TIN DỊCH COVID-19 THẾ GIỚI 19.7: còn trên 12,98 triệu bệnh nhân mắc đang được điều trị

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
19/07/2021 | 21:05
Chuyên mục: Tin thế giới
0 bình luận
TIN DỊCH COVID-19 THẾ GIỚI 19.7: còn trên 12,98 triệu bệnh nhân mắc đang được điều trị

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 19/7 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 191.395.179 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.109.043 ca tử vong. Hơn 174,3 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 12,98 triệu bệnh nhân đang được điều trị.

Tại Đông Nam Á, Lào tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa đến hết ngày 3/8 nhằm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Đây là lần thứ 6 Lào gia hạn lệnh phong tỏa được áp dụng từ ngày 22/4 đến nay. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực, đặc biệt là ở các nước láng giềng của Lào, vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.

Tại Lào, dù tình hình lây nhiễm trong cộng đồng có giảm, nhưng số ca nhập cảnh ngày càng tăng. Để tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống của người dân, Lào tiếp tục cho phép mở cửa trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ thực phẩm tươi sống, chợ đêm; tiếp tục cho mở các cửa hiệu cắt tóc, cửa hàng làm đẹp ở khu vực ngoài vùng đỏ. Tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 3.540 ca mắc COVID-19 và 5 ca tử vong.

Campuchia thông báo có thêm 790 ca mới, nâng tổng số lên 67.971 ca. Trong số các ca mới có 581 lây nhiễm trong nước và 209 ca nhập cảnh. Số ca tử vong vì COVID-19 cũng tăng lên 1.128 ca sau khi ghi nhận 22 bệnh nhân không qua khỏi. Campuchia đang đối mặt với nguy cơ ngày càng lớn các ca nhập cảnh từ Thái Lan làm lây lan biến thể Delta. Số lượng lớn lao động đổ về nước từ Thái Lan và trong đó nhiều người mắc bệnh đã và đang gây sức ép lớn lên hệ thống hạ tầng y tế các tỉnh giáp biên giới Thái Lan.

Các tòa nhà hành chính cũ của thành phố Khemara Phoumint (tỉnh Koh Kong) được trưng dụng làm trung tâm điều trị COVID-19, đặc biệt là các ca nặng trong bối cảnh số ca mới tại tỉnh này mỗi ngày đều tăng hai con số. Các tỉnh Banteay Meanchey, Oddar Meanchey và Battambang mỗi ngày cũng phát hiện nhiều ca mới qua xét nghiệm nhanh. Campuchia đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 từ ngày 10/2. Tính đến ngày 18/7, khoảng 10 triệu liều vaccine đã được sử dụng, với 5,91 triệu người đã tiêm mũi đầu tiên và 4,13 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi. Campuchia đang đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 10 triệu trong tổng số 16 triệu dân vào tháng 11.

Thái Lan ghi nhận 11.784 ca mới, đánh dấu ngày thứ 4 liên tiếp quốc gia này ghi nhận số ca mới cao nhất từ khi dịch bùng phát, trong khi ghi nhận thêm 81 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên là 3.422 ca, trong tổng số 415.170 ca mắc COVID-19. Giới chức Thái Lan đã cho dựng các trạm kiểm soát để hạn chế hoạt động đi lại của người dân ở 13 tỉnh được liệt vào “vùng đỏ sẫm” - khu vực được kiểm soát nghiêm ngặt và tối đa.

Tất cả các chuyến bay nội địa từ hai sân bay ở vùng đô thị Bangkok là Suvarnabhumi và Don Mueang sẽ tạm ngừng kể từ ngày 21/7. Ngoài ra, các phương tiện giao thông công cộng khác cũng sẽ giảm 50% công suất hoạt động kể từ ngày 21/7. Đến nay, Thái Lan đã tiêm được tổng cộng 14.298.596 liều vaccine phòng COVID-19 trong tổng số 100 triệu liều mà nước này dự kiến sẽ tiêm cho người dân cho tới cuối năm để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng với khoảng 70% dân số được tiêm chủng.

Singapore khuyến cáo những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19, đặc biệt người cao tuổi, nên ở trong nhà nhiều nhất có thể trong vài tuần tới, trong bối cảnh gia tăng quan ngại về nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Singapore ngày 19/7 ghi nhận 163 ca mắc mới, con số thống kê theo ngày cao nhất trong 11 tháng, với các cụm lây nhiễm tăng liên quan tới quán bar karaoke và một cảng cá. Khoảng 73% trong tổng số 5,7 triệu dân ở Singapore đã được tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên, tuy nhiên chính phủ nước này đang đẩy mạnh việc tiêm chủng cho người cao tuổi.

Malaysia đã phê duyệt có điều kiện việc nhập khẩu và phân phối 2 bộ dụng cụ tự xét nghiệm COVID-19, cho phép bán tại các hiệu thuốc cộng đồng hoặc trung tâm y tế đã đăng ký. Hai bộ dụng cụ này gồm bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 Salixium do hãng Reszon Diagnostic (Malaysia) sản xuất và bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 Gmate của công ty Philosys (Hàn Quốc). Trong đó, Salixium xét nghiệm hỗn hợp nước bọt và dịch mũi, trong khi Gmater xét nghiệm nước bọt. Ngày 19/7, Malaysia ghi nhận 10.972 ca mới và 129 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt là 927.533 ca và 7.14 ca. 

Indonesia ghi nhận thêm 1.338 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi lên 74.920 người. Cũng trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 34.257 ca mới, mức thấp nhất theo ngày được ghi nhận kể từ ngày 6/7. Hiện số ca mắc tại Indonesia đã vượt 2,9 triệu ca. Philippines thông báo có thêm 5.651 ca mới, nâng tổng số lên 1.513.396 ca. Số người tử vong cũng tăng lên 26.786 ca sau khi có thêm 72 bệnh nhân không qua khỏi.

Ấn Độ ghi nhận 38.164 ca mới và 499 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, đây là số ca mắc mới và tử vong tính theo ngày thấp nhất trong vòng 3 tháng qua.

Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới theo ngày là 1.252 ca, giảm so với mức đỉnh điểm 1.454 ca ghi nhận trong ngày 17/7. Tuy nhiên, số ca mắc mới trong ngày vẫn trên 1.000 ca/ngày trong gần 2 tuần qua, khiến nhà chức trách buộc siết chặt các quy định chống dịch trên toàn quốc nhằm giảm tốc độ lây nhiễm trong mùa Hè. Hàn Quốc đã ghi nhận tổng cộng 179.203 ca mắc và 2.058 ca tử vong. Trong đó, riêng vùng thủ đô Seoul, chiếm một nửa trong tổng số 51,34 triệu dân của cả nước. 

Bang Victoria của Australia sẽ kéo dài lệnh phong tỏa chống dịch sau ngày 20/7, mặc dù số ca mắc mới giảm nhẹ. Gần một nửa trong số 25 triệu người dân Australia đã bị cách ly tại nhà, trong đó riêng Sydney - thành phố lớn nhất nước - thực hiện lệnh phong tỏa 5 tuần và toàn bộ bang Victoria thực hiện quy định ở nhà, sau khi biến thể Delta có tốc độ lây nhiễm nhanh gây ra đợt bùng phát tồi tệ nhất tại Australia trong năm nay.

Tại châu Âu, Chính phủ Anh đã dỡ bỏ tất cả biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng để chống dịch COVID-19 tại vùng England. Theo đó, từ ngày 19/7, các hộp đêm được mở cửa trở lại và những cơ sở kinh doanh trong nhà khác được phép hoạt động đủ công suất. Các quy định bắt buộc đeo khẩu trang và làm việc tại nhà cũng được dỡ bỏ. Trong khi England dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, chính quyền các vùng Scotland, Wales và Bắc Ireland sẽ đưa ra chính sách riêng về vấn đề này. Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi người dân duy trì cảnh giác, đề phòng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, đồng thời hối thúc mọi người tiêm vaccine phòng COVID-19.

Chiến dịch tiêm vaccine tại Anh đã được triển khai thành công, theo đó, hiện mọi người trưởng thành tại nước này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo số ca mắc mới tại Anh có thể tăng lên mức cao kỷ lục 100.000 ca/ngày do biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh. Chính phủ Anh ngày 19/7 thông báo quy định mới, theo đó những nhân viên y tế tuyến đầu có thể tiếp tục làm việc ngay cả khi họ đã tiếp xúc với người mắc COVID-19, miễn cách ly đối với những nhân viên đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19. Những nhân viên này cần có xét nghiệm âm tính với virus và được làm xét nghiệm hằng ngày trong thời gian lẽ ra họ cần phải cách ly do tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19.

Pháp không loại trừ khả năng tái áp đặt lệnh giới nghiêm nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19, nếu tình trạng lây nhiễm tiếp tục gia tăng. Trong 24 giờ qua, Pháp đã ghi nhận hơn 12.500 ca mới, ngày thứ 3 liên tiếp số ca mới trên 10.000 ca do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta.

Ireland đã áp dụng Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 như nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Động thái trên của Ireland chậm hơn vài tuần so với các nước trong khối do hệ thống công nghệ thông tin chăm sóc sức khỏe của nước này bị tin tặc tấn công. Với việc áp dụng Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19, những người đến từ EU, Iceland, Lichtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ khi nhập cảnh vào Ireland sẽ không phải cách ly nếu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, vừa khỏi bệnh hoặc có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh. EU đã chính thức áp dụng Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 từ ngày 1/7, với hy vọng đây sẽ là “bàn đạp” để khôi phục ngành du lịch khu vực sau 1 năm đìu hiu dưới tác động của đại dịch.

Theo Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) châu Phi, tính đến chiều 19/7, châu lục này ghi nhận tổng cộng 6.236.745 ca COVID-19, trong đó có 157.967 ca tử vong. Hơn 5,43 triệu bệnh nhân COVID-19 tại châu Phi đã phục hồi. Các quốc gia gồm Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ethiopia và Ai Cập là nhóm những nước có số ca mắc cao nhất tại châu lục, trong đó đứng đầu là Nam Phi với hơn 2,29 triệu ca.

Nguồn: Lê Ánh (TTXVN) - Ảnh bìa THX/TTXVN: Người dân đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 tại thủ đô Viêng Chăn, Lào ngày 17/6/2021. 

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >