THẾ GIỚI 30.8, GHI NHẬN 217.415.551 MẮC COVID-19 VÀ CÓ 194,3 NGƯỜI ĐÃ BÌNH PHỤC

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
30/08/2021 | 22:03
Chuyên mục: Tin thế giới
0 bình luận
THẾ GIỚI 30.8, GHI NHẬN 217.415.551 MẮC COVID-19 VÀ CÓ 194,3 NGƯỜI ĐÃ BÌNH PHỤC

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 (giờ Việt Nam) ngày 30/8, thế giới đã ghi nhận 217.415.551 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.518.600 ca tử vong. Hiện 194.329.776 bệnh nhân đã bình phục và 18.567.175 bệnh nhân đang phải điều trị, trong số này 113.592 ca đang trong tình trạng nguy kịch.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 39.668.541 ca mắc và 654.696 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 32.745.457 ca mắc và 438.411 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với 20.741.815 ca, trong đó có 579.330 ca tử vong. 

Các nước Đông Nam Á vẫn đang gồng mình khống chế sự bùng phát dịch COVID-19 do biến thể Delta. Thái Lan ngày 30/8 ghi nhận thêm 15.972 ca mới cùng 256 ca tử vong. Trong số các ca mới có 280 ca được ghi nhận trong số các tù nhân. Hơn 40.000 tù nhân tại các nhà tù đông đúc của Thái Lan đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 trong vài tháng qua.

Cùng ngày, Nội các Thái Lan ngày 30/8 đã thông qua khoản ngân sách bổ sung trị giá 44,3 tỷ baht (khoảng 1,36 tỷ USD) để chi trả cho các biện pháp cứu trợ COVID-19.  Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan cho biết khoản ngân sách này sẽ dành để hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt tại 29 tỉnh thuộc diện kiểm soát tối đa, trong đó có thủ đô Bangkok.

Ngoài ra, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã chỉ đạo Bộ Y tế nước này mua thêm vaccine cho trẻ em từ 12-18 tuổi nhằm chuẩn bị cho việc mở cửa lại trường học một cách an toàn. Ông Wangboonkongchan cho biết dự kiến nước này sẽ mua được 140 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 các loại vào cuối năm nay.

Trong khi đó, Bộ Y tế Campuchia cuối tuần trước thông báo tổng số ca nhiễm biến thể Delta tại nước này đã tăng thêm 218 ca lên 1.752 ca. Trong số hơn 200 ca mới phát hiện có 82 ca tại thủ đô Phnom Penh, số còn lại ghi nhận rải rác ở 22 tỉnh khác.

Mặc dù số ca nhiễm biến thể Delta tăng nhanh nhưng Campuchia ngày 30/8 tiếp tục ghi nhận số ca mới ở mức thấp, với 408 ca (bao gồm 90 ca nhập cảnh và 318 ca lây nhiễm cộng đồng). Bộ Y tế Campuchia cũng xác nhận có thêm 11 người tử vong. Tính đến ngày 30/8, Campuchia có tổng cộng 92.616 ca, trong đó 88.443 người đã khỏi bệnh và 1.892 người tử vong. Hiện Campuchia đã nhận hơn 25 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 qua hình thức viện trợ và hợp đồng mua bán.

Tại Lào, ngày 29/8, Bộ Y tế nước này cho hay trong 24 giờ qua đã ghi nhận 155 ca mới và 2 ca tử vong. Bộ Y tế Lào nêu rõ trong số các ca mới có 140 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 15 ca cộng đồng. Bộ Y tế Lào cho biết ngày càng có nhiều trẻ em và thai phụ mắc COVID-19. Đây là nhóm đối tượng cần được lưu ý và áp dụng chế độ chăm sóc đặc biệt khi được xác định mắc bệnh. Trước tình hình trên, Bộ Y tế Lào sẽ điều chỉnh và cải thiện phương pháp điều trị cho người mắc COVID-19 để phù hợp với nhóm đối tượng này. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 14.816 ca, trong đó có 14 người tử vong.


Tại Indonesia, Tổng thống Joko Widodo ngày 30/8 cho biết sẽ điều chỉnh các biện pháp phòng dịch kể từ ngày 31/8 đến ngày 6/9 do thêm nhiều địa phương trên đảo Java ghi nhận tình hình dịch khả quan hơn

Cùng ngày, 610 trong tổng số 10.000 trường tại thủ đô Jakarta của Indonesia đã mở cửa trở lại dù rằng vẫn còn quan ngại về nguy cơ bùng phát dịch do sự lây lan của biến thể Delta. Theo quy định, các trường học vẫn tiếp tục thực hiện các quy định an toàn y tế, tổ chức học luân phiên, thời gian học tối đa 12 tiếng và các trường hoạt động với 50% công suất. Ông Anies cho biết hiện 91% học sinh từ 12-18 tuổi và 85% giáo viên tại Jakarta đã tiêm phòng đầy đủ. Gần 70% dân số Jakarta đã tiêm vaccine phòng COVID-19. 

Cũng trong ngày 30/8, New Zealand ghi nhận 53 ca mới trong cộng đồng tại thành phố Auckland. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này đến nay là 562 ca.

Theo thống kê của Bộ Y tế New Zealand, có tổng cộng 547 ca lây nhiễm trong cộng đồng ở Auckland, thành phố lớn nhất cả nước, trong khi thủ đô Wellington có 15 ca. Trước tình hình này, Thủ tướng Jacinda Ardern tuyên bố thành phố Auckland sẽ vẫn duy trì lệnh phong tỏa toàn quốc cấp độ 4 trong 2 tuần nữa, với khu vực phía Nam sẽ chuyển sang áp đặt lệnh phong tỏa cấp độ 3 trong vòng 1 tuần kể từ 23h59 tối 31/8. Trong khi đó, khu vực phía Bắc sẽ áp đặt lệnh phong tỏa cấp độ 3 bắt đầu từ 23h59 tối 2/9.

Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc đang tập trung mọi nguồn lực để đối phó với sự gia tăng các ca mắc COVID-19 ở những  lao động nhập cư vốn dễ bị lây nhiễm tập thể do môi trường sống thường xuyên đông người và điều kiện làm việc kém.  Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết tính riêng từ ngày 22/8 đến ngày 28/8 vừa qua, đã có 1.643 công dân nước ngoài được xác nhận mắc COVID-19, chiếm 13,8% tổng số ca nhiễm trên cả nước. 

Số liệu thống kê của KDCA công bố cùng ngày cho thấy Hàn Quốc có thêm 1.487 ca mới, trong đó có 1.426 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số lên 250.051 ca còn số ca tử vong là 2.284 người (tăng 5 người so với một ngày trước). Tính đến ngày 29/8 , Hàn Quốc đã hoàn thành việc tiêm mũi vaccine thứ nhất cho tổng cộng 28 triệu người, tương đương 55,8% dân số trong khi 14,6 triệu người, tương đương 28,5% dân số, đã hoàn thành tiêm chủng.

Các nhà khoa học Nam Phi đã xác định được một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có những đột biến khác với virus ban đầu được phát hiện ở tỉnh Vũ Hán (Trung Quốc). Đáng chú ý, biến thể này có nhiều đột biến hơn mọi biến thể đã được phát hiện từ trước đến nay trên toàn thế giới. Theo báo cáo chưa được công bố chính thức từ Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm (NICD) và Cơ quan đổi mới nghiên cứu và giải trình tự gene của tỉnh KwaZulu-Natal nước này, biến thể mới thuộc nhóm biến thể tiềm năng cần quan tâm (VOI), được gán cho dòng PANGO C.1.2, gọi tắt là C.1.2. Biến thể này đã phát triển từ C.1, một trong những dòng virus truyền thống đã hoành hành trong làn sóng lây nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Nam Phi vào năm ngoái và được phát hiện lần cuối vào tháng 1.

C.1.2 lần đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Mpumalanga và tỉnh Gauteng của Nam Phi hồi tháng 5 khi quốc gia này đang gồng mình chống lại làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 3. Cho đến nay, biến thể này đã được phát hiện tại phần lớn các tỉnh ở Nam Phi và ở 7 quốc gia khác trải dài khắp châu Phi, châu Âu, châu Á và châu Đại Dương.

Theo nghiên cứu, C.1.2 có 41,8 đột biến mỗi năm. Tốc độ lây lan của biến thể này nhanh hơn khoảng 1,7 lần so với tốc độ toàn cầu hiện tại và nhanh hơn 1,8 lần so với ước tính ban đầu về sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2. Tính đến ngày 20/8, 80 trình tự khớp với dòng C.1.2 đã được liệt kê trên cơ sở dữ liệu truy cập mở GISAID (Sáng kiến toàn cầu về chia sẻ dữ liệu cúm).

Trong bối cảnh ngày tựu trường sắp đến gần, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khuyến nghị giáo viên và nhân viên nhà trường cần nằm trong nhóm ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19. WHO và UNICEF nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiêm vaccine cho giáo viên và nhân viên trường học như một phần của biện pháp duy trì việc mở cửa các trường học trong suốt đại dịch. Tuyên bố nêu rõ cần triển khai đồng thời việc thực hiện khuyến nghị, được một nhóm chuyên gia WHO đưa ra vào tháng 11/2020, trong khi đảm bảo việc tiêm chủng cho những người dễ bị tổn thương trong xã hội.

Cùng ngày, Giám đốc WHO khu vực châu Âu, ông Hans Kluge, bày tỏ quan ngại về tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 gia tăng tại châu Âu trong 2 tuần qua. Theo ông Kluge, có tới 33 quốc gia châu Âu ghi nhận số ca mắc mới tăng hơn 10% trong 14 ngày qua và đây là mức cao rất đáng lo ngại. Theo ông, yếu tố dẫn tới số ca mắc và tử vong tăng cao là do nhiều nước nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch và hoạt động đi lại của người dân gia tăng. 

Liên quan việc tiêm mũi vaccine tăng cường, ông Kluge nhấn mạnh mũi tiêm này là để giúp những đối tượng dễ bị tổn thương nhất an toàn trước dịch COVID-19, chứ không phải là mũi tiêm "xa xỉ" lấy của những người vẫn đang chờ mũi tiêm đầu tiên.

Ông cũng lưu ý cần thận trọng khi thực hiện tiêm mũi tăng cường vì tới nay chưa có đủ bằng chứng về hiệu quả của mũi tiêm này. Quan chức WHO này đồng thời kêu gọi các quốc gia châu Âu đang thừa vaccine chia sẻ cho các quốc gia khác, trong đó có một số nước Đông Âu và châu Phi.

Nguồn: Thanh Hương  (TTXVN) - Ảnh bìa THX/TTXVN: Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Đông Java, Indonesia, ngày 12/8/2021. 

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >