THỦ TƯỚNG ĐỨC: QUAN HỆ EU - TRUNG QUỐC PHẢI DỰA TRÊN CƠ SỞ ´CÓ ĐI CÓ LẠI´
Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, quan hệ hợp tác giữa EU và Trung Quốc hiện nay phải dựa trên cơ sở “có đi có lại” và tiếp cận thị trường rộng rãi.
Phát biểu trước Quốc hội Đức vào hôm 30/9, Thủ tướng Angela Merkel cho rằng thỏa thuận hợp tác đầu tư EU - Trung Quốc mà hai bên muốn ký kết vào cuối năm nay sẽ khó đạt được vì Bắc Kinh từ chối đưa ra các cam kết mạnh mẽ hơn trong tiếp cận thị trường rộng rãi cho các công ty châu Âu.
“Không có nhiều tiến bộ và bây giờ chúng tôi muốn cố gắng tạo động lực mới cho cuộc đàm phán này. Quan hệ hợp tác giữa EU và Trung Quốc luôn phải dựa trên cơ sở có đi có lại và tiếp cận thị trường rộng rãi”, Thủ tướng Angela Merkel cho hay.
“Chúng tôi muốn cố gắng đạt được tiến bộ mang tính quyết định - thậm chí có thể đạt được đột phá về chính trị, song tôi không thể cam kết điều đó. Chúng tôi mong muốn thấy thỏa thuận đầu tư giữa hai bên sẽ được ký kết vào cuối năm”, bà Merkel nhấn mạnh.
Hôm 14/9 đã diễn ra hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc. Tại hội nghị này, lãnh đạo EU kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đích thân can thiệp, giải quyết bế tắc trong đàm phán thỏa thuận đầu tư giữa hai bên, cam kết về việc sẽ có sự thay đổi lớn đối với mô hình kinh tế có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước Trung Quốc như hiện nay.
Theo truyền thông Đức, Thủ tướng Merkel không đề cập đến chính sách 5G của nước này, mặc dù nội các của bà sắp kết thúc cuộc thảo luận về đạo luật mới hướng đến việc bảo mật công nghệ thông tin.
Một số nhà lập pháp Đức kêu gọi loại trừ tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei của Trung Quốc, trong khi những người khác nêu quan ngại về khả năng bị Bắc Kinh trả đũa, chẳng hạn như các biện pháp trừng phạt chống lại ngành công nghiệp xe hơi của Đức.
Những bình luận của bà Merkel được đưa ra trước hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của EU sẽ kéo dài hai ngày trong thời gian tới. Trong chương trình nghị sự lần này, lãnh đạo các nước nước sẽ tập trung thảo luận về Trung Quốc, nhấn mạnh quan ngại ngày càng sâu sắc của châu Âu đối với Bắc Kinh.
Thời gian gần đây, EU đã tỏ thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, không chỉ trên khía cạnh kinh tế mà còn cả ở góc độ chính trị. Bất đồng EU - Trung Quốc liên tục gia tăng. Tại hai hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc gần đây, hai bên không ra được tuyên bố chung. Trong khi Anh, Pháp và Đức lần đầu tiên gửi công hàm chung lên Liên hợp quốc, phản đối yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Nguồn: Vtc.vn - Theo KÔNG ANH (Nguồn: SCMP)
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *