TIN DỊCH BỆNH VIỆT NAM 27/9: Thêm 9.362 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 và có 174 ca tử vong - Có 10.528 bệnh nhân khỏi bệnh
Ngày 27/9, Việt Nam có 9.362 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, có 10.528 bệnh nhân khỏi bệnh, 174 ca tử vong.
Tính từ 17 giờ ngày 26/9 đến 17 giờ ngày 27/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 9.362 ca nhiễm mới, trong đó 20 ca nhập cảnh và 9.342 ca ghi nhận trong nước (giảm 669 ca so với ngày trước đó) tại 36 tỉnh, thành phố (có 4.453 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh gồm: TP Hồ Chí Minh (4.134 ca), Bình Dương (3.793 ca), Đồng Nai (616 ca), Long An (190 ca), An Giang (131 ca), Tây Ninh (80 ca), Kiên Giang (73 ca), Tiền Giang (58 ca), Cần Thơ (56 ca), Hà Nam (54 ca), Bình Thuận (32 ca), Khánh Hòa (26 ca), Bình Định (21 ca), Quảng Bình (15 ca), Đồng Tháp (14 ca), Phú Yên (11 ca), Ninh Thuận (9 ca), Kon Tum (5 ca), Cà Mau (4 ca), Bắc Giang (4 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (4 ca), Nghệ An (3 ca), Quảng Ngãi (3 ca), Quảng Trị (3 ca), Vĩnh Long (3 ca), Quảng Nam (3 ca), Đắk Nông (3 ca), Trà Vinh (2 ca), Gia Lai (2 ca), Bến Tre (2 ca), Quảng Ninh (2 ca), Bình Phước (1 ca), Đà Nẵng (1 ca), Thanh Hóa (1 ca), Vĩnh Phúc (1 ca), Hà Nội (1 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: TP Hồ Chí Minh (giảm 987 ca), Đồng Nai (giảm 130 ca), Bình Phước (giảm 26 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (461), An Giang (50), Tây Ninh (43).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 10.035 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 766.051 ca nhiễm, đứng thứ 44/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.783 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 761.527 ca, trong đó có 533.275 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 16 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang, Thái Bình, Lạng Sơn.
Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Kon Tum, Hải Dương.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (375.794 ca), Bình Dương (203.989 ca), Đồng Nai (46.283 ca), Long An (31.979 ca), Tiền Giang (13.845 ca).
Trong ngày 27/9, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 10.528 ca.
Tổng số ca được điều trị khỏi là 538.454 ca.
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.135 ca.
Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên hệ thống ghi nhận 174 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (122 ca), Bình Dương (32 ca), Tây Ninh (4 ca), An Giang (4 ca), Đồng Nai (4 ca), Cần Thơ (3 ca), Đồng Tháp (2 ca), Tiền Giang (1 ca), Bình Thuận (1 ca), Đà Nẵng (1 ca).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 208 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 18.758 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,0%).
Trong ngày 26/9 có 865.610 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 39.232.772 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 30.946.214 liều, tiêm mũi 2 là 8.286.558 liều.
Bộ Y tế đang xây dựng Hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch COVID-19 trên cơ sở tham khảo tài liệu, kinh nghiệm của hơn 40 quốc gia trên thế giới thực hiện “mở cửa”. Hướng dẫn bao gồm các chỉ số để đánh giá và các biện pháp thực hiện theo các cấp độ nguy cơ; theo hướng dễ hiểu, dễ áp dụng, phù hợp khi triển khai tại cấp xã, phường, thị trấn; bám sát việc triển khai theo hệ thống chính trị để có sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt trong tổ chức thực hiện.
Hệ thống tiêm chủng VNVC tiếp tục bàn giao 1.317.500 liều vaccine AstraZeneca cho Bộ Y tế. Như vậy, chỉ trong 4 tuần của tháng 9/2021, đơn vị này đã bàn giao hơn 5 triệu liều vaccine AstraZeneca cho Bộ Y tế, kịp thời tăng cường cho TP Hồ Chí Minh và các địa phương phòng, chống dịch.
Tại TP Hồ Chí Minh, Thành phố dự thảo Chỉ thị “Điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh”, từ 0 giờ ngày 1/10, Thành phố sẽ thực hiện từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được mở lại với tiêu chí “an toàn để sản xuất và sản xuất phải an toàn”, tiếp tục dừng hoạt động các loại hình kinh doanh có khả năng lây nhiễm cao gồm: Quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, vũ trường, karaoke...
Tại TP Hà Nội, từ ngày 28/9, Hà Nội cho phép thực hiện một số hoạt động, cho phép thể dục, thể thao ngoài trời nhưng không được tập trung quá 10 người, các trung tâm thương mại được phép hoạt động trở lại (riêng các cửa hàng ăn uống chỉ được phép bán mang về); các cửa hàng may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm cũng được mở cửa nhưng phải đảm bảo quy định phòng, chống dịch.
Nguồn: Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *