Thêm dấu hiệu cho thấy năm 2023 là năm nóng nhất nhân loại từng trải qua
Cơ quan giám sát khí hậu EU cho biết năm 2023 có thể là năm nóng nhất trong lịch sử loài người, trong khi nhiệt độ toàn cầu vào mùa hè qua là mức ấm nhất từng được ghi nhận.
Hãng thông tấn AFP đưa tin các đợt nắng nóng, hạn hán và cháy rừng đã tấn công châu Á, châu Phi, châu Âu và Bắc Mỹ trong ba tháng qua, gây tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế, hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) ngày 6/9 cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng 6, tháng 7 và tháng 8 đã tăng lên 16,77 độ C, phá vỡ kỷ lục năm 2019 trước đó là 16,48 độ C.
Phó Giám đốc Copernicus Samantha Burgess nói với AFP: “Ba tháng mà chúng ta vừa trải qua là những tháng ấm nhất trong khoảng 120.000 năm, tương ứng với lịch sử loài người”.
Tháng 8 vừa qua cũng là tháng 8 nóng kỷ lục và ấm hơn tất cả các tháng khác, ngoại trừ tháng 7/2023.
Trước tình hình nguy cấp trên, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tuyên bố: “Sự sụp đổ khí hậu đã bắt đầu”. Ông nói thêm: “Khí hậu của chúng ta đang biến đổi nhanh hơn mức chúng ta có thể đối phó, với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra ở mọi nơi trên hành tinh”.
Nhiệt độ bề mặt nước biển toàn cầu cao kỷ lục đóng vai trò quan trọng trong việc tăng nhiệt trong suốt mùa hè, với các đợt nắng nóng trên biển tràn vào Bắc Đại Tây Dương và Địa Trung Hải.
Bà Burgess cho hay dựa vào lượng nhiệt tăng thêm trên bề mặt đại dương, có khả năng năm 2023 sẽ là năm ấm nhất được ghi nhận.
Báo cáo của Copernicus cho biết thêm nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 8 tháng đầu năm 2023 là mức nóng kỷ lục thứ hai, chỉ thấp hơn 0,01 độ C so với mức chuẩn của năm 2016.
Nếu Bắc bán cầu có mùa đông “bình thường” không quá lạnh, chắc chắn năm 2023 sẽ là năm ấm áp nhất mà nhân loại từng trải qua.
Đại dương ấm lên
Theo các nhà khoa học, đại dương đã hấp thụ 90% lượng nhiệt dư thừa do hoạt động của con người tạo ra kể từ bình minh của thời đại công nghiệp.
Lượng nhiệt dư thừa này tiếp tục tích tụ do khí nhà kính - chủ yếu từ việc đốt dầu, khí đốt và than đá - tích tụ trong bầu khí quyển Trái đất.
Ngoại trừ các vùng cực, nhiệt độ mặt nước biển trung bình toàn cầu đã liên tục vượt qua kỷ lục của tháng 3/2016, trong tất cả các ngày của mùa hè này từ ngày 31/7 đến ngày 31/8.
Nhiệt độ trung bình của đại dương đã thường xuyên đứng đầu các kỷ lục về nhiệt độ theo mùa kể từ tháng 4.
Các đại dương ấm hơn cũng có ít khả năng hấp thụ carbon dioxide (CO2), làm trầm trọng thêm vòng luẩn quẩn của hiện tượng nóng lên toàn cầu cũng như phá vỡ các hệ sinh thái mỏng manh.
Copernicus cho biết băng biển ở Nam cực vẫn ở mức thấp kỷ lục vào thời điểm này trong năm với giá trị hàng tháng thấp hơn 12% so với mức trung bình. Cơ quan này khẳng định tính đến nay đó là yếu tố bất thường xấu nhất trong tháng 8, kể từ khi bắt đầu quan sát bằng vệ tinh từ những năm 1970.
Nhiệt độ cao hơn sẽ xảy ra khi hiện tượng thời tiết El Nino - làm ấm vùng nước ở phía nam Thái Bình Dương và xa hơn nữa - chỉ mới bắt đầu.
Các nhà khoa học dự đoán những tác động tồi tệ nhất của El Nino sẽ được cảm nhận rõ vào cuối năm 2023 và đầu năm sau.
Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Paris năm 2015, các nước đã đồng ý duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, với mục tiêu mong muốn là 1,5 độ C.
Trong tuần này, các chuyên gia Liên hợp quốc dự kiến đưa ra một bản báo cáo nhằm đánh giá tiến bộ của thế giới trong việc đạt được mục tiêu trên, đồng thời sẽ thông báo cho các nhà lãnh đạo trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Dubai bắt đầu vào ngày 30/11.
Tổng thư ký Antonio Guterres nói: “Nhiệt độ tăng cao đòi hỏi các nước phải tăng cường hành động. Các nhà lãnh đạo phải tăng cường hành động ngay bây giờ để tìm ra các giải pháp khí hậu”.
Các phát hiện của Copernicus được căn cứ trên dữ liệu do máy tính tạo ra, sử dụng hàng tỷ phép đo từ vệ tinh, tàu, máy bay và trạm thời tiết trên khắp thế giới.
Nguồn: Hoàng Trang/Báo Tin tức
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *