật thì thay vì việc đọc báo lá cải và nghe lời đồn thổi hãy nên bỏ it thời gian để đọc các số liệu thống kê thật từ khắp nơi trên toàn cầu về tác dụng của vaccine, việc vaccine giúp giảm nguy cơ tử vong và bệnh nặng. Với trẻ em, các số liệu từ các bệnh viện nhi cho thấy các bé nhập viện vì Covid hầu hết do thiếu 2 loại gen đặc biệt trong cơ thể khiến sự viêm tăng cao đến mức nguy hiểm. Có ai là người biết con cái mình có thiếu gen đó hay không? Vì vậy việc tiêm cho các cháu là cần thiết. Vaccine sẽ không bảo vệ hoàn toàn, sẽ vẫn có người tử vong nhưng so sánh toàn diện thì vẫn nhiều lợi hơn hại". Câu trả lời nhận được tràng pháo tay giòn dã.

Rõ ràng nhiều người chống đối vaccine chỉ lấy những trường hợp đặc biệt để chỉ trích nhưng họ quên rằng đã hàng triệu triệu người được sống nhờ vaccine, còn những ai chống đối vaccine thì nhiều khi đã nằm sâu dưới tấc đất không còn cơ hội sửa sai.

Cũng một câu hỏi khó khác thể hiện được bản lĩnh của bà khi khán giả hỏi: "Liệu bà có lo ngại khi công trình của mình có thể biến thành vũ khí sinh học trong tương lai để huỷ diệt loài người hay không?"Bà nói "Chiếc búa đập đá xây nhà thì cũng chiếc búa ấy có thể giết người, tuỳ vào người sử dụng nó. Tôi chỉ là người làm ra chiếc búa, còn mục đích sử dụng thì tôi không thể kiểm soát được".

Một câu hỏi hay khác "Bà dự đoán thế nào về vaccine trong tương lai, liệu có thay đổi toàn bộ nền y học hiện đại hay không?".

- Bà trả lời nhẹ nhàng: "Các bạn đừng tin người ngoài chuyên môn phát biểu về cái họ không đủ kiến thức và trải nghiệm trả lời cho bạn. Giống như trước đây một vị khoa học đoạt giải Noel y học những năm 80 đã từng hùng hồn cho rằng bệnh AIDS không phải do virus HIV gây ra, trong suốt 3 năm người ta vẫn tin vị này đúng cho đến một ngày các số liệu đã lật đổ nhận định này. Tôi chỉ là một nhà sinh học am hiểu về m-RNA, tôi không xấu hổ khi thừa nhận là tôi không xứng đáng với chức danh nhà sinh học vì nó quá rộng, tôi chỉ hiểu biết một phần rất rất nhỏ đó là m-RNA, vì vậy tôi không đủ kiến thức để trả lời dự báo quá rộng của bạn".

Trong sự khiêm tốn đó, người làm khoa học không khó để thấy được thành công đến với bà không phải là ngẫu nhiên. Vì để làm ra 6000 chuỗi m-RNA thì ít nhất 30 năm công sức điều chế trong phòng thí nghiệm. Nhưng cái không kém phần quan trọng là việc xử lý dữ liệu khổng lồ từ nghiên cứu, từ hàng nghìn bài báo khoa học được bà sắp xếp ngăn nắp trong từng tệp dữ liệu online, các thay đổi, các kết quả được lưu nghiêm túc trong mấy chục năm trời mà bất kì lúc nào cũng có thể tìm được. Nó đòi hỏi tính logich sắp xếp và sự NGHIÊM TÚC, KỈ LUẬT trong việc giữ số liệu thế nào. Có những phát hiện quan trọng bà đã giải mã ra sau khi so sánh số liệu của 24 năm nghiên cứu.

Đó là điều phi thường mà không phải ai làm khoa học cũng làm được!!!

Ấn tượng nhất về bài diễn thuyết là quan niệm của bà về sự thành công. "Ranh giới quá mong manh, trước đó tôi còn bị bêu xấu là nhà nghiên cứu hậu đậu nhất vì mấy chục năm không cắm dùi được tại bất kì trường đại học nào tôi được xem là KẺ THẤT BẠI, thế mà sau đó người ta tung hô tôi là người THÀNH CÔNG. Con gái tôi vận động viên chèo thuyền 2 lần đoạt huy chương vàng Olimpic thế giới đã cùng tôi chia sẻ về sự thành công, cả hai chúng tôi giống nhau là chỉ biết chèo ngược không nhìn thấy phía trước, nhưng ít ra con tôi biết được bao giờ mình đến đích và trong chặng đường ấy được biết bao người cổ vũ. Còn tôi cô đơn trên đường đua của mình mấy chục năm vì không ai tin tôi cả. Tôi may mắn cuối cùng cũng đến được đích nhưng còn bao nhiêu nhà khoa học không có được may mắn đó. Vì vậy đối với tôi, thành công là được làm gì mình muốn và... "Có hạnh phúc để đạt được thành công chứ không phải đạt được thành công bằng mọi giá để quy đổi ra hạnh phúc".

Câu nói quá xuất sắc làm mình nổi hết cả gai ốc cũng khép lại buổi tọa đàm cùng nhà nghiên cứu xuất chúng Karinko Katalin. 

Cám ơn Bà đã cho mình một động lực để vượt qua mọi thử thách, khó khăn như Thiền Sư Thích Nhất Hạnh từng nói “Không có BÙN thì chẳng bao giờ có SEN” 

Bà nhận ra mình sau sự kiện gặp gỡ cách đây 2 năm, mắt vẫn sáng quắc và thần thái. Ngưỡng mộ người phụ nữ thay đổi cả thế giới bằng khối óc của mình.

Bài của Tiến Sĩ Phạm Trường Sơn Hungari.

 

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
< ...