THẾ GIỚI GHI NHẬN TRÊN 163,2 TRIỆU CA MẮC, 3,3 TRIỆU CA TỬ VONG DO COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 16/5, trên toàn thế giới có tổng cộng 163.261.106 ca mắc COVID-19 và 3.385.567 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi hiện là 141.604.443 ca.
Cho đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nhất bởi dịch bệnh, với 599.864 ca tử vong trong tổng số 33.696.108 ca mắc. Tiếp đó là Ấn Độ với 270.319 ca tử vong trong số 24.684.077 ca mắc. Trong 24 giờ qua, quốc gia Nam Á này ghi nhận thêm 311.170 ca mắc - mức thấp nhất trong hơn 3 tuần qua và 4.077 ca tử vong. Đây là lần thứ 4 trong vòng 1 tuần, số ca tử vong tại Ấn Độ lên mức hơn 4.000 ca.
Trong bối cảnh giới chức y tế liên bang cảnh báo không nên có tâm lý tự mãn, chủ quan trước dịch bệnh, nhiều bang của Ấn Độ đã quyết định gia hạn biện pháp phong tỏa nhằm khống chế sự lây lan của dịch COVID-19. Liên quan đến vấn đề vaccine, Chính phủ Ấn Độ cho biết sẽ chuyển thêm 5,1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 tới các bang trong 3 tuần tới. Mặc dù Ấn Độ là quốc gia sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, song chỉ 141,6 triệu người nước này, chiếm khoảng 10% dân số, mới được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. Khoảng hơn 40,4 triệu người, tương đương 2,9% dân số, được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine.
Cùng ngày, quốc gia láng giềng Bangladesh cũng đã gia hạn lệnh phong tỏa đến ngày 23/5 tới. Trước đó, nhằm khống chế dịch COVID-19, Bangladesh đã tuyên bố phong tỏa đất nước trong 8 ngày từ 14/4-21/4, sau đó gia hạn biện pháp này đến ngày 16/5. Như vậy, đây là lần thứ 2, quốc gia Nam Á này gia hạn biện pháp phong tỏa. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 363 ca mắc và 25 ca tử vong do COVID-19, đưa tổng số ca mắc và tử vong lần lượt là 780.159 và 12.149.
Với 49 ca nhiễm mới, trong đó có 38 ca lây nhiễm trong cộng đồng, Singapore ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao nhất kể từ giữa tháng 9/2020 và số ca lây nhiễm trong cộng đồng cao nhất kể từ ngày 14/4/2020 với 40 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trước tình hình trên, chính quyền "đảo quốc Sư tử" đã quyết định áp đặt lại các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến hoạt động công cộng và tụ tập đông người từ ngày 16/5, quyết định cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, các trường dự bị đại học, các trường giáo dục đặc biệt, và cao đẳng chuyển sang học trực tuyến từ ngày 19/5 cho đến khi kết thúc kỳ học vào ngày 28/5 tới.
Bên cạnh đó, sân bay quốc tế Changi cũng tách biệt hành khách đến từ các nước có nguy cơ cao nhằm giảm thiểu tiếp xúc với nhân viên và các hành khách khác. Theo đó, các chuyến bay từ các quốc gia có nguy cơ lây nhiễm cao sẽ được bố trí lối đi xuống máy bay riêng và hành khách trên các chuyến bay này sẽ sử dụng các khu vực nhập cảnh, băng chuyền hành lý và nhà vệ sinh riêng.
Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 tại Thái Lan đã vượt ngưỡng 100.000 ca khi giới chức nước này ngày 16/5 thông báo thêm 2.302 ca nhiễm mới cùng 24 ca tử vong vì dịch bệnh này. Về ổ dịch trong các nhà tù, Thái Lan đã phát hiện thêm 1.219 tù nhân mắc COVID-19 trong 3 trại giam ở vùng Bangkok mở rộng. Đến nay, đã có gần 5.000 tù nhân trên toàn quốc được xác nhận mắc bệnh. Chính phủ Thái Lan đã điều chỉnh bản đồ phân vùng các tỉnh có bệnh nhân COVID-19, giảm số lượng các tỉnh thuộc Vùng đỏ sẫm thuộc diện kiểm soát tối đa xuống còn 4 tỉnh là Bangkok, Nonthaburi, Samat Prakan và Pathum Thani.
Các tỉnh còn lại gồm 17 tỉnh thuộc Vùng đỏ và 56 tỉnh thuộc Vùng da cam. Kể từ ngày 17/5, các quán ăn và nhà hàng tại 4 tỉnh thuộc Vùng đỏ sẫm sẽ được phép phục vụ ăn uống tại chỗ tới 21h với 25% tổng số ghế ngồi. Các quán ăn tại 17 tỉnh Vùng đỏ sẽ được phép hoạt động tới 23h mà không bị hạn chế về số ghế phục vụ khách, trong khi các quán ăn tại các tỉnh thuộc Vùng da cam được phép nối lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, đồ uống có cồn chưa được phép được phục vụ tại tất cả các cơ sở trên toàn quốc.
Cũng trong 24 giờ qua, Bộ Y tế Lào thông báo ghi nhận thêm 21 ca mắc COVID-19, trong đó có 11 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 10 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Sau 25 ngày áp dụng lệnh phong tỏa, thủ đô Viêng Chăn của Lào vẫn ghi nhận toàn bộ 11 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đặc biệt, Viêng Chăn tiếp tục xuất hiện các điểm lây nhiễm mới với những ca bệnh mất dấu F0. Tuy nhiên, việc hầu hết các tỉnh, thành còn lại không ghi nhận các ca mới hoặc nếu có đều là các ca nhập cảnh, được cách ly ngay cho thấy tình hình dịch tại Lào đang có xu hướng lắng dịu dù vẫn còn các yếu tố nguy cơ từ các ổ dịch chưa được truy vết hết và đặc biệt là từ các trường hợp nhập cảnh trái phép.
Campuchia tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực, khi ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 giảm ngày thứ 5 liên tiếp, với tổng số 350 ca được phát hiện trong ngày trên cả nước, trong đó có 9 ca nhập cảnh. Hiện Campuchia có tổng cộng 22.184 ca mắc COVID-19, trong đó 12.120 người được điều trị bình phục và 150 ca tử vong.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã ban hành một hướng dẫn mới, trong đó khuyến nghị các trường học ở nước này tiếp tục thực hiện quy định bắt buộc đeo khẩu trang cho năm học 2020-2021 do không phải tất cả học sinh đều được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ.
Theo khuyến nghị mới nhất của CDC Mỹ, tất cả các trường từ mẫu giáo đến trung học nên thực hiện các chiến lược phòng dịch COVID-19 đồng thời ưu tiên áp dụng quy định đeo khẩu trang và giãn cách. Hướng dẫn trên được đưa ra sau khi CDC Mỹ ngày 13/5 thông báo những người đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ và sau hai tuần của mũi tiêm phòng bắt buộc thứ hai sẽ không cần phải đeo khẩu trang ở trong nhà hoặc bên ngoài cũng như không cần phải thực hiện giữ khoảng cách vật lý.
Nguồn: Ngọc Hà (TTXVN) - Ảnh bìa của THX/TTXVN: Nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở Viêng Chăn, Lào.
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *