THẾ GIỚI CÓ TRÊN 176,9 TRIỆU NGƯỜI MẮC COVID-19 ĐÃ KHỎI BỆNH
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 26/7 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 195.020.358 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.178.992 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 176.926.118 người.
Trong một cuộc phỏng vấn mới được hãng Reuters công bố, 10 chuyên gia hàng đầu về COVID-19 cho rằng Delta là biến thể của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh nhất, mạnh nhất và đáng sợ nhất mà thế giới đang phải đối mặt. Theo nhà vi sinh vật học người Anh Sharon Peacock, người phụ trách công tác giải trình tự gene của các biến thể virus SARS-CoV-2 ở Anh, nguy cơ lớn nhất đối với thế giới lúc này là Delta, biến thể mạnh nhất và có tốc độ lây lan nhanh nhất.
Do đó, hiện nhiều nước trên thế giới đang chứng kiến số ca mắc mới và tử vong ở mức cao. Ngày 26/7, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết Trung Quốc đại lục ghi nhận 76 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 40 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là số ca nhiễm mới trong một ngày cao nhất kể từ tháng 1. Theo số liệu của NHC, trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng có 39 ca ở tỉnh Giang Tô và 1 ca ở tỉnh Liêu Ninh và không có ca tử vong nào. Do số ca mắc mới tăng vọt, giới chức tỉnh Giang Tô phải tiến hành xét nghiệm lần thứ hai cho hàng triệu người ở tỉnh miền Đông Trung Quốc này. Hiện hàng chục nghìn người dân thành phố Nam Kinh (Nanjing), thủ phủ của tỉnh Giang Tô đang phải thực thi lệnh phong tỏa trong bối cảnh nhà chức trách tiến hành xét nghiệm cho 9,2 triệu người dân lần thứ hai sau khi bùng phát một ổ dịch ở sân bay trong tuần trước.
Cùng ngày, số ca mắc COVID-19 tại Thái Lan đã vượt ngưỡng 500.000 lên 512.678 ca, sau khi ghi nhận thêm 15.376 ca. Cũng trong 24 giờ qua, nước này có thêm 87 ca tử vong, đưa số người không qua khỏi vì dịch bệnh này lên 4.146 người, trong đó đa số được ghi nhận kể từ khi bùng phát làn sóng COVID-19 thứ 3 từ đầu tháng 4 vừa qua.
Malaysia cũng ghi nhận thêm 207 ca tử vong, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Trong 24 giờ qua, Malaysia có thêm 14.516 ca mới, giảm hơn 2.500 ca so với ngày trước đó. Như vậy, tính đến nay, Malaysia có tổng cộng 1.027.954 ca, trong đó có 8.201 ca tử vong. Cũng trong ngày 26/7, lần đầu tiên số bệnh nhân mắc COVID-19 phải điều trị tích cực tại quốc gia Đông Nam Á này vượt mốc 1.000 ca, lên 1.009 ca, trong đó có 524 ca phải sử dụng máy trợ thở.
Cùng ngày, Campuchia thông báo số ca mắc nhập cảnh cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 22 ca tử vong và 778 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua. Trong số các ca nhiễm mới có 303 ca lây nhiễm cộng đồng và 475 ca nhập cảnh. Từ nhiều ngày nay, mỗi ngày Campuchia đều ghi nhận hàng trăm ca nhập cảnh là lao động Campuchia trở về từ nước láng giềng. Điều này đã tạo ra áp lực lớn đối với các cơ sở y tế địa phương và gia tăng quan ngại về nguy cơ lây lan biến thể Delta trong cộng đồng với nguồn lây là người nhập cảnh trái phép.
Tại Lào, Bộ Y tế nước này cho biết sẽ tăng thời gian cách ly và giám sát y tế đối với người lao động nhập cảnh, đặc biệt là lao động trở về từ Thái Lan, do lo ngại quá trình ủ bệnh lâu hơn thời gian cách ly hoặc nguy cơ tái dương tính từ người mắc COVID-19. Thống kê cho thấy có 35% lao động Lào nhập cảnh về nước gần đây mắc COVID-19 mang biến chủng Delta nguy hiểm, dễ lây lan. Những trường hợp này sau khi được điều trị khỏi cần cách ly thêm 14 ngày và giám sát y tế 7 ngày. Ngoài ra, lao động nhập cảnh Lào không mắc COVID-19 cũng phải cách ly 14 ngày tại các trung tâm do nhà chức trách chỉ định; sau khi có kết quả âm tính hai lần cần tiếp tục theo dõi y tế tại nhà trong trường hợp đủ điều kiện hoặc cách ly thêm 7 ngày đối với người không đủ điều kiện tự giám sát tại nhà.
Hiện biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh cũng đang chiếm đa số trong các ca bệnh COVID-19 ở Hàn Quốc, khiến các cơ quan y tế nước này gặp nhiều khó khăn hơn trong triển khai các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), biến thể Delta là nguyên nhân khiến số ca COVID-19 tăng đột biến gần đây ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận, đồng thời đang có dấu hiệu lây lan nhanh hơn tại những vùng tại bên ngoài khu vực này. Cụ thể KDCA cho biết trong tuần thứ 3 của tháng 7, có tới 48% số bệnh nhân COVID-19 được xác nhận nhiễm biến thể Delta, tăng nhanh so với mức 3,3% trong tuần thứ 4 của tháng 6. Các quan chức KDCA cho rằng biến thể này sẽ sớm là nguyên nhân gây ra hơn 50% số ca nhiễm mới. Tuy nhiên, trong khi dịch vẫn diễn biến phức tạp, liên tục ghi nhận số ca COVID-19 cao kỷ lục mỗi ngày, chính quyền các địa phương phải căng mình phòng dịch thì một số lượng lớn người dân nước này vẫn tiếp tục đổ về các bãi biển tránh nóng trong hai ngày cuối tuần vừa qua.
Cùng ngày, Iran thông báo số ca mắc mới COVID-19 trong ngày lần đầu tiên vượt mốc 30.000 ca. Đây là lần thứ 2 trong chưa đầy 1 tuần, số ca mới lên mức cao chưa từng thấy. Cụ thể, trong 24 giờ qua, nước Cộng hòa Hồi giáo này ghi nhận thêm 31.814 ca mới và 322 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lên lần lượt là 3.723.246 ca và 89.122 ca.
Iraq cũng ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong 1 ngày từ trước đến nay, với 12.180 ca. Hiện nước này ghi nhận tổng cộng hơn 1,5 triệu ca mắc, trong đó có 18.347 ca tử vong.
Trong khi đó, Cuba ghi nhận số ca mắc và tử vong do COVID-19 ở mức cao nhất trong ngày. Trong 24 giờ qua, nước này có thêm 8.853 ca mắc mới và 80 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 332.968 ca và 2.351 ca tử vong. Trong số các ca mắc mới, La Habana - thành phố đông dân nhất Cuba với 2 triệu dân ghi nhận 1.481 ca, tiếp đó đến các tỉnh Matanzas với 1.461 ca, Santiago de Cuba 735 ca.
Tại châu Âu, với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao, nhiều nước đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Mới đây nhất, Ireland đã cho phép các nhà hàng được phép mở cửa phục vụ khách trong phòng kín với điều kiện khách hàng phải có “hộ chiếu vaccine”. Theo quy định mới, các nhà hàng trên cả nước sẽ được mở cửa đón những người đã tiêm phòng đầy đủ, đã khỏi bệnh trong 6 tháng và trẻ em đi cùng. Tuy nhiên, số người được ngồi cùng bàn tối đa là 6 người và nhà hàng phải đóng cửa trước 23h30.
Tại Pháp, số người được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19 đã vượt 40 triệu người, đồng nghĩa với việc khoảng 60% dân số nước này đã được tiêm đầy đủ hoặc một mũi vaccine phòng bệnh.
Ở nước láng giềng với Pháp, các nhà khoa học cảnh báo Vương quốc Anh có nguy cơ xuất hiện những biến chủng mới làm suy yếu hiệu quả của vaccine trong bối cảnh nước này dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch có thể khiến số ca mắc COVID-19 mới tăng tới 100.000 ca/ngày vào mùa Hè này.
Theo các nhà khoa học, cho đến nay, các biến thể gây lo ngại đều là những biến thể có khả năng lây lan rất nhanh, như chủng Delta, lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ, có khả năng lây lan nhanh gấp đôi so với chủng SARS-CoV-2 nguyên thể xuất hiện ở Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, tốc độ lây lan không phải là đặc điểm duy nhất của virus SARS-CoV-2. Khi càng có nhiều người trong cộng đồng miễn dịch nhờ tiêm chủng hoặc đã mắc COVID-19, virus nhiều khả năng phát triển để tránh miễn dịch đó. Hiện tượng này được gọi là thoát miễn dịch. Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, hiện tại đã có các điều kiện để xảy ra thoát miễn dịch khi 70% người lớn, và một số ít trẻ em tại Anh, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, và cứ 80 người thì có một người mắc COVID-19. Theo các nhà khoa học, điều này không có nghĩa là một biến chủng mới sẽ xuất hiện tại Anh trong những tuần tới, song nguy cơ này có nhiều khả năng xảy ra hơn trước đây.
Nguồn: Ngọc Hà (TTXVN)
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *