THẾ GIỚI CÓ TRÊN 142,1 TRIỆU CA MẮC COVID-19

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
19/04/2021 | 22:20
Chuyên mục: Tin nước Đức
0 bình luận
THẾ GIỚI CÓ TRÊN 142,1 TRIỆU CA MẮC COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 19/4 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 142.178.254 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 3.035.609 ca tử vong do COVID-19. Số ca được điều trị khỏi là 120.690.201 ca.

Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 32.406.753 ca nhiễm và 581.068 ca tử vong. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ở Mỹ đã ghi nhận chuyển biến tích cực gần đây nhờ chương trình tiêm chủng vaccine được đẩy mạnh. 

Trong khi đó, Ấn Độ đang trở thành điểm nóng đáng quan ngại của dịch COVID-19 khi số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày lên tục tăng lên mức cao chưa từng thấy. Ngày 19/4, quốc gia Nam Á này ghi nhận thêm 273.810 ca mắc - mức tăng trong ngày cao nhất từ trước tới nay. Hiện tổng số ca nhiễm ở Ấn Độ lên tới 15.061.919 ca, cao thứ 2 thế giới sau Mỹ. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới vượt mức 200.000 ca/ngày.  Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng kỷ lục 1.619 ca lên 178.769 ca. Riêng vùng thủ đô Delhi ghi nhận khoảng 25.000 ca mắc mới mỗi ngày trong 3-4 ngày qua. 

Trong bối cảnh đó, chính quyền khu vực thủ đô Delhi đã quyết định áp đặt lệnh phong tỏa trong 6 ngày. Lệnh phong tỏa có hiệu lực từ 22h tối 19/4 đến 5h sáng 26/4, theo đó các dịch vụ thiết yếu sẽ được hoạt động trong thời gian hạn chế, song các cửa hảng, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, công ty tư nhân, trường học, rạp hát và nhà hàng buộc phải đóng cửa. Tính đến ngày 19/4, gần 123,9 triệu liều vaccine đã được tiêm cho người dân Ấn Độ, cao thứ 3 trên thế giới sau Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu tính theo đầu người, tỷ lệ tiêm chủng ở nước này còn khá thấp. Theo thông báo mới nhất của Ấn Độ, từ tháng 5, toàn bộ người trưởng thành ở nước này sẽ được tiêm chủng ngừa COVID-19. 

Tại Đông Nam Á, Campuchia đang trở thành điểm nóng dịch bệnh khi ghi nhận số ca nhiễm mới cao chưa từng thấy vào ngày 19/4 với 624 ca. Trong đó, số ca nhiễm mới tập trung đông nhất tại thủ đô Phnom Penh với 465 ca, tiếp đến tại tỉnh Preah Sihanouk (144 ca), tỉnh Takeo (10 ca) và một số ca rải rác tại các tỉnh Kampong Cham và Pursat. 

Một số nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia và Philippines tiếp tục ghi nhận thêm hàng nghìn ca mới. Cụ thể, Indonesia có thêm 1.952 ca nhiễm và 143 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt lên 1,60 triệu ca và 43.567 ca. Theo giới chức Indonesia, hiện tỷ lệ ca dương tính với SARS-CoV-2 ở nước này đã giảm còn 11,2%, từ 29,42% ghi nhận ngày 9/2. Hiện có khoảng 35% giường bệnh tại các bệnh viện đã kín bệnh nhân COVID-19.

Philippines ghi nhận thêm  9.628 ca nhiễm, nâng tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại đây lên 945.745 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 đã lên tới 16.048 ca, sau khi có 88 bệnh nhân không qua khỏi trong 24 giờ qua. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Malaysia, trong 24 giờ qua, nước này có thêm 2.078 ca nhiễm mới, trong đó số ca lây nhiễm trong cộng đồng là 2.065 ca. Hiện tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 của quốc gia Đông Nam Á này đã lên tới 377.132 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 là 1.386 ca.

Trong khi nhiều nước châu Á vẫn siết chặt các biện pháp phòng dịch, nhiều nước châu Âu thực hiện nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Ngày 19/4, Bồ Đào Nha đã tiếp tục nới lỏng theo từng giai đoạn các biện pháp hạn chế vốn được áp đặt nhằm kiềm chế dịch COVID-19 sau khi số ca nhiễm mới giảm. Theo đó, các trung tâm mua sắm, các trường trung học và đại học được phép mở cửa trở lại, trong khi các nhà hàng được phép phục vụ khách ở bên trong. Đây là giai đoạn 3 trong số 4 giai đoạn dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế bắt đầu từ giữa tháng 3 vừa qua, sau 2 tháng áp đặt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn làn sóng thứ 3 của dịch bệnh. Bồ Đào Nha bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế bằng việc mở cửa trở lại các trường tiểu học cách đây 1 tháng, sau đó đến các trường trung học vào đầu tháng này và dịch vụ ngoài trời của các quán cà phê và nhà hàng. 

Tuy nhiên, nước này vẫn duy trì hoạt động kiểm soát tại vùng biên giới giáp Tây Ban Nha ít nhất 15 ngày nữa, cùng với yêu cầu các du khách phải trình giấy chứng nhận có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Bồ Đào Nha cũng sẽ tiếp tục yêu cầu du khách đến từ những nước có tỉ lệ lây nhiễm trên 500 ca/100.000 dân, trong đó có Brazil, Nam Phi cũng như Pháp và Hà Lan, thực hiện cách ly 2 tuần.

Hy Lạp thông báo dỡ bỏ cách ly 1 tuần đối với những du khách đến từ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Anh, Mỹ, Israel, Serbia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UEA) đã tiêm phòng đầy đủ hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.  Lệnh dỡ bỏ cách ly có hiệu lực từ ngày 19/4, song các biện pháp hạn chế khác đối với các chuyến bay trong nước và quốc tế vẫn có hiệu lực cho đến ngày 26/4. Thông báo trên được đưa ra bất chấp số ca nhiễm gia tăng ở Hy Lạp, với mỗi ngày ghi nhận hơn 1.500 ca nhiễm mới và hàng chục ca tử vong. Hy Lạp vẫn duy trì các biện pháp hạn chế, chỉ cho phép thực hiện hoạt động đi lại vì mục đích thiết yếu giữa các vùng.   Lần đầu tiên trong nhiều tháng qua, người dân Slovakia đã tới các trung tâm thương mại, tiệm làm tóc, thư viện trong bối cảnh quốc gia Trung Âu này cho phép các cửa hàng và dịch vụ hoạt động trở lại với công suất hạn chế. Slovakia cũng cho phép các nhà thờ, bể bơi, vườn bách thú và một số cửa hàng mở cửa trở lại. Khách sạn cũng được phép hoạt động, song chỉ được tiếp nhận khách ở mức giới hạn trong khi các nhà hàng chưa được phép phục vụ khách đến ăn bên trong. 

Số ca nhiễm được phát hiện qua xét nghiệm PCR ở Slovakia hiện ở mức dưới 1.000 ca/ngày trong khi số ca nhập viện giảm xuống 1.978 ca/ngày so với mức cao nhất là hơn 3.800 ca/ngày hồi đầu tháng 3 vừa qua.

Nguồn: Lan Phương  (TTXVN)

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan